Ẩm thực Việt Nam
Bún dây Bình Định
Gạo vút với nước nhiều lần cho sạch, ngâm với nước tro. Tro ngâm gạo phải là tro mịn và là tro củi, cho tro vào thau nước, quậy đều rồi vớt bỏ các tạp chất nổi lên trên mặt nước.
Chờ cho tro lắng xuống đáy thau thì chắt lấy phần nước trong phía trên đem ngâm gạo khoảng sáu giờ cho gạo mềm. Xay gạo thành bột mịn rồi hấp cho bột chín. Khi hấp phải dùng đũa khuấy liên tục cho bột chín đều. Khi bột đặc sánh lại và ráo nước thì tắt bếp
Bột chín được vắt thành từng miếng nhỏ, vừa với lòng khuôn. Cho bột vào khuôn ép (có thoa một ít dầu phộng chống dính), một người dùng lực ép vào khuôn cho bột chảy xuống những lổ nhỏ bên dưới khuôn, một người dùng miếng lá chuối nhỏ, khéo léo hứng những sợi bột đang chảy bên dưới thành một vỉ bún nhỏ đẹp mắt. Công việc cứ tiếp tục cho đến khi hết bột. Những vỉ bánh được mang đi hấp cách thủy cho chín. Khi chín, sợi bún chuyển sang màu trong suốt, nhỏ xinh, mảnh mai, rất đẹp mắt.
Bún dây ăn nguội mới ngon. Khi ăn, mọi người nhẹ nhàng gỡ vỉ bún ra khỏi lớp lá chuối, xé thành từng sợi nhỏ, đặt lên trên chiếc đĩa, quết dầu phộng (đã phi thơm với hành và lá hẹ), chan nước mắm chanh, tỏi, ớt, thêm một ít chả cắt sợi hay tôm, cá rim với dầu phộng và gia vị cho đậm đà.
Thực khách chiêm ngưỡng vẻ duyên dáng của những sợi bún mảnh mai rồi mới từ từ thưởng thức những hương vị dai của bún, thơm của dầu phộng phi lá hành, lá hẹ và đậm đà của nước mắm chanh, tỏi, ớt. Tất cả hòa quyện vào nhau khiến mọi người luôn cảm thấy rất ngon miệng khi ăn món ngon dân dã này và luôn muốn ăn đến no bụng mới thôi.
Với những hương vị thơm ngon, mộc mạc chất quê, bún dây Hoài Nhơn đã trở thành một món ngon đặc sản, để lại nhiều nỗi nhớ trong lòng những người con đất võ xa quê, cũng như đã để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng du khách khi đến với mảnh đất ân tình này.
(Nguồn: Báo LĐ)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch