Ẩm thực Việt Nam
Cà đắng Tây Nguyên
Quả cà đắng dùng để làm các món ăn tuy dân dã nhưng lại được người Tây Nguyên rất hâm mộ, chính vì vậy cà đắng hiện được trồng đại trà trong vườn nhà, vườn rẫy để thu hái quả quanh năm và bán đầy cả chợ lớn Buôn Ma Thuột khiến nhiều khi vào vườn tìm khó hơn ngoài này.
Quả cà đắng già hơi vàng hườm một tí có thể đâm nát với ớt, trộn cá khô nướng xé nhỏ để làm món nhậu ăn sống rất hấp dẫn nhất là với những ai thích vị đắng vì vị ngọt giòn đến ngay sau cái đắng tái tê khi mới bỏ vào miệng. Tuy nhiên cách dùng cà đắng thông thường nhất vẫn là nấu chín nó với cá khô, cá hấp, tôm tép tươi khô, ốc, ếch, lươn, thịt heo, dê, gà, bò... .
Nghe nói còn có kiểu đem đầu cá trích khô cho vào cối giã nát, khử hành hay tỏi với một ít dầu, đưa “bột” đầu cá trích vào xào sơ trước khi cho vào nấu cà đắng.
Riêng với người Ban mê thì rất thích đãi khách bằng món này nên thỉnh thoảng còn cho cà đắng kết duyên cùng cá hộp, thịt hộp, thịt ba chỉ, da heo hay lòng gà, lòng vịt theo cách nấu của người kinh cho dễ ăn và hợp với khẩu vị của những người mới ăn.
Ngoài ra món cà đắng luộc mềm, giã nát nấu cùng cá nục hấp tao tỏi thơm lừng, măng rừng luộc chín xé sợi, tất cả hòa quyện vào tạo nên hương vị canh cà đắng đặc trưng của vùng cao nguyên yên bình.
Miếng cà đắng đầu tiên có thể làm bạn hơi chối vì vị đắng của nó nhưng sẽ hấp dẫn ngay sau đó nếu bạn vượt qua được cái thử thách nhỏ tí xíu này. khi đó bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt đằm thắm của cà lẫn vào vị ngọt của cá khô, của tôm tép và vị cay xé lưỡi của ớt tạo nên một khẩu vị rất lạ, hấp dẫn rất núi rừng tây nguyên và thèm mãi cái món ăn dân dã này chả biết chừng.
Lưu ý: Có thể trữ cà bằng cách cắt miếng phơi khô, treo giàn bếp dùng dần; trước khi nấu đem ngâm nước chừng 5 – 10 phút, cà mềm và vị đắng vẫn không mất đi.
(Nguồn: Muivi)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch