Ẩm thực Việt Nam
Cá sứt mũi sông Chu
Cá sứt mũi có thân nhỏ ăn theo đàn, chỉ bằng đầu đũa, thân có vảy nhỏ và mềm, phần trên miệng bị vẹt một chút như vết sứt nên gọi là cá sứt mũi. Mùa cá sứt mũi vào những ngày cuối đông se lạnh đến giữa mùa xuân. Những mùa khác cá lẩn sâu vào hang đá, rất ít gặp. Chỉ có cá mẹ ra vật đẻ giữa dòng sông. Trứng bị các loài cá khác ăn mất nhiều, còn lại trôi về xuôi. Khi nở, cá con lại theo dòng, ngược về nơi chúng sinh ra.
Đặc điểm của loài cá này là không ăn mồi câu, thức ăn của chúng chủ yếu là rêu đá nhỏ li ti bám ở vùng đá cuội dưới đáy sông Chu. Muốn bắt chúng phải có một loại lưới riêng mắt nhỏ, dày và bền gọi là te. Mỗi khi trở trời, đổi tiết, cá nổi lên mặt sông từng vệt, từng vệt đen kịt, lăn tăn. Cá ăn theo đàn lớn nhỏ. Những chú cá con nghịch ngợm búng mình trên mặt sông thành những vật nhỏ lấp loáng. Thợ chài lưới nhìn là biết ngay. Họ cứ theo đó mà hạ te rồi chèo thuyền rất nhẹ hứng cả cụm vào te.
Thịt cá sứt mũi mềm, béo, xương nhỏ nên chế biến được nhiều món ăn ngon, đậm đà khiến ai ăn rồi cũng phải nhớ đến mùi vị đặc sắc của nó. Món ăn dân dã nhất là kho cá với dưa cải làm miếng cá mềm, dưa cải chua chua giòn giòn, thấm gia vị, ớt cay thơm sẽ giúp làm tăng khẩu vị của người ăn.
Cá kho dưa cải ăn với cơm nóng, hoặc nếu nấu nhiều nước, nhạt vị thì ăn với bún tươi cũng rất ngon. Ngoài ra cá sứt mũi còn là nguyên liệu để nấu canh chua thập cẩm hay nấu lẩu ngon không thua kém gì so với cá tràu, cá bông lau...
Với món cá nướng thì mùi thơm của nó khi chế biến đủ khiến ai ngửi cũng đã thèm thuồn. Cá sứt mũi làm sạch dàn vào vỉ sắt, nướng trên than hồng cho chín vàng, món cá nướng than này làm mồi nhấm với rượu sau một buổi đánh bắt ngoài sông về thì không gì sướng bằng.
Đặc biệt trong những ngày mùa đông se se lạnh này, bắt được cá sứt mũi cho vào nồi ống, rắc vào vài thìa muối, thả một vài búi gai xương xông, gai bồ kết hoặc gai bưởi càng thơm. Đậy vung lại rồi xóc đều lên cho gai rạch vỡ bụng cá ra. Đem rửa vài lần là sạch ruột. Cho cá vào nồi đất nghệ đổ nước săm sắp, đun nhỏ lửa để cá khỏi nát. Khi cá đã se se mình rồi hãy rưới nước mắm ngon, thêm một thìa con mỡ, lắc đều cho ngấm rồi đun tiếp cho cá hơi khô mình, rắc hạt tiêu lên trên. Mười phút sau cá ngấm gia vị. Mở vung ra, một mùi thơm hấp dẫn tỏa lan khắp nhà. Thịt cá, mỡ cá bén nồi đất thơm nức mũi, món này ăn với cơm nóng thì khỏi phải chê.
Ai đã được thưởng thức cá sứt mũi chế biến theo bất kỳ kiểu gì thì cái hương vị thơm ngon của nó đủ khiến cho ai cũng thấy nhớ khi xa dòng sông Chu thơ mộng.
(Nguồn: Báo Lao Động)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch