Ẩm thực Việt Nam
Cơm ống tre
Bà con ở Đắk Lắk chặt tre, cây nứa trên nương về cắt từng đoạn dài chừng 3-4 tấc. Nguyên liệu chính nấu cơm là loại gạo nếp được trồng ở Bản Đôn. Đó là loại gạo đặc sản, có hương vị thơm lừng và dẻo. Gạo được rửa sạch cho vào ống tre, ống nứa nướng trên lửa than hồng. Cơm không nướng trên bếp gas hay dùng bếp điện mà đốt cây rừng cháy thành than đỏ rồi để ống tre lên nướng. Độ ẩm của ống tre gặp lửa than hồng đủ để đun gạo thành cơm. Ống tre được trở đều để cơm chín đều. Nếu khách muốn ăn cơm cháy thì để ống tre trên lửa lâu hơn đến khi ống tre bị đốt cháy đen.
Người Bản Đôn thường nướng cơm trong ống tre để đi rẫy hoặc vào rừng dài ngày. Đến bữa, chỉ cần tét ống tre là đã có cơm ngon. Để cơm không bị dính vào ống và dễ tét, người ta đặt ống tre vào lòng hai bàn tay và vò đi vò lại cho đều. Sau đó, tét ống tre thành nhiều nan nhỏ. tét tới đâu, lấy cơm tới đó để tránh cơm bị cứng, mất vị thơm... Thực khách lấy từng miếng cơm nhỏ vừa đủ miếng ăn chấm với muối sả ớt ăn ngon lành. Sả được cắt từng khoanh nhỏ rồi băm cho gãy đôi, gãy ba. Sau đó, trộn với một ít muối và ớt thật cay. Mùi thơm lừng của cơm gạo nếp hòa quyện với vị thơm của sả, vị mặn của muối và cay nồng của ớt, đơn giản thế thôi nhưng đã tạo được sự độc đáo trong ẩm thực dân dã của người Lào. Đến Dakruco, thưởng thức cơm ống tre, ai nấy cũng tấm tắc khen ngon. Có người ăn đến 7-8 ống cơm mặc dù bình thường chỉ 2-3 ống đã... “nứt bụng”.
(Nguồn: Báo Cần Thơ)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch