Ẩm thực Việt Nam
Kẹo Huế
Chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ biết trong cái kẹo đó có những gì và trông hình dạng nó như thế nào. Kẹo cau là một loại kẹo dân dã gắn liền với tuổi thơ của nhiều thế hệ học trò xứ Huế. Chiếc kẹo trông giống miếng cau chẻ sáu, phần trong cứng có màu vàng nhạt được làm từ nước đường đông đặc lại, tượng trưng cho nhân cau; phần ngoài trắng làm từ bột gạo trộn đường, tượng trưng cho vỏ cau. Kẹo cau khá cứng nên khi ăn chỉ cần ngậm để miếng kẹo tan dần chứ không thể nhai. Thời xưa, kẹo cau thường được các o các mệ gói trong chiếc lá chuối khô để bán cho lũ con nít. Ngày nay, khi công nghiệp phát triển, kẹo cau được gói trong giấy ni lông láng bóng.
Kẹo gừng là loại kẹo được làm từ bột gạo nếp, đường cát và có pha thêm một chút nước gừng. Lượng nước gừng được gia giảm vừa phải để khi ăn vào vị cay nồng của gừng không lấn át vị ngọt của đường. Loại kẹo này ra đời từ những năm 1960 – 1970. Hồi ấy, chỉ cần có 500 đồng lẻ là đã mua được 5 viên kẹo gừng nho nhỏ. Hương kẹo nồng nồng, thơm thơm; không chỉ trẻ con mà người lớn đều ưa thích vì nó có tác dụng làm ấm bụng, thanh giọng, ngăn ngừa cảm mạo thương hàn. Từ mùa xuân đến mùa đông, mùi nồng thơm của kẹo gừng gợi nhớ tình cảm quê hương thắm thiết, tìm cảm gia đình ấm áp, tình nghĩa vợ chồng thủy chung, son sắt. Kẹo búa được làm từ bột gạo, có hình dạng vuông vuông như đầu búa, ngậm cả buổi mới tan hết miếng kẹo. Kẹo gương là miếng mật đường dát mỏng như chiếc gương soi, hơi ánh vàng. Chỉ cần cắn một miếng đã thấy giòn tan, thoang thoảng mùi mía đường ngon ngọt. Kẹo đậu phụng được làm từ đường mạch nha đổ trên chiếc bánh tráng giòn, thêm lớp đậu phụng rang màu đỏ nung còn nguyên vỏ ở giữa. Kẹo đậu phụng khi bán thường được cắt thành từng miếng nhỏ hình tam giác. Vừa ăn kẹo đậu phụng vừa uống nước chè Huế thì chỉ đến khi hết bình nước chè hoặc gói kẹo mới thôi. Kẹo cau, kẹo gừng, kẹo búa, kẹo gương, kẹo đậu phụng là những loại kẹo bình dân, mang hương vị đậm đà của các miền quê xứ Huế.
Nhắc đến kẹo Huế không thể không nói đến miếng kẹo mè xững nổi tiếng trong và ngoài nước. Ăn mè xững uống trà cung đình là một thú vui tao nhã của những người quyền quý xa xưa. Vị ngọt béo của đường, giòn của đậu phụng, thơm thơm của mè tạo sức hút đặc biệt đến nỗi nhiều người mới ăn một vài lần đã thấy nghiền. Mè xững được làm từ nhiều thứ nguyên liệu như: đậu phộng, mè, đường trắng và bột gạo. Bột gạo để làm mè xững phải là loại bột gạo ngon, mịn, không vón cục trong khi nấu. Đường cát cho vào chảo, nấu đến độ sôi nhất định thì cho đậu phụng đã rang vàng, giã đôi và bột gạo vào; dùng đũa khuấy mạnh và liên tục để dung dịch khỏi bị cháy và sít nồi. Mè rang vàng xát vỏ, rải một lớp mỏng lên khuôn. Khi hỗn hợp bột, đường, đậu chín thì đổ ra khuôn, rải lên phía trên một lớp mè nữa. Để kẹo nguội rồi dùng dao, kéo cắt thành từng miếng nhỏ. Cách làm mè xững tuy đơn giản nhưng để tạo ra miếng kẹo mè xững thơm, dẻo và không bị cháy là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sự khéo tay của người làm bếp. Ngày nay, từ công thức nấu kẹo truyền thống, người ta chế biến ra nhiều loại mè xững khác nhau như mè xững giòn, mè xững dẻo... đáp ứng nhu cầu của thực khách. Ở Huế có rất nhiều nhãn hiệu mè xửng nổi tiếng, tồn tại và phát triển hàng trăm năm nay như Thiên Hương, Nam Thuận, Hồng Thuận….
Kẹo Huế chứa đựng biết bao tâm tình của những con người ở dãi đất miền Trung đầy nắng gió. Những người dân Huế xa quê hay du khách thập phương mỗi lần đến Huế đều muốn mang theo một chút kẹo làm quà; để rồi dù đi đâu về đâu, họ vẫn nhớ rằng mình đã từng đặt chân lên xứ Huế mộng mơ.
(Nguồn: website Khám Phá Huế)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch