Ẩm thực Việt Nam
Lường phảnh Hội An
Và còn có những món quà vặt giản dị rẻ tiền mà bất kì du khách nào cũng có thể dừng chân nghỉ ngơi, thưởng thức với các loại chè đậu xanh, đậu đen, xí mà, lường phảnh… Cùng với một số món ăn khác, lường phảnh đã theo chân các Hoa kiều du nhập vào thương cảng Hội An từ những thế kỷ trước và trở thành món ăn đậm hương vị Hội An.
Lường phảnh - sao lại có tên như vậy? Có lẽ là do nguyên liệu chính làm nên món ăn này là cây lường phảnh, một loại cây giống rau dền phơi khô, xuất xứ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó còn có thêm một số vị thuốc bắc như đương quy, thục địa…
Muốn cho ra đời một món lường phảnh ngon, để lại ấn tượng trong lòng người ăn đòi hỏi người nấu phải khéo léo trong từng khâu chế biến. Lường phảnh được ngâm nước, rửa thật sạch rồi bỏ vào nồi nấu. Lúc nấu, canh lửa sao cho vừa phải để lường phảnh không quá chín rục, ảnh hưởng đến độ cứng và dai của chén lường phảnh. Lường phảnh chín, cho nước tro tàu đã lọc vào nồi. Khi lường phảnh chín nhừ vớt ra, dùng bao vải lọc lấy nước. Độ vài giờ sau, chất nước ấy đông đặc lại có màu đen lóng lánh là có thể đem ra dùng. Chỉ khi nào dùng, mới cắt ra từng khối nhỏ hình chữ nhật hay hình vuông.
Lường phảnh ăn với đường bát mới đúng điệu. Ðường thắng tới vừa dẻo người ta vắt vào một ít chanh, thêm một nhúm gừng giã nhỏ. Trong những ngày hè nóng nực được thưởng thức món lường phảnh thì còn gì bằng, hương thơm cay cay của đường và gừng từ vùng đất trung du pha lẫn mùi thoảng thoảng rất đỗi quen thuộc của các vị thuốc bắc khiến con người ta không khỏi nao nao, thòm thèm...
Cũng như xí mà, lường phảnh không chỉ là món ăn ngon, độc đáo mà còn có tác dụng như một bài thuốc bổ, bởi bản thân các nguyên liệu dùng để nấu đều mang vị thuốc, có tác dụng bổ thận, giảm đau lưng…Người ăn uống nhiều dầu mỡ dùng lường phảnh giúp hạn chế bớt lượng cholesterol.
Từ lâu, lường phảnh trở thành món ăn quen thuộc, ưa thích của phần đông cư dân phố Hội và du khách vãng lai. Trong cái nắng gắt của ngày hạ, bên góc phố nhỏ gặp cô hàng quán xinh xắn, nhẹ nhàng mời mọc, thế nào cũng thử một lần ngồi xuống. Nhìn từng miếng lường phảnh màu đen nhạt, lóng lánh, thoang thoảng vị cay cay của gừng, thơm nồng của nước đường khiến khách không khỏi nao nao...
(Nguồn: website báo Lao Động)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch