Ẩm thực Việt Nam

Phong phú đặc sản Phú Thọ

 Từ bãi xe của Khu du lịch Đền Hùng có xe điện đưa khách đến chân núi nơi có con đường dẫn lên núi Nghĩa Lĩnh, với giá 15.000 đồng/người, một đoạn đường chỉ 800m. Chẳng mấy ai đi, vì có lực lượng xe gắn máy ôm chào mời cấp tập.


Bất kỳ khách nào cũng xiêu lòng, nhất là khách nam, vì chỉ có 5.000 đồng/người, lại được các cô gái xinh đẹp “đèo”. Viếng các đền xong, xuống núi, các cô lại đón bạn về bến cũng chỉ với số tiền như vậy.

 Tại cái bến nầy, các cô còn nhiệt tình mời đãi bạn một ly trà đá mát lạnh, giải ngay cái nhiệt mùa hè nóng bức miền trung du. Vừa nhấm nháp trà đá bạn còn được các cô ân cần dọn mời một dĩa đầy những miếng bánh đa sắc. Đó là các loại bánh dẻo mềm như bánh gừng trong Nam. Vừa mời mọc, vừa giới thiệu giá trị thơm ngon đặc sản Phú Thọ của từng loại bánh, với chất giọng ngọt ngào thổ âm miền Bắc, các cô còn khe khẽ ngân nga: “Chè xanh thêm chút gừng cay/Ăn bánh rau sắng làm say lòng người/Khách đi khách lại cũng ham/Khi về đã có chè lam Đền Hùng”. Các cô còn giới thiệu dược tính của các loại bánh trên, nào là ăn vào sẽ chữa trị được các chứng bệnh: suy nhược cơ thể, mạnh gân xương, trị tiêu chảy, tiểu đường, di tinh, gầy yếu, giúp tiêu hóa tốt...kèm theo là lời khuyến mại: Mua 10 hộp tặng 1 hộp. Giá các loại bánh: Chè lam, bánh rau sắng, cốm nếp nương: 50.000 đồng/hộp. Riêng chè lam và bánh củ mài nướng có loại hộp nhỏ giá 35.000 đồng.

 

Các loại bánh nầy đều dán nhãn Chú Béo, trong số ấy, các cô giới thiệu chè lam là ngon nhất. Chè lam là một loại bánh cổ truyền thường được thực hiện trong các dịp lễ Tết, với cách làm khá đơn giản: nếp cái hoa vàng loại hột lớn, chắc và đều đem rang, xay đều thành bột. Lựa đậu phộng đều hột, rang vừa chín tới, xay nhuyễn. Cả hai trộn với mật mía sánh đặc, mạch nha và nước cốt gừng, nắn thành bánh dẹp, cắt thành miếng vừa ăn. Các loại bánh còn lại nêu trên cũng được hình thành na ná như vậy.

 

Phú Thọ còn tiềm ẩn khá nhiều đặc sản. Đó là gạo nếp gà gáy của Yên Lập rất ngon, lại còn các loại cây ăn trái “thuyết phục” khẩu vị nhiều người, như: mít, sấu, trám trắng, sồi..., tất cả thường được du khách mua về nhà làm quà tặng cho người thân.

 

Phú Thọ có các truyền thuyết, huyền thoại, trong đó có gà chín cựa. Gà 9 cựa là giống gà quý mà theo truyện kể vua Hùng thứ 18 đòi Sơn Tinh và Thủy Tinh phải dâng nộp cùng các lễ vật: voi 9 ngà, ngựa 9 hồng mao nếu muốn cưới công chúa Mỵ Nương. Hiện nay, gà 9 cựa còn tồn tại trong cộng đồng người Dao xã Xuân Sơn. Đây là loại gà thông minh tới mức có thể giữ nhà khi chủ đi vắng./.
Nguồn: Báo Cần Thơ

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *