Ẩm thực Việt Nam
Súp lươn xứ Nghệ
Dọc đường vô xứ Nghệ, nổi bật là những biển quảng cáo hấp dẫn, mời gọi. Nào là cháo lươn, miến lươn và cả súp lươn nữa. Cũng có thực khách đã kịp nhắn gửi:
“ Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Có về ăn cháo (lươn) với anh thì về”
Để ca ngợi đặc sản tuyệt ngon của vùng Nghệ Tĩnh.
Súp lươn là một biến tấu của món cháo lươn. Cũng như khi nấu cháo, lươn được làm sạch nhớt để gỡ lấy thịt. Nhiều nghệ nhân có kinh nghiệm còn bày cho con cháu cách làm lươn truyền thống, không dùng dao mà phải lấy cật tre mà lọc thịt để tránh vị tanh. Đúng là thật lắm công phu.
Thịt lươn sau khi làm sạch sẽ được xào chung với nghệ, ớt, tiêu xay. Đặc biệt là không thể thiếu hành tăm- thứ hành chỉ có ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Chính những củ hành tăm bé bé mới làm dậy lên được mùi thơm của lươn, tạo nên vị cay nồng cho món súp.
Múc vào bát, miếng lươn vẫn còn nguyên. Ăn rất mềm, đồng thời cũng đã ngấm hết vị cay, mùi thơm của ớt, của hành. Có màu vàng óng của nghệ, màu xanh của lá mùi tàu hay hành tươi.
Súp lươn thường ăn kèm với bánh mỳ thế nhưng người xứ Nghệ vốn có tiếng với việc chế tác món ăn nên món ăn kèm cũng có sự biến tấu. Thay bằng những ổ bánh mỳ khô, khách có thể gọi thay bằng đĩa bánh mướt - ở miền Bắc chính là bánh cuốn.
Trước lúc kịp no bụng, người ăn đã kịp no mắt với bát súp lươn óng ánh và đĩa bánh mướt trắng trong. Khéo léo vắt một ít chanh, bát súp lươn mới thực sự hoàn chỉnh.
Bước vào bất kì quán lươn nào nơi xứ Nghệ, cũng dễ dàng bắt gặp cảnh mọi người xì xụp bên bát cháo hoặc súp lươn. Bề ngoài tuy nóng nhưng ăn vào mới thấy mát bởi lươn là vốn thức ăn có tính hàn mà lại rất bổ.
(Nguồn: website afamily)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch