Điểm Du lịch
Làng chiếu Long Định
Nếu ai đã từng có dịp về Tiền Giang, đi qua Quốc lộ 1, đoạn cách ngã ba Trung Lương khoảng gần chục cây số, ắt sẽ thấy một tấm biển lớn đề mấy chữ “Làng nghề truyền thống dệt chiếu Long Định kính chào quý khách!".
Từ vị trí tấm biển ấy, rẽ vào lối tỉnh lộ 867, đi độ nửa cây số là tới làng Long Định. Từ đầu làng đã thấy cảnh chiếu, cói phơi đầy hai bên đường. Từng đám cói trắng ngà hoặc đã được nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng… được phơi khô cong dưới cái nắng vàng mùa hạ. Đi sâu vào làng, chỗ nào cũng nghe rộn ràng lách cách tiếng thoi đưa dệt chiếu.
Tiếng là nghề truyền thống nhưng nghề làm chiếu ở Long Định mới có chừng khoảng hơn 50 năm nay. Nghề do các cư dân vùng chiếu nổi tiếng ở Kim Sơn - Ninh Bình ngoài Bắc di cư vào Nam hồi năm 1954 đem vào. Vì thế, kĩ thuật làm chiếu ở đây cũng có nhiều nét khác biệt so với kĩ thuật làm chiếu thường thấy trong Nam. Chiếu Long Định bao giờ cũng dày dặn hơn, màu sắc, hoa văn cũng tươi tắn và đẹp hơn.
Làm chiếu cũng giống như trồng lúa, tức phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, thời tiết. Hàng năm, cứ vào thời điểm mùa khô, tức khoảng từ tháng 1 tới tháng 4 dương lịch, làng chiếu Long Định lại vào vụ sản xuất chính. Cực nhất là tháng 5, tháng 6, khi mùa mưa đến, nghề làm chiếu lại phải tạm dừng chờ đến mùa khô năm sau. Khó khăn là thế nhưng người làm chiếu ở Long Định vẫn chịu thương chịu khó bám trụ với nghề, bởi mức thu nhập của nghề làm chiếu vẫn khá hơn so với nghề trồng lúa.
Hiện nay, ở Long Định có khoảng gần 1000 hộ dân mưu sinh bằng nghề dệt chiếu, giải quyết được việc làm thường xuyên cho khoảng vài ngàn lao động ở địa phương. Chị Trần Thị Bạch Tuyết, một người có thâm niên hơn 40 năm kinh nghiệm làm chiếu ở Long Định cho biết, trước đây dệt chiếu theo lối thủ công, mỗi tháng một người thu nhập khoảng 1,5 triệu đồng. Bây giờ, nhiều nhà đầu tư máy dệt chiếu, năng suất cao hơn, chất lượng chiếu tốt hơn nên thu nhập cũng cao hơn trước rất nhiều, có tháng lên tới 12 – 15 triệu đồng. Người nào không có vốn thì đi làm thuê, ngày dệt 4 - 5 đôi chiếu, kiếm vài chục ngàn đồng coi như cũng đủ lo cho cuộc sống trong ngày của bản thân.
Cũng theo chị Bạch Tuyết, chiếu Long Định nổi tiếng dày, bền, nằm vừa êm lại thoáng mát, giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng nên hàng ngày thương lái các nơi đến mua rất đông. Có những thời điểm, làng chiếu ăn nên làm ra, mỗi ngày giao cho thương lái đến 6000 – 7000 chiếc chiếu. Không những thế, chiếu Long Định còn được chọn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật, Mỹ…
Để sản phẩm ngày càng đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường, hiện nay, ngoài sản phẩm chiếu cói truyền thống, dân làng Long Định còn nghiên cứu làm thêm sản phẩm chiếu bằng thân cây lục bình phơi khô, một loại nguyên liệu khá phổ biến ở vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, trong quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Tiền Giang, việc đầu tư và phát triển các làng nghề truyền thống được xem như một hướng đi quan trọng nhằm giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn. Chính vì vậy, năm 2007, tỉnh Tiền Giang đã quyết định chọn làng nghề dệt chiếu Long Định làm làng nghề điểm của tỉnh. Sau khi được công nhận làng nghề và đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề, nghề làm chiếu thực sự trở thành nguồn thu nhập chính trong đời sống của người dân Long Định. Nhờ có nghề chiếu, cuộc sống của người dân Long Định được nâng cao, xóm làng khang trang, nhà cửa sạch đẹp hơn trước rất nhiều.
Nguồn: TTXVN/Vietnam+
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch