Điểm Du lịch
Làng gốm Phước Phú
Địa điểm: Phước Phú thuộc xã Phong Hòa huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên Huế, do hai thôn Phước Tích và Phú Xuân nhập lại. Tên xã Phong Hòa xưa là xã Phong Lâu (do ở bên bờ sông Ô Lâu).
Hình thành: Vị trí làng Phước Tích tiện cho việc thông thương bằng đường thủy để khai thác nguyên liệu và chở sản phẩm gốm đi bán. Quanh làng không có đất sét và rất hiếm củi, nhưng theo các gia phả và ký ức người già thì suốt đời Minh Mạng đến đời Khải Định, hàng tháng làng phải dâng nộp triều đình Huế 30 chiếc “om ngự” làm nồi nấu cơm cho vua, ăn xong vứt bỏ. Do đó làng được đặc ân đi các nơi khai thác những gì cần cho nghề: vào rừng ở truông Đôộc (Đôộc: gốm) (nay thuộc Mỹ Xuyên cùng xã) lấy củi, sang cồn Gióng (nay thuộc xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) lấy đất sét. Sau này cồn Gióng không cho lấy đất nữa thì sang Dương Khánh (xã Hải Dương cũng thuộc Quảng Trị) cách xa 30km đường đò. Đất ở Dương Khánh trên là đất sét, dưới là mầu nên địa phương muốn cho lấy để lợi cho canh tác, lại được Phước Tích trả sản lượng. Nay vẫn được dùng đất Dương Khánh. Sản phẩm truyền thống “độc Phước Tích” có lu (chum), ghè, thạp, thống, om, (niêu) bùng binh (ống tiết kiệm), tu huýt (còi) và ông táo nung chín thành sành, không có thấm nước. Những sản phẩm trên được chở bán từ Nghệ An vào đến Nam Bộ. Thời kỳ hưng thịnh, cả làng nhà nhà làm gốm và các gia đình góp vốn xây lò, cùng thuê thuyền chở sản phẩm ra phá Tam Giang để đi các nơi xa. Họ mải miết, có khi chiều 30, sáng mồng 1 Tết vẫn đi bán hàng.
Trong kháng chiến chống pháp, Phước Tích gặp nhiều khó khăn, dân phải bỏ làng đi tản cư, nhưng đến đâu cũng mang theo nghề, họ lập lò nhỏ và gánh bộ đi bán. Trong thời Mỹ - Ngụy tạm chiếm, do sự lan tràn của đồ nhôm, những thợ có tay nghề khá vững là cán bộ đã ra Bắc tập kết, gốm phước Tích có nguy cơ tàn lụi. Mãi năm 1975 dân làng sum họp, lại phục hồi nghề cũ. Họ góp vốn dựng lại lò, nhưng không dùng lò cóc và lò Thanh kiểu cũ, học tập Hương Canh (Vĩnh Phúc) đắp lò rồng mở rộng dung tích và tận dụng nhiệt hợp với từng loại sản phẩm. Buổi đầu chưa thạo kỹ thuật mới, nhiều lần nung hỏng, sau mời thợ Hương Canh vào sửa cho vài chi tiết, nung tốt nhưng vẫn chỉ sản xuất được gốm không men. Từ năm 1985 học tập Biên Hòa đã có thêm lò mới, sản xuất được cả gốm có men. Do tình hình thời tiết, các lò gốm hoạt động mạnh trong các quý II và quý III, còn quý IV và quý I mưa gió nên ít đốt lò.
Cũng như nhiều làng gốm khác, bãi phế thải Cồn Trèn và khắp đường làng chỗ nào cũng đầy mảnh gốm, chứng tỏ một chiều sâu lịch sử.
(Nguồn: thuathienhue.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch