Điểm Du lịch
Làng làm Nón Hạ
Làng làm Nón Hạ - xã Yên Toàn (Yên Đồng) - Đức Thọ
Nón Hạ sản xuất ở xã Yên Toàn (Yên Đồng) loại nón bằng, có quai thao mắc vào 2 “mỏ vịt” bằng bạc, là loại thời thượng được đàn bà con gái ưa dùng, đám cưới nào cũng phải sắm làm đồ nữ trang cho cô dâu. Theo sách cổ thì những nón nhẹ, đẹp, sáng, giá tới 20 quan tiền, nhưng nón thô, xâu cũng không dưới 2 quan. Dân gian có câu:
“Nón Hạ mà buộc quai thao
Lưng ong thắt đáy, trai nào chẳng ưa”
Nón Hạ đường kính khoảng trong ngoài 0,50 m, thành đứng chứ không khum như nón xứ Bắc, cao khoảng 0.10 m; ngoài lợp lá kè non, may rất khéo; trong có cài hoa, chữ “thọ” hay hình “phượng ngậm bao kinh”, bằng chỉ tơ ngũ sắc; chính giữa gắn một cái “gàu” đan nan tre vót nhỏ, lật ngửa. Khi đội thì đặt lên mái tóc; đáy “gàu” đính gương tròn, khi đi có thể nghiêng nón soi; quai thao tết rất công phu, hai đầu có ngù tua, mắc vào hai cái móc bạc cong, đính vào nón giống như mỏ vịt nên gọi “quai thao mỏ vịt”. Loại nón này là một sản phẩm mỹ nghệ, giá đắt bằng mười loại nón thường, nên chỉ dành cho nhà sang trọng, khá giả. Còn loại nón thô, mộc, quai vải, có khi là một sợi mây, giá rẻ, ai cũng mua được. Nón Hạ chỉ đội khi đi chợ, đi cưới, đi hội hè hay đi chơi xa…Còn đàn ông, sang trọng thì dùng nón lông, nón dứa (Gò Găng); thường thì đội nón chớp sơn cũng đã là ao ước của các cô gái: “Em ngồi em ước một ngài.- Mặc cái quần lụa Hạ.- Sắt chạc (dây) lưng tơ đờn- đầu đội nón chóp sơn…”. Theo tài liệu giữa thế kỷ XIX, thì xưa “Học trò đội nón Thượng (làng Việt Yên thượng làm). Kẻ thanh quý đội nón Xuân Canh (tục gọi là nón Lứ), người đi cày đội nón nhỏ trên tròn (?) đàn bà cũng như đội như thế. Nay (1857) thì ai cũng đội nón chóp nhọn học trò thêm nan tre sơn đen, quai nón bằng lụa trắng có dải thòng xuống.
(Nguồn: www.hatinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch