Điểm Du lịch
Làng nghề đóng thuyền Trung Kiên (Nghi Lộc)
“Dân làm gỗ ở vùng mé núi, chặt cây chan chát dội rừng sâu.
Phường đóng thuyền rải rác bãi sông, lắp ráp, tiếng vang trên mặt nước.
Thợ mộc lắm tay thông thạo
Bán buôn nhiều kẻ lành nghề.
Vượt biên giới thông thương sang ngoại quốc, mang đầy màn vẽ, chiêng đồng.
Chở thuyền mành đem bán tận Trung Đô, hàng hóa rặt cau khô, gỗ ván…
… Bãi biển phơi đầy chài lưới. Chợ phiên bày đặc cá tôm.
Chín đội võng nhi xuôi ngược dòng sông, thuyền chài lại qua tấp nập…”
Nghệ An có địa hình núi non trập trùng, nhiều sông suối, lại có nhiều cửa biển rất thuận tiện cho giao thông đường thuỷ và đánh bắt hải sản bằng tàu thuyền. Bờ biển Nghệ An dài 82km, có 6 cửa lạch: Cửa Hội, Cửa Lò, Cửa Vạn, Cửa Thơi, Cửa Quèn, Cửa Cờn rải đều có 4 huyện, thị xã làm nghề cá là Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò. Đặc biệt là Cửa Hội và Cửa Lò tàu 1.000 tấn có thể vào ra dễ dàng và lập được bến cảng khá lớn. Rừng Nghệ An lại cung cấp nhiều loại gỗ quý để đóng tàu thuyền. Bởi vậy nghề đóng tàu thuyền ở Nghệ An ra đời từ rất sớm, có nhiều điều kiện để phát triển và đạt tới kỹ nghệ cao. Thời Nguyễn, Nghệ An có tới 25 xưởng đóng tàu thuyền lớn nhất, nhì ở nước ta:
“Thiệu Trị năm thứ 2, chuẩn y lời tâu rằng: Tỉnh Nghệ An nhân bị nạn gió bão, 25 xưởng thuyền dưới nước đều bị đổ nát, tranh tre bị trôi mất nhiều, lợp sửa lần này mỗi xưởng hạng nhất cấp 60 quan tiền, mỗi xưởng hạng nhì cấp 50 quan tiền…”(1)
Nghệ An có nhiều cơ sở và làng truyền thống đóng tàu thuyền: Trung Kiên, Áng Độ (Nghi Lộc), Lộc Châu, Vạn Lộc (Cửa Lò), Châu Hưng, Do Lễ (Hưng Nguyên), An Bình, Phú Nghĩa, Văn Thai (Quỳnh Lưu), Thanh Bích, Trang Thung (Diễn Châu). Ngày nay nhiều làng nghề đã bị bỏ quên, có làng nghề bị mất hẳn, nhưng cũng có nơi được khôi phục và phát triển, đó là làng đóng thuyền Trung Kiên.
Làng Trung Kiên, xưa gọi là Hoàng Lao, cuối triều Nguyễn gọi là xã Trung Kiên thuộc tổng La Vân, huyện Hưng Nguyên; năm 1946 thuộc xã Đông Hải; 1954 cho đến nay thuộc xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Làng Trung Kiên nằm trong vùng “Địa linh nhân kiệt”: bên hữu có núi Hổ; bên tả là núi Rồng vươn dài ra tới biển. Núi Bảng sừng sững sau lưng; sông Cấm chảy ngang trước mặt đổ nước ra biển ở Cửa Xá (Cửa Lò). Làng Trung Kiên còn có nhiều di tích cổ như đình, đền, chùa, bia đá,… được tạo dựng từ thời Lê. Đền Trong thường gọi là đền Hoàng Lao thờ thần Cao Sơn, Cao Các, Sát Hải đại vương Hoàng Tá Thốn, và Quan Hậu (ông tổ của nghề đóng thuyền). Trên cửa chính của đền có hàng chữ Hán: “Cao minh quảng đại”. Đền còn có nhiều hoành phi, câu đối, tiêu biểu như:
Quốc tam bách tải quan thường tiết liệt tức kim truyền cổn phạ;
Hải thập nhị môn hương hỏa giang sơn đáo xứ trượng thiên thu.
Nghĩa là:
Mười hai cửa biển bốn mùa hương khói, núi sông lồng lộng thanh;
Ba trăm năm sau danh tiếng để lại, xưa nay ngưỡng vọng.
Chùa Trung Kiên được dựng từ triều Lê Hy Tông, do công phần lớn của vợ chồng ông tổ nghề đóng thuyền Trung Kiên tên là Nguyễn Quý Công. Nguyên ông bà không có con nối dõi nên đã cống hết tiền bạc, gia sản cho việc công đức của làng: dựng đình, xây chùa, giúp nhà nghèo, nên khi mất ông được dân tôn thờ gọi là Quan Hậu. Bia Trung Kiên “Cổ thần bi ký” có thân hình họpp 4 mặt, làm bằng đã cẩm thạch từ thời Chính Hoà (1690). Mộ ông tổ nghề đóng thuyền Trung Kiên, lễ hội làng Trung Kiên… cụm di tích đền, đình, chùa Trung Kiên nằm ở khu trung tâm làng, dọc theo chân núi Rồng, có xưởng đóng thuyền, cư dân đông đúc, thuyền bè qua lại, sông nước hữu tình.
Nghề đóng thuyền ở Trung Kiên có cách đây hơn 700 năm, nhưng trở thành phường - làng đóng thuyền nổi tiếng phải kể từ thời Lê (hơn 500 năm). Vua Lê Thánh Tông đã cho lập hạm đội hải binh lớn nhất nước tại Cửa Lò, làm căn cứ để bảo vệ biên giới phía Nam và xuất quân đi bình định phương Nam. Thái Uý, Nhập nội, Phò mã Nguyễn Sư Hồi, con trai đầu của Cương quốc công Nguyễn Xí được cử chỉ huy hạm đội cùng với chức vụ trấn thủ thập nhị hải môn (trấn vùng 12 cửa biển nước ta). Tàu thuyền và quân đội đóng dọc theo sông Cấm, mà ngày nay các nơi liên quan còn được gọi là sông Cấm, núi Cấm, cầu Cấm. Làng Hoàng Lao nằm trong vùng căn cứ này, nên người thợ được trưng dụng để đóng và sửa chữa tàu thuyền cho quân đội. Đồng thời với thợ Hoàng Lao là nhiều tốp thợ ở các nơi khác từ ngoài Bắc được trưng dụng vào, đã tạo điều kiện cho thợ Hoàng Lao học hỏi thêm kinh nghiệm và nâng cao tay nghề của mình. Từ những người thợ nổi tiếng của Hoàng Lao đã xuất hiện một tài hoa, có công lớn với vua Lê và được dân thợ tôn thờ thành ông tổ nghề đóng tàu thuyền của làng Trung Kiên. Đó là ông Nguyễn Quý Công (4) với tích xưa còn kể lại:
“Một lần có đoàn thuyền vua Lê vào phương Nam đến xứ Nghệ. Thuyền rồng nhà vua theo hướng sông đi thị sát tình hình Nghệ An. Không ngờ năm ấy hạn hán kéo dài, nước sông có đoạn bị cạn, thuyền rồng lỡ vào, không thể đi tiếp mà kéo trở lại cũng không được (5). Nhà vua cho quan quân đi rao truyền trong dân gian, mong tìm được ngưòi có mưu kế tài giỏi để đưa thuyền quay trở lại ra biển! Tin đến Hoàng Lao! Người thợ đóng thuyền trẻ tuổi họ Nguyễn xin ra mắt nhà vua và hiến kế.
Cảm mến tài năng của chàng họ Nguyễn, vua Lê đã ban thưởng tiền bạc và mời về kinh giao cho phụ trách cơ xưởng đóng tàu thuyền. Chàng trai đã cảm tạ nhà vua và xin cho được ở lại nơi quê cha đất tổ để tiếp tục làm người thợ đóng thuyền cùng dân làng của mình. Nhà vua rất cảm kích chí nguyện của chàng trai trẻ, đã truyền lệnh ban thêm tiền bạc và giao cho chàng trách nhiệm lập một trang trại đóng thuyền cho triều đình tại Hoàng Lao.
Bia Hậu thần Trung Kiên cho biết:
“Vào năm Bính Thìn (1676) mới bắt đầu dựng trại đóng thuyền. Đã đóng được 6 chiếc…”
Kể từ đó, tiếng tăm của thợ đóng thuyền Hoàng Lao - Trung Kiên càng được lan truyền đi xa. Nhà vua luôn luôn đòi thợ ở đây về để đóng thuyền. Ngày nay nhiều thư tịch cổ còn cho biết về tình hình đóng tàu thuyền cho Nhà nước ở Nghệ An và việc điều thợ đóng thuyền Nghệ An, trong đó thợ Trung Kiên đi làm ở các nơi khắp cả nước:
- “Gia Long 6 (1807): sai bọn Tham trị công bộ là Nguyễn Đức Huyên và Hoàng Kiêm Điến, Vệ uý thủy quân là Phạm Văn Tường đi Nghệ An đốc suất chế tạo 100 chiếc thuyền ô”(6)
- “Minh Mạng 3 (1820): Vua dụ rằng: Nghệ An là nơi sản xuất ra gỗ, thợ thuyền lại nhiều, khi cần dễ đòi bắt. Nay ra lệnh cho tỉnh ấy đóng một thuyền bọc đồng nhiều dây, gọi là thuyền hiệu Điềm Dương (dài 6 trượng 7 thước, rộng 1 trượng 5 thước 3 tấc, sâu 1 trượng thước 9 tấc 5 phân), làm xong giải về kinh nộp”(7)
- "Thiệu trị 1: Lại khởi công đóng thuyền Tế Xuyên, thuyền Hòa Lạc mỗi thứ một chiếc... Thuyền Hòa Lạc nguyên ở tỉnh Nghệ An khởi công rồi kính nộp"(8)
-“… Và ngày 12 tháng này, tiếp tỉnh thần Nghệ An, đệ một vản sách tấu về việc chế tạo thay thế 3 chiếc hải vận - thuyền kiểu cũ, đều đã hoàn thành và có vâng chỉ vật liệu, xin kê khai sự chi tiêu…” (Tờ tấu Tr.34-35, Châu bản tập số 128, ngày 14-11 năm Tự Đức 14)(9)
Châu bản tập số 315 ngày 14/4 Tự Đức 32 (1870), cũng cho biết việc vua Tự Đức giao cho các tỉnh Hà Nội, Nam Định, Hải Dương đem bạc đến Nghệ An để đóng các loại thuyền trong đó Hải Dương có 12 chiếc gồm 3 ô thuyền, 3 chiến thuyền, 2 trường long thuyền và 4 khoái thuyền…
Những tư liệu trên đã chứng tỏ nghề đóng tàu thuyền ở Nghệ An đã đạt đến trình độ cao. Các xưởng đóng tàu thuyền ở Nghệ An, trong đó có Trung Kiên đã đảm đương được việc đóng các con thuyền cỡ lớn. Tàu thuyền do Nghệ An đóng đã từng được các triều vua ca ngợi là bền đẹp và chắc chắn, như năm:
“Thiệu Trị 3, chuẩn y lời tấu rằng: Nghệ An đóng xong 2 chiếc thuyền Tuần dương, xét nghiệm thấy đều bền chắc, cần phải khen thưởng… Còn thuyền làm việc chiếu theo nếu công việc nhiều thì thợ đầu cánh thưởng 2 quan tiền, các thợ bạn đều thưởng 1 quan 5 tiền…”(10)
Nghề đóng thuyền làng Trung Kiên làn nghề cổ truyền trước đây chủ yếu làm theo phương pháp thủ công, lao động kỹ thuật ít. Bước sang thời đại mới, đòi hỏi kỹ thuật ngày càng cao, như phải đóng tàu thuyền có thể đi xa, có gắn máy với công suất lớn… thì người thợ Trung Kiên đã nhanh chóng tiếp thu khoa học kỹ thuật mới, cùng với kinh nghiệm truyền thống, đã đóng được tàu thuyền đáp ứng với yêu cầu của khách hàng.
Đến nay, để thích ứng với cơ chế thị trường, các ông chủ mới của làng Trung Kiên đã đứng ra tự lập tổ hợp đóng tàu thuyền. Cả xã Nghi Thiết đã xuất hiện 13 tổ hợp đóng tàu thuyền lớn nhỏ. Hàng năm, các tổ hợp này đóng được chừng 200 chiếc thuyền các loại. Thuyền nhỏ như: thuyền te, thuyền lưới, thuyền giã, thuyền câu, thuyền gõ (dài khoảng 12-13m), thuyền đánh cá (khoảng 25-50 tấn). Tàu thuyền lớn, mũi đứng lắp từ 1-3 máy (60 mã lực), tàu xa bờ (150-200 mã lực)… Tàu thuyền do thợ Trung Kiên đóng đảm bảo về mặt kỹ thuật, lại bền, đẹp nên có nhiều khách hàng trong tỉnh và các nơi khác như Quảng Ninh, Móng Cái, Hải Phòng, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Vũng Tàu v.v… đặt đóng.
Tàu thuyền gỗ do thợ Trung Kiên đóng đã được Nhà nước công nhận và một số đã được lấy làm mẫu dân gian cho nhân dân hoạt động nghề cá như:
- Loại có ký hiệu C5-T11-E thuyền buồm đánh cá, vận tải có gắn máy, mặt đuôi phẳng, múi lồi, một buồm tứ giác, dài 8-12m, rộng 3.5-4m, mớn nước 0.9m, trọng tải 5 tấn.
- Loại tàu trọng tải 30 tấn, dài 17m, rộng 5m, cao 2m, mũi thuyền cao 4.6m v.v…
Một xưởng đóng tàu thuyền của tổ hợp ở Trung Kiên hiện nay tối thiểu cũng có lúc có thể đóng được từ 3 - 5 thuyền. Xưởng rộng chừng 15 - 20m, dài 20m, một năm có thể xuất từ 15 - 20 tàu thuyền, tốp thợ thường xuyên lao động là 10 đến 50 người.
Để đóng một tàu thuyền trọng tải 50 tấn, phải cần đến nguyên vật liệu và tiến vốn như sau: 50 khối gỗ các loại, trong đó: sến (nhóm 2) 20 khối, săng lẻ (nhóm 3) 20 khối, gỗ dẻ, dổi, tạp… (nhóm 4) 10 khối, đinh sắt 2 tấn, hết khoảng 1300 công thợ, giá thành từ 150 đến 200 triệu đồng.
Khi đóng tàu thuyền gỗ, trước hết phải căn cứ theo các bản vẽ chế tạo bộ xương của tàu. Dựng xong bộ xương đã dựng nên (xem bản mẫu thiết kế tàu thuyền từ 15 tấn đánh cá của ông Nguyễn Trung Thiết, chủ một tổ hợp, nguyên Phó chủ nhiệm HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên).
Thuyền gỗ gồm các bộ phận chính như sau:
- Sống chính ngoài, còn gọi là Long Cốt, Ky, La Ký hay sống dưới đáy.
- Gỗ ốp sống chính: Long cốt giã, thanh đệm sống đáy.
- Cong gian có: cong đáy, cong hông, cong đứng còn gọi là đà, cong giang, sườn.
- Sống dọc đáy: sống tử phụ, thanh dọc đáy.
- Cánh sống chính, còn gọi là sống nằm, ky nằm.
- Sống dọc hông, dọc mạn, dọc nách, ván bia boong (ván mép boong, lá mái), thanh chống va (tài cán), sống mũi (lô mũi), sống đuôi (lô lái), ván vỏ hay gọi là ván bao v.v…
Bí quyết trong đóng tàu thuyền gỗ để có độ bền chắc và đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao là:
- Sống chính ngoài phải là một cây gỗ hoàn chỉnh, càng dài càng tốt, được cây gỗ dài 13 - 14m là rất quý, nếu phải nối thì mồi nối phải tránh chỗ bệ máy và hai đầu miệng khoang, kiêng nối nhiều đoạn (3 đoạn trở lên).
- Sống chính trong phải chạy dài từ mũi đến lái, nối liền với các kết cấu xung quang sống mũi, sống đuôi.
- Cong gian: gỗ cong gian có góc tròn, phải dùng các gỗ cong thiên nhiên. Nếu thiếu gỗ cong phải dùng nhiều khúc nối lại với nhau, nhưng phải tránh gỗ ngang thớ. Hai cánh cong gian phải làm bằng cùng một loại gỗ để trọng lượng phân bố đồng đều, tàu thuyền khỏi bị nghiêng ngang.
- Ván bọc (vỏ thuyền) để ghép dọc theo khung tàu thuyền đòi hỏi phải cong hình vỏ đỗ và vặn ốp lên cả hai đầu mũi và đuôi thuyền, do đó phải dùng phương pháp đốt lửa hơ nóng gỗ và uốn ép gỗ khá đặc biệt. Đây là công khá phức tạp, đòi hỏi tài năng song người thợ đóng thuyền Trung Kiên làm rất giỏi.
Sau khi lắp ghép xong các bộ phận và vỏ tàu thuyền, phải bào sửa để đảm bảo bộ cong đều và nhẵn. Tất cả các bộ phận lắp ghép, khe rãnh, ke hỡ, vỏ đều phải được xảm trét kỹ bằng sợi phoi tre trộn luyện với hố vôi hàu, dầu, nhựa thông pha chế theo đúng liều lượng qui định. Các đầu bu lông, đinh đều được quấn túp luyện với hồ hoặc bịt bằng nhựa đường nóng chảy rót vào.
Tàu thuyền sau khi xảm xong thì ít nhất cũng phải thui đốt phần vỏ tàu từ mớn nước trở xuống. Trước kia tàu thuyền gỗ được thui đốt bằng bổi, lá thông… một tháng 1 lần. Nay người ta không thui đốt nữa, mà dùng sơn đặc biệt chồng hà để sơn (một năm sơn 1 lần). Việc sơn vỏ thuyền chống hà được tiến hành cách 2 giờ trước khi hạ thuỷ tàu thuyền xuống nước, nếu sơn sớm hơn thì sẽ kém tác dụng
Hạ thuỷ tàu thuyền: con thuyền được chuyển từ những căn gỗ xuống ngồi trên máng trượt và đà trượt để chuẩn bị hạ thuỷ. Đà trượt là các thanh ray vuông bằng gỗ tốt, đủ chiều dài của con thuyền. Phân đuôi thuyền được bố trí cho trượt xuống nước trước vì phần đuôi “béo hơn” phần mũi thuyền, sức nổi tằng lên khi xuống nước làm cho thân thuyền nhanh chóng nổi lên. Khi hạ thuỷ, người ta đánh bật nêm ra, máng trượt được thả tự do sẽ trượt trên đà trượt có bôi trơn bằng mỡ công nghiệp, đem theo con thuyền xuống nước chỉ trong vài giây. Ngày hạ thuỷ con thuyền và chủ hộ hợp đều có làm lễ cúng âm binh trước khi tiến hành công việc vào ngày giờ tốt lành. Đặc biệt ngày giờ hạ thuỷ còn thuyền còn phải chọn theo con nước sinh, để thuyền xuống nước được dễ dàng, thuận lợi.
Để ghi nhớ về truyền thống tốt đẹp của làng nghề cũng như về ông tổ của nghề đóng thuyền, làng Trung Kiên thường tổ chức lễ hội lớn vào các ngày 5/1 và 10/7 âm lịch hàng năm.
Hội đua thuyền thường được tổ chức vào năm được mùa hoặc có các sự kiện quan trọng của làng nước, vào dịp tết khai hạ hay tết Nguyên đán. Thuyên đua là loại thuyền nhỏ, dài do làng tự đóng lấy, có trang điểm đầu rồng, phượng, ngựa… màu sắc sặc sỡ. Thuyền đua ít là 2 - 4 chiếc, nhiều là 5 - 8 chiêc để các hội, giáp trong làng đua với nhau. Có năm tổ chức rộng, mời thuyền đua từ Cửa Hội, Vạn Lộc đến để thi tài.
Làng nghề đóng thuyền truyền thống Trung Kiên, sau một thời gian bị lãng quên, nay đã khởi sắc trở lại. Đặc biệt là sau khi có chủ trương phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ ở Nghệ An, thì các xưởng đóng thuyền được mở rộng để đáp ứng đóng nhiều tàu thuyền có sông suất lớn. Tuy vậy, làng nghề đang gặp rất nhiều khó khăn. Các tổ hợp phát triển tự phát, thiếu tính quy hoạch định hướng. Bến bãi nhỏ bé, không thể đầu tư chiều sâu, khó đáp ứng được chỗ làm cho người lao động. Người lao động ở phải đi làm thuê ở nhiều nơi khác. Các tổ hợp hầu như chỉ có giấy phép kinh doanh mà không có giấy phép chế biến lâm sản, nên phải mua gỗ chui từ nguồn trôi nổi trên thị trương, giá cả thất thường, phát sinh giá so với giá hợp đồng. Mặt bằng và độ sâu luồng lạch chưa đảm bảo cho việc đóng tàu thuyền lớn, cần được đầu tư kinh phí để khai thông… Nếu được Nhà nước quan tâm đầu tư kinh phí, chỉ đạo đúng hướng, tạo điều kiện để các tổ hợp phát triển… chắc chắn làng nghề đóng tàu thuyền truyền thống Trung Kiên sẽ ngày càng phát đạt và tiến xa hơn nữa.
(Nguồn: vanhoanghean.com.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch