Điểm Du lịch
Làng nghề sản xuất nón lá Hạ Thôn
Làng Hạ Thôn, nay là xã Quảng Tân (một trong 9 xã vùng Nam của huyện Quảng Trạch) có 80% số hộ làm nghề sản xuất nón lá truyền thống. Hiện tại, giá trị sản xuất nón lá của làng đạt 3,7 tỷ đồng/năm, chiếm 25% tổng thu nhập của địa phương.
Theo các cụ cao niên trong làng Hạ Thôn, nghề sản xuất nón lá đã xuất hiện ở đây gần 100 năm. Tuy nhiên, từ năm 1955 đến nay nghề này bắt đầu phát triển và dần dần nhân rộng ra toàn địa phương. Qua trao đổi với ông Phạm Quốc Lành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tân, chúng tôi được biết nếu như năm 1955 trong làng có 75 hộ tham gia sản xuất nón lá với 50.000 sản phẩm/năm, thì đến năm 1975 có 200 hộ tham gia và sản xuất được 100.000 sản phẩm, năm 1995 có 500 hộ tham gia và sản xuất được 700.000 sản phẩm. Hiện tại, toàn xã đã có trên 740 hộ tham gia sản xuất nón lá (chiếm 80% tổng số hộ) và sản xuất được trên 1 triệu sản phẩm/năm. Giá trị sản xuất nón lá đạt 3,7 tỷ đồng/năm, chiếm 25% tổng thu nhập của địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho các tầng lớp nhân dân từ các cụ già cho đến các em học sinh, nâng mức thu nhập bình quân đầu người trong xã lên 4 triệu đồng/người/năm. Đặc biệt, từ cách thức làm nón ban đầu, người dân Hạ Thôn đã luôn tìm tòi, sáng tạo ra cách làm mới để cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng. Nón lá Hạ Thôn đã ngày càng tạo được chỗ đứng vững chắc và vươn xa ra thị trường các tỉnh bạn như: Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Cũng như bao chiếc nón truyền thống khác của Việt Nam, chiếc nón lá Hạ Thôn được xem như một thứ phục trang luôn gắn bó với người phụ nữ. Ngoài chức năng dùng để che nắng, che mưa, chiếc nón Hạ Thôn còn hướng tới mục đích làm đẹp và tăng vẻ duyên dáng của người phụ nữ. Theo kinh nghiệm của các ''lão làng'' trong nghề sản xuất nón ở Hạ Thôn, hiện tại làng có 2 loạt sản phẩm mang bản sắc đặc trưng của địa phương, đó là nón lá xanh và nón lá dừa. Nón lá xanh là loại nón dựa trên khuôn mẫu của nón bài thơ Huế, được cải tiến mang tính đặc trưng của Quảng Tân. Vật liệu để sản xuất thành sản phẩm là lá lấy từ thiên nhiên, được bố trí 3 lớp trên 16 vành có chất liệu bằng tre nứa vót tròn dựa trên khuôn mẫu hình nón. Giai đoạn trước năm 1980, loại nón này được địa phương sản xuất đại trà, nhưng hiện nay do nhu cầu thị trường nên chỉ được sản xuất khoảng 25 đến 30% trong tổng số sản phẩm, giá bán ra thị trường giao động từ 4.000 đến 5.000 đồng/sản phẩm. Loại nón thứ hai là nón lá dừa, có vật liệu chính được lấy từ lá dừa nước ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Loại nón này cũng được sản xuất trên khuôn mẫu hình nón, nhưng được bố trí lớp lá trên 16 vành có chất liệu bằng tre nứa vót tròn. Cách chằm và bố trí hình thức trên nón thì tuỳ thuộc vào yêu cầu của người tiêu dùng nhưng mặt ngoài nón luôn được sơn phủ loại dầu lấy từ nhựa thông pha chế với một số hoá chất khác làm tăng độ bền và bóng sáng của nón, phía trong nón có quai thao, bố trí 4 hoa nhỏ, ghi địa chỉ đại lý phân phối chính và nơi sản xuất. Hiện tại loại nón này được người dân Hạ Thôn sản xuất khoảng 70 đến 75% trong tổng sản phẩm nón, giá bán ra thị trường giao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, người chằm nón có kỹ năng và tay nghề cao thì sản phẩm họ sản xuất ra bán được với giá trị cao hơn.Nhận thấy nghề sản xuất nón lá đã chiếm một vị trí khá quan trọng trong việc phát triển kinh tế của địa phương, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân, xã Quảng Tân đang thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy nghề này ngày càng phát triển theo hướng bền vững.
(Nguồn: langnghevietnam.com.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch