Điểm Du lịch

Làng nghề tạc tượng Vũ Thăng

Nghề tạc tượng ở Việt Nam có rất lâu, từ thời Lý-Trần (thế kỷ XI-XIII), đã có những sản phẩm công trình được ông cha ta chạm khắc tinh xảo, đó là đình chùa, tượng gỗ, đồ thờ, đặc biệt là những pho tượng Phật, được các nghệ nhân miêu tả rất công phu, sống động. Ngày nay, những làng nghề tạc tượng gỗ vẫn được duy trì và ngày càng phát triển. Tôi đến thôn Võ Lăng (Dân Hòa, Thanh Oai, Hà Nội), một trong những làng nghề cổ truyền của đồng bằng Bắc bộ. Mới chỉ đến đầu thôn đã thấy những đống gỗ mít lớn xếp ngổn ngang, tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng rìu bạt gỗ ầm ầm, chát chúa...
Theo giới thiệu, tôi đến thăm xưởng tạc tượng của anh Nguyễn Huy Thưởng (một chủ xưởng mới 25 tuổi) con nhà nòi về nghề tạc tượng Phật, anh tâm sự: "Ở thôn Võ Lăng này chủ yếu là tạc tượng Phật, những sản phẩm ở đây được khách hàng đánh giá rất cao, cho nên khách hàng trong Nam ngoài Bắc khi nghe tiếng đồn đã đến đặt hàng rất đông. Công việc tạc tượng đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, tư duy hội họa và tính ước lệ thật chuẩn thì mới làm được". Nguyên liệu để tạc tượng và làm các sản phẩm ở đây, chủ yếu là gỗ mít, chúng được mang từ khắp nơi về đây, nhưng nguồn nhiều nhất vẫn là ở Thanh Hóa, Nghệ An. Khi có hợp đồng làm tượng to nhỏ, thì mới đến các xưởng bán gỗ mà chọn, nên rất thuận tiện. Mỗi năm xưởng của anh Thưởng sản xuất khoảng 2.000 tượng Phật lớn nhỏ, với hơn 10 công nhân vốn là nghệ nhân trong làng. Họ đến xưởng của anh Thưởng để làm công hoặc làm khoán theo sản phẩm, mỗi nhóm một công đoạn như: xẻ gỗ, đục phá, sửa, đục gọt, lắp ráp, sơn tượng... là cả một quá trình lao động nghệ thuật.

Anh Phạm Văn Hiệp là thợ đục phác tượng, anh đang đục pho tượng ông Hộ pháp rất lớn, anh nói: "Để làm pho tượng này, công việc làm thô và sửa đã mất 80 công, sau đó sơn và thếp vàng, bạc mất hàng trăm công nữa mới hoàn thành, mỗi ngày công đối với thợ đục là 20-30.000 đồng, còn thợ sơn cho biết: "Nghề sơn gỗ cũng đòi hỏi kỹ thuật cao, khi bộ phận tạc tượng hoàn thành, công việc tiếp theo là trộn đất với sơn ta quét 2 nước rồi mài cho nhẵn bóng, sơn lót 2 nước, quét sơn cầm rồi mới sơn son thếp vàng, cuối cùng là lọng, sơn khe, công việc này phải mất hơn 20 ngày. Nghề sơn son thếp vàng còn phụ thuộc vào khách hàng, nếu họ yêu cầu lên đình chùa làm trực tiếp thì cũng phải khăn gói mà lên đường".

Khi hỏi anh Thưởng về nghề đục tượng truyền thống của xã Hòa Dân, thì anh rất tự hào cho biết: "Hiện tại xã có khoảng 2.000 dân, có 500 thợ tạc tượng lành nghề, với hơn 10 xưởng tạc tượng, ngoài ra còn có rất nhiều gia đình nhận thêm việc sơn sửa tượng về làm thêm. Nghề tạc tượng ở đây đã có từ xa xưa, những năm trước đây bị gián đoạn. Khoảng từ năm 1985-1987, nghề tạc tượng mới được khôi phục, những nghệ nhân già có tay nghề cao truyền nghề cho con cháu". Hiện nay 100% người làm chủ xưởng là những nhà doanh nghiệp trẻ, thu nhập bình quân của các xưởng từ 20-30 triệu/năm là giải quyết được nhiều việc làm cho lao động trong xã.

Quả thật, từ khi nền kinh tế trong nước được mở cửa, hàng loạt những làng nghề đã khôi phục Nghề tạc tượng truyền thống của thôn Võ Lăng xã Dân Hòa phát triển không ngừng. Tuy nhiên chính quyền xã vẫn chưa thực sự quan tâm đến làng nghề của địa phương mình, xưởng được thành lập còn mang tính chất cá thể, chủ xưởng chỉ được vay của Nhà nước từ 10-20 triệu đồng, cộng với vốn của mình chỉ để mua sắm máy móc, những xưởng mua bán gỗ đều mang tính chất tự lực, tự phát. Anh Thưởng ước muốn "Giá được xã đầu tư hoặc được vay ngân hàng vài trăm triệu đồng để sắm trang thiết bị, máy móc, đầu tư nhà xưởng, nguyên liệu thì mới làm ăn lớn được". Đó cũng là ước vọng của những nhà doanh nghiệp, những người dân với làng nghề tạc tượng truyền thống, đang muốn đi lên để làm giàu cho chính mình và cho quê hương.

(Nguồn tin: báo TTCN)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *