Điểm Du lịch
Làng nghề thêu ren Văn Lâm
Theo lời kể của các cụ, các nghệ nhân thêu ren, thì trước đây, các đồng nghiệp từ tứ xứ đến thăm Văn Lâm đều đã thừa nhận xứ sở này là “Vương quốc của thêu ren”. Lời nói này có thể hơi quá một chút; nhưng phải thừa nhận rằng, ở đây, nhà nhà thêu ren, người người thêu ren!
Một nghệ nhân ngoài 70 tuổi của làng nghề thêu ren kể lại rằng, nghề thêu ren ở ta đã có từ xa xa xưa lắm, khi các cụ sinh ra và lớn lên thì ở làng quê đã phát triển nghề này rồi. Mặc dù ngày nay, nghề thêu ren ở Văn Lâm vẫn không hề bị mai một (hàng thêu ren vẫn từ đây chuyển đi khắp nơi trong nước và trên thế giới), nhưng trong tâm khảm các nghệ nhân còn lại, vẫn có gì như một sự hoài tưởng về “Vang bóng một thời” (?). Điều này đủ nói lên rằng, những sản phẩm thêu ren ở Văn Lâm từ xa xưa vốn đã hàm chứa những giá trị nghệ thuật rất cao trong đời sống của một số con người nơi đây, dẫu rằng ở quê hương, xứ sở của nghề thêu ren truyền thống, ít có trưng bày các sản phẩm sang trọng này. Từ lâu, ở Văn Lâm, nghề thêu ren được duy trì trong một quy trình khép kín. Thế hệ trước truyền nghề (gia truyền) cho thế hệ sau trong gia đình, gia tộc, làng xóm. Các nguyên liệu như: Vải vóc, kim chỉ, màu nhuộm, khung thêu, đều được người Văn Lâm tự sản xuất trong một chu trình “tự sản tự tiêu”. Nếu suy trên bình diện văn hoá thì chắc hẳn nghề thêu ở Văn Lâm và nghề trồng dâu, nuôi tằm ở vùng Ninh Giang, Ninh Khang, Ninh Mỹ (Hoa Lư) và thị xã Tam Điệp ngày naym có sự liên hệ mang màu sắc văn hoá của vùng ven kinh đô Hoa Lư! Đó là văn hoá Hoa Lư, văn hoá Đại Cổ Việt.
Từ bao đời chưa rõ, người Văn Lâm đã truyền nhau câu phương ngôn: “Hãy coi việc học nghề như việc học đạo làm người”. Chắc hẳn cái nghề ở đây là nghề thêu ren. Xưa kia, ngay cả đại diện của Chính phủ Pháp cũng đã từng trao hàm “Cửu phẩm” cho những người thợ thêu ren ở Văn Lâm có công sáng tạo mẫu mã mới, hoặc tự tay làm ra những sản phẩm thêu ren có giá trị trong triển lãm hàng thêu ren ở các hội chợ quốc gia và quốc tế. Danh hiệu ấy không hẳn là quan trọng nhất với người thợ lão luyện trong nghề, song đó là sự phản ánh và khẳng định tài năng của các tay thợ thêu ren Văn Lâm!
Một cơ sở thêu ren xuất khẩu có tiếng ở Văn Lâm tại nhà anh Đinh Ngọc Nam (cháu của các nghệ nhân là cụ Hênh, cụ Quán), có tới 40-50 các thiếu nữ, thêu ren làm hàng cho Công ty Atibo (Liên kết Hà Nội- Sài Gòn). Mặt hàng thêu ren ở đây khá phong phú về chủng loại, mẫu mã, kích thước. Có thể kể tới các sản phẩm như: khăn tắm, ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn trà, áo Kimônô…đảm bảo chất lượng kỹ thuật và rất có uy tín trên thị thường ở trong nước và thế giới. “Nghề thêu cũng lắm công phu”. Con gái làm nghề thêu ren thường dịu dàng, nền nã, lại nhanh mắt và khéo tay. Để thêu ren hoa văn cho một sản phẩm cao cấp, người ta phải đếm tính kỹ mỗi hột vải (sợi vải) để sao cho cân đối, hài hoà. Mũi kim, đường chỉ phải sao cho chính xác và nhạy bén. Đối với những mặt hàng phủ bộ Sêvit amê canh (bộ khăn bàn, khăn ăn) của Pháp, hay một Kimônô của Nhật Bản, thì kỹ nghệ thêu ren và bảo quản đòi nguyên liệu nhập ngoại (vải, chỉ thêu). Điều này đúng là sự trăn trở của những người thợ Văn Lâm bao năm sống chết với nghề. Nghề thêu ren ở Văn Lâm đang thu hút số lao động đáng kể ở địa phương, bởi một lẽ giản đơn là giải quyết công ăn việc làm. Tuy nhiên, quy luật của cơ chế thị trường đối với người thợ vẫn đang rất nghiệt ngã (Cạnh tranh và phụ thuộc về nguyên liệu).
Việc thoả mãn nhu cầu về hàng hoá, thêu ren (trong và ngoài nước), khối lượng hàng hoá và tính chất của các hợp đồng sản xuất cùng những sự phức tạp của thị trường vẫn là gánh nặng đè lên vai người thợ và người kinh doanh hàng hoá này ở Việt Nam.
Nghề thêu ren của người Văn Lâm chắc sẽ bất tử như các tác phẩm mà tạo hoá đã tác thành, để lại cho Văn Lâm và cho cả loài người.
(Nguồn: ninhbinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch