Điểm Du lịch
Làng nghề tre trúc Xuân Lai
Vừa rồi, anh bạn học cùng phổ thông, hiện đang là chủ một cơ sở sản xuất tại làng nghề tre trúc Xuân Lai gọi điện khoe và thịnh tình mời chúng tôi về thăm quê mình: “Làng quê tôi giờ thay đổi nhiều lắm. Những ngày nông nhàn, cả làng tấp lập, ngổn ngang với tre, trúc và các sản phẩm đã hoàn thiện…”. Vừa mới gặp, bạn tôi và cả Trưởng thôn Xuân Lai, ông Lê Văn Doan đều hào hứng kể về sự phát triển mạnh mẽ của làng nghề: Toàn thôn có 826 hộ dân thì hơn 70% số hộ tham gia làm nghề tre trúc, trong làng giờ có khoảng 10 cơ sở sản xuất lớn. Nghề truyền thống đã giải quyết cho hàng trăm lao động dư thừa trong thôn và các địa phương khác, đồng thời đem lại thu nhập cao cho nhiều gia đình. Những xưởng sản xuất lớn mỗi năm cũng thu lãi hàng chục triệu đồng, các hộ làm gia công, lao động làm thuê cũng được vài ba triệu đồng/tháng. Thôn không còn cảnh nghèo khó như xưa, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,62%, số hộ có kinh tế khá, giàu trên 40%. Nhà cao tầng mọc lên san sát khắp các ngõ xóm. Thôn có đường bê tông và nhiều công trình phúc lợi xã hội phục vụ sinh hoạt và tín ngưỡng của nhân dân…
Trò chuyện với các bậc cao niên trong thôn, chúng tôi được biết nghề tre trúc hun khói đã có ở Xuân Lai từ mấy trăm năm nay. Lịch sử trải bao thăng trầm, nhưng ở thời kỳ nào làng cũng có những sản phẩm tương thích, nhờ vậy nghề của cha ông vẫn gìn giữ được đến hôm nay. Khoảng từ năm 2000 trở lại đây, những người trong thôn tích cực cách tân, toả đi “tứ xứ” thu mua nguyên liệu và tìm đầu ra cho sản phẩm nên làng nghề ngày càng mở rộng cả về qui mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.
Ông Lê Văn Huệ, một người cao tuổi từng có nhiều tâm huyết trong việc phát triển làng nghề bộc bạch: “Nghề tre trúc ở Xuân Lai có từ nhiều đời và là làng nghề tre hun khói duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Cách thức chế tác cũng thật độc đáo. Để có được những sản phẩm tre trúc hun khói đẹp rất kỳ công. Đầu tiên phải tìm mua nguyên liệu từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Khi mang về, ngâm kỹ dưới nước để bảo đảm độ bền, chống mọt và tăng dẻo dai. Trước khi vớt lên, tre được nắn thẳng, bào, đẽo hết mấu đốt và xếp ngay ngắn vào lò. Dùng rơm trộn đất sét để hun tre, trúc. Lò được chát kín, chỉ có khói chứ không có lửa. Tuỳ vào sản phẩm mà thời gian hun ngắn hay dài tạo các mầu nâu sẫm hoặc đen bóng. Sau đó mới chuyển sang chế tác sản phẩm…” Xưa làng nổi tiếng với mặt hàng như chõng tre, lao màn, giường, dát giường, trường kỷ. Hiện nay, các cơ sở sản xuất đã kế thừa đồng thời nghiên cứu, sáng tạo nhiều sản phẩm mới như bàn, ghế kiểu dáng hiện đại; lọ hoa, móc vải, khắc, cạo tranh dân gian, tranh nghệ thuật… Sản phẩm của làng đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc và được xuất sang nhiều nước như Thái Lan, Đài Loan, Nhật, Nga, Đức …
Chúng tôi đến thăm một số cơ sở sản xuất trong thôn để hiểu rõ hơn về làng nghề. Bạn tôi, anh Lê Văn Tuấn giờ đây cũng là ông chủ của một xưởng sản xuất tre trúc hun khói với 15 lao động thường xuyên. Nghe bạn kể về quá trình thành lập và thu nhập từ xưởng tôi mới lý giải được câu hỏi vì sao bạn tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngoại ngữ chuyên ngành Tiếng Anh nhưng anh lại về đây mở xưởng sản xuất. Trong Tuấn luôn đau đáu một điều “nghề cha ông không giữ thì mất”, và anh đã quyết định lập nghiệp ngay trên quê nhà. Năm 2006, anh đầu tư gần 100 triệu đồng thuê nhân công, mua sắm trang thiết bị để mở xưởng. Sau những khó khăn ban đầu giờ xưởng đã ổn định và cho thu nhập cao. Khách hàng nhiều nơi về đây để đặt hàng. Mỗi năm, gia đình cũng thu về gần 100 triệu đồng, 15 lao động làm thuê anh trả mức lương từ 1,5-1,8 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở sản xuất xuất khẩu đồ mỹ nghệ tre hun khói Việt Nam của anh Nguyễn Văn Kỷ cũng được nhiều người biết đến. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà với những tiện nghi đều được làm bằng tre, trúc hun khói, vợ chồng anh Kỷ rất tự hào vì đã phát huy được nghề truyền thống quê hương. Chị Nguyễn Thị Bích Thuý, vợ anh Kỷ, giới thiệu về những bức tranh mỹ nghệ được khắc trên nền cây trúc, kể lại: “Trước đây, chồng tôi đi phục vụ đám cưới, thấy nhiều đôi uyên ương có nhu cầu khắc chữ, tranh… trên dát giường, anh đã về làm thử nghiệm. Vừa làm xong đã có người đến mua hết. Nghĩ có thể cách tân trên chính sản phẩm truyền thống, gia đình và nhiều người khác trong thôn đã mày mò rồi mở rộng hình thức trang trí, tạo ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu xã hội. Cơ sở sản xuất của gia đình giờ có gần 30 lao động cũng tập trung nhiều vào lĩnh vực làm tranh nghệ thuật và những sản phẩm trang trí nội thất. Cây tre, cây trúc với người dân Xuân Lai thật có giá trị”.
Từ những nguyên liệu rất đỗi thân quen, gần gũi với người dân Việt Nam “thân gầy guộc, lá mong manh” ấy, dưới bàn tay tài, khéo của những người thợ Xuân Lai đã thành những sản phẩm sinh động, tiện ích, đầy ắp tính nghệ thuật góp phần làm đẹp cho đời và đưa lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bao người nơi đây.
Rời Xuân Lai trong tiết trời ấm áp, thấy mừng về vùng quê chiêm trũng này đã có hướng đi đúng đắn để vươn lên giàu mạnh. Nghề truyền thống cha ông đã được kế thừa và phát triển, nhưng trong mỗi người dân Xuân Lai đều mong muốn nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp trong việc qui hoạch khu sản xuất làng nghề riêng biệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển. Mong rằng điều đó sớm thành hiện thực để người dân Xuân Lai có thêm những niềm vui mới.
(Nguồn: bacninh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch