Điểm Du lịch
Làng Ngọc Động
Làng Ngọc Động – ngày ấy, bây giờ
Cách đây hơn 50 năm, các nghệ nhân và nhân dân làng Ngọc Động (xã Hoàng Đông, Duy Tiên, Hà Nam) hồ hởi đan bộ ghế tặng Bác Hồ với tất cả tấm lòng thành kính. 50 năm sau, một số nghệ nhân ngày ấy có người đã khuất núi, nhưng những người còn lại vẫn nhớ như in những kỷ niệm khi đan ghế tặng Bác Hồ. Bộ bàn ghế ấy hiện vẫn còn được trưng bày tại nhà sàn của Bác.
Xưa đan ghế tặng Bác Hồ
Chúng tôi đến làng Ngọc Động đúng vào lúc các cụ cao niên trong làng cùng nhau ngồi ôn lại những kỷ niệm của năm 50 về trước, khi các cụ và dân làng phấn khởi bởi được đan bộ ghế tặng Bác Hồ. Cụ Nguyễn Văn Minh - nghệ nhân làng mây tre đan Ngọc Động, người trực tiếp đan bộ ghế tặng Bác Hồ bồi hồi nhớ lại: “Vậy là đã hơn 50 năm trôi qua, tôi cứ ngỡ mọi chuyện như vừa mới hôm qua” bởi với tôi những ngày tháng được gặp Bác Hồ thật hạnh phúc.
Làng mây tre đan Ngọc Động là một làng nghề nghề truyền thống có lịch sử hàng trăm năm. Theo trí nhớ của các cụ cao niên và những ghi chép để lại, ông tổ làng nghề là ông Binh Cổng. Trong thời gian đi lính, ông đã học được nghề và truyền dạy lại cho bà con Ngọc Động. Dưới bàn tay tài hoa và sự cần cù vốn có của người dân Ngọc Động, nghề mây tre đan đã tạo được tên tuổi với những sản phẩm hết sức tinh tế và mới lạ.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Bính bồi hồi nhớ lại: “Hồi đó, khi làm bộ ghế mây tặng Bác Hồ, những người giỏi thợ nhất trong làng được tập hợp gồm cụ Nguyễn Văn Chuyền, Nguyễn Văn Nhiếp, Nguyễn Văn Mạ (phụ trách khâu đốt và uốn mây), tôi và cụ Phạm Văn Uyển (phụ trách làm sơn). Còn cụ Nguyễn Văn Minh và cụ Nguyễn Thế Thực phụ trách khâu kéo sợi mây. Hiện nay hầu hết các nghệ nhân hồi đó đều đã khuất núi chỉ còn tôi và hai ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Thế Thực”.
Theo lời các cụ, nguyên liệu để làm bộ phô tơi tặng Bác được chọn lựa rất công phu và kỹ càng. Mây phải là những cây có tuổi đời từ 10 đến 20 năm, thân có màu vàng óng. Các sợi mây được tước thủ công sau đó kéo qua, kéo lại cho thật bóng, thật dẻo. Gỗ phải là loại tốt nhất, bền và phải chống được mối mọt. Nhưng quan trọng nhất là khâu chọn sơn, phải là loại sơn ta - mủ lấy từ cây sơn ở Phú Thọ sau đó quấn ba ngày ba đêm để có màu đen bóng. “Tuy vất vả nhưng ai cũng vui, mỗi người một chân một tay, một niềm đam mê và tất cả chung nhau ở tình cảm dành cho Bác Hồ. Nhưng vui nhất là sản phẩm do mình làm ra được Bác Hồ sử dụng nên ai cũng cố gắng hết mình” - ông Nguyễn Thế Thực tâm sự.
Khi bộ ghế mây được hoàn thành, những nghệ nhân lành nghề trong làng theo xe lửa mang lên biếu Bác. Năm 1957, khi Bác Hồ về ở tại nhà sàn, chiếc ghế được kê ở tầng 1 dành cho Người nghỉ ngơi. “Đó là niềm hạnh phúc không của riêng các nghệ nhân mà là của toàn bộ nhân dân Ngọc Động, chúng tôi vui vì sản phẩm do chúng tôi làm ra được phục vụ Bác Hồ. Thật là hạnh phúc và hãnh diện”, cụ Nguyễn Văn Bính phấn khởi nhớ lại.
Năm 1990, kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật Bác, các nghệ nhân trong làng cùng một số người đã từng trực tiếp tham gia làm ghế năm xưa được vinh dự mời lên Hà Nội để sửa lại bộ bàn ghế ở nhà sàn của Bác.
Nay đưa mây tre đan đi xuất khẩu
Nghề song mây tre đan đã nổi tiếng ở Ngọc Động từ lâu, cho đến nay gần 100% số hộ trong xã làm nghề này. Sản phẩm chủ yếu ở làng Ngọc Động là hàng mây, giang, làm thêm đồ trang trí nội thất và đồ mỹ nghệ. Đặc biệt đây là nơi duy nhất trong cả nước có sản phẩm mây xiên khá nổi tiếng. Các sản phẩm như: Bát, đĩa, vali, thùng tròn, thùng bầu dục bộ ba, khay vuông, khay chữ nhật có cửa, âu trầu, lọ hoa được khách nước ngoài rất ưa chuộng.
Nếu như trước đây các nghệ nhân cao niên đã tạo tiếng vang cho làng nghề khi đan bộ ghế tặng Bác Hồ thì nay lớp trẻ trong làng lại tiếp tục tạo tiếng vang khi đưa sản phẩm mây tre đan truyền thống của quê hương đến với bạn bè quốc tế. Với sự kế thừa những tinh hoa do ông cha để lại cộng với sự sáng tạo vốn có của tuổi trẻ, lớp thanh niên kế cận đã tạo ra những sản phẩm với kiểu dáng mẫu mã khá độc đáo để phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.
Đến nay, hàng mây giang đan Ngọc Động xuất khẩu sang nhiều nơi trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ, Hồng Kông, Đài Loan, Pháp... Doanh thu từ xuất khẩu năm 2008 đạt gần 20 tỉ đồng, chiếm 86,6% tổng doanh thu của làng. Có được điều đó là do sự biết tiếp thu kinh nghiệm ông cha để lại, sáng tạo và vận dụng vào cơ chế thị trường của nhiều thanh niên trẻ trong làng như anh Lê Tiến Dũng - Giám đốc công ty TNHH Dũng Nga, anh Nguyễn Xuân Mai - Giám Đốc công ty xuất khẩu mây tre đan Ngọc Động…
Nghề mây tre đan truyền thống đã mang lại cho Ngọc Động bộ mặt mới. Trong làng nhà cao tầng khang trang kiên cố ngày càng nhiều; điện, đường, trường, trạm được đầu tư. Chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể. Khi cuộc sống đủ đầy về vật chất, người dân đã chú trọng đến giáo dục. Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Minh, nhiều năm qua, trong làng tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, THCN... ngày càng đông. Nhiều em sau khi ra trường đã về quê hương tiếp tục phát triển nghề truyền thống”.
Hy vọng lớp thanh niên trong làng như anh Dũng, anh Mai và các thế hệ kế cận tiếp theo của làng sẽ tiếp tục đưa làng nghề Ngọc Động vươn xa hơn nữa.
(Nguồn: hanam.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch