Điểm Du lịch

Nghề dệt vải, dệt lụa, dệt đũi

Là những nghề rất phổ biến ở Thái Bình. Trước năm 1945, nghề dệt vải lụa, vải bông ở Thái Bình chỉ đứng sau Hà Đông về số lượng sản phẩm và kỹ thuật. Theo ghi chép của người Pháp, vào những năm 30 của thế kỷ XX, toàn Bắc Kỳ có 54.200 thợ dệt vải thì Thái Bình chiếm số lượng đáng kể, với 3.100 người (5,7% thợ dệt vải), tập trung chủ yếu ở các làng: An Lập, An Liêm (Duyên Hà), Xuân Vĩ (Kiến Xương), Thượng Phú, Thượng Tầm, Long Bối, Văn Ông (Thái Ninh)... Năm 1930, Thái Ninh (Thái Thụy nay) có 3.000 khung cửi, năm 1940 đã lên tới 4.977 cái.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép: “Vải trắng sản xuất ở các xã Tống Thỏ, Long Bối, Phúc Khê, Thiền Quan, Đồng Uyên, Kỳ Nhai (huyện Thanh Quan); Xã Vân Cát (huyện Thiên Bản); Các xã Vũ Lao, Hành Thiện, Hà An (huyện Giao Thủy). Nổi tiếng là vải Tống Thỏ”.

Ngày trước, thợ dệt ở Thái Bình thường mua sợi của nhà máy sợi Nam Định về dệt thành khổ vải hẹp (20-30cm), cuộn thành từng tấm rồi bán cho người buôn hàng tấm. Trong gia đình làm nghề dệt, chỉ một vài người biết dệt. Những người khác làm các việc phụ như mắc sợi, đánh suốt,... nghề dệt thường do phụ nữ làm, đàn ông chỉ làm các việc phụ.

Nghề dệt lụa, dệt đũi ở Thái Bình cũng khá phát triển, nhưng nổi tiếng hơn cả là lụa làng La (Vũ Tiên) và đũi Ngọc Đường (Kiến Xương). Dân gian có câu: “Lụa la, là Sóc, đũi Ngọc Đường”, ý ca ngợi những sản phẩm nổi tiếng của mỗi làng, đồng thời gọi mặt hàng gắn liền tên làng để phân biệt chất lượng so với các mặt hàng dệt cùng chủng loại ở nơi khác.

Trước năm 1945, theo thống kê của Công sứ Thái Bình, ở Thái Bình có khoảng 750 thợ dệt lụa các loại: Sồi, đũi, nái, sa... tập trung ở các huyện Vũ Tiên, Tiên Hưng, Thụy Anh, Hưng Nhân, Kiến Xương. Những làng dệt lụa, đũi thường có điều kiện giao thông thuận tiện và có nhiều thợ lành nghề. Sản phẩm làm ra thường được đem bán ở chợ huyện hoặc chợ phiên trong vùng. Xưa kia, tơ lụa là mặt hàng đắt tiền, chỉ những gia đình khá giả mới dùng. Vào những năm 30 của thế kỷ XX, một mảnh đũi dài 1,68m, rộng 0,14m có giá 0,22 đồng; Một mảnh sồi dài 1,8m, rộng 0,18m giá 0,22 đồng.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nghề dệt lụa, dệt đũi không phát triển; Đến những năm 60-70 của thế kỷ XX mới bước đầu được phục hồi cùng với nghề dệt vải bông, vải màn, khăn mặt... Trong thời kỳ 1985-1990, sản xuất được một khối lượng lớn lụa, khăn mặt, vải màn.

Hiện nay, nghề dệt khăn, dệt vải tập trung ở các xã Thái Phượng (Hưng Hà), một số làng của các huyện Kiến Xương, Vũ Thư, Đông Hưng. Sản phẩm được tiêu dùng trong cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Hàng năm, nghề dệt thu hút 10-15 nghìn lao động. Sản phẩm mỗi năm từ 100-150 triệu khăn các loại, đạt giá trị 150-200 tỷ đồng (giá cố định năm 1994)

Nghề dệt đũi phát triển mạnh ở các xã Lê Lợi, Nam Cao, Đình Phùng (huyện Kiến Xương). Năm 2001, toàn tỉnh có 10 doanh nghiệp dệt đũi, 16 tổ sản xuất với gần 2.000 hộ trên 4.000 lao động, tham gia sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản lượng đũi đạt 6 triệu mét/năm. Giá trị sản xuất đạt khoảng 60 tỷ đồng.

Với tiềm năng sẵn có của nghề dệt, nếu được đầu tư thích đáng và tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, chắc chắn sẽ tạo ra bước chuyển biến căn bản trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp Thái Bình.

(Nguồn: www.thaibinh.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *