Điểm Du lịch

Nghề hương làng Chóa

Về làng Choá vào những ngày này ai ai cũng cảm nhận được mùi hương thơm ngào ngạt, thanh tao lan toả. Những nứa, những tăm nhuộm màu xòe ra như đóa hoa hàng ngàn cánh. Giàn phơi hương cũng trải khắp trong nhà, ngoài ngõ, với màu vàng của tăm nứa, màu đỏ của chân hương, màu đen của nhựa trám và bột than hoa đan xen nhau tạo nên bức tranh rực rỡ sắc màu.

Nghề làm hương không chỉ là nét đẹp mang bản sắc văn hoá dân tộc, mà còn mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Theo ông Nguyễn Hữu Tuyết, Trưởng thôn Choá thì nghề làm hương ở đây không biết có từ bao giờ chỉ biết rằng lớn lên từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể đảm nhận được một số khâu trong quá trình sản xuất. Khâu nhồi bột cần người có sức khỏe để bột được đều, dẻo; chẻ nan, vót tăm cần đến người già tỷ mỉ, cẩn thận vót từng que tăm sao cho thật tròn và mịn; xe hương chủ yếu là trẻ em.

Để hương đốt lên có mùi thơm đặc biệt, cháy hết nén và xoắn vòng lộc, người làm hương phải chọn lựa nguyên liệu rất kỹ. Ngay từ đầu năm họ đã đi khắp vùng núi phía Bắc như Tuyên Quang, Bắc Cạn… để đặt mua nứa, than hoa, nhựa trám. Khâu chuẩn bị nguyên liệu mất nửa năm nhưng để làm thành sản phẩm và tiêu thụ chỉ trong 2 tháng. Cứ bước vào cuối tháng Chín âm lịch là làng Choá người người làm hương, nhà nhà làm hương. Sở dĩ  người dân chọn dịp này vì đây cũng là lúc cây trám trắng trên thượng nguồn chảy nhựa, nhựa trám trộn với bột than hoa rồi xe với cốt hương bằng tre nứa, khi thắp hương có mùi thơm đậm đà. Ông Đào Khắc Nhất, người có nhiều năm trong nghề làm hương cho hay: “Phương thức làm hương quan trọng nhất là khâu pha chế, nếu pha chế không đúng cách thì hương cháy kém và có mùi khét. Trước tiên là chẻ nứa thành những thanh nhỏ vót tròn đều có chiều dài từ 50 cm đến 1 m, phơi khô, rồi nghiền nhỏ than hoa, nấu nhựa trám trộn với nhau theo tỷ lệ 6 phần nhựa trám, 4 phần than hoa tạo đủ độ dẻo, thơm và có màu đen bóng, cuối cùng là công đoạn xe hương. Mỗi vụ gia đình tôi làm khoảng 4 tấn hương, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động theo thời vụ với tiền công 120.000 đồng/ngày. Giá bán buôn là 60.000 đồng/100 cây hương dài 1 m, giá bán lẻ 1.000 đồng/cây”. Cũng như bao gia đình khác trong làng, trước đây gia đình ông Nhất chỉ làm hương để dùng trong gia đình, song qua tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng thấy người dân chuộng loại hương này, đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết, ông đã vận động các thành viên trong gia đình tranh thủ những lúc nhàn rỗi để làm hương. Mỗi năm nghề này cũng cho gia đình ông thu nhập trên 40 triệu đồng. Người làng Choá cho rằng, nghề làm hương liên quan đến tâm linh, lương tâm làm nghề không cho phép họ cẩu thả, làm hương giả, hương kém chất lượng. Mỗi mẻ hương, người thợ đều cẩn thận đốt thử để kiểm tra chất lượng xem có cháy đều, cháy hết không, hương thơm ra sao, hình thức thế nào...

Hiện nay toàn thôn có hơn 300/650 hộ làm nghề hương truyền thống, sản lượng hương đen đạt hàng chục tấn/năm với doanh thu từ 1- 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời điểm này nghề hương của làng chỉ dừng lại ở một nghề mang tính gia đình, rải rác và xem như là một nghề phụ. Chưa có ai đứng ra quy tụ, tập hợp và đề một hướng phát triển thích hợp mang tầm cỡ tổ hợp hay doanh nghiệp tư nhân. Để hương làng Choá phát triển thành sản phẩm hàng hoá, thì cần có sự quan tâm hơn của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề gìn giữ và phát triển nghề làm hương, đồng chí Ngô Văn Hùng, Phó Chủ tịch xã Dũng Liệt cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục vận động nhân dân ở các thôn khác trong xã làm hương để vừa giữ nghề vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân dân, đồng thời khuyến khích nhân dân trồng một số cây nguyên liệu chính để bảo đảm cung cấp nguyên liệu cho nghề làm hương”.

(Nguồn: bacninh.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *