Điểm Du lịch
Nghề làm đá ở Tân Thành
Tân Thành là huyện có nhiều điều kiện thuận lợi và động lực phát triển kinh tế - xã hội từ những ngành khai thác khoáng sản, chế biến nông – lâm sản, … trên cơ sở sử dụng nguồn nguyên liệu địa phương nhằm tạo điều kiện cho công nghiệp - tiểu công nghiệp phát triển lâu dài, bền vững theo chiều hướng hiện đại hoá – công nghiệp hoá. Hiện nay hàng loạt các khu, cụm công nghiệp đã và đang được hình thành trên địa bàn huyện.
Trong các ngành truyền thống và có thế mạnh của Tân Thành phải kể đến đó là ngành khai thác và sản xuất đá tẩy - đá chẻ, tập trung chủ yếu ở 2 xã: Tân Phước và Phước Hoà. Hiện ở Tân Thành đã hình thành trên 50 cơ sở sản xuất, xuất khẩu đá tẩy – đá chẻ nằm dọc trên quốc lộ 51 bao gồm các DNTN, công ty THNN, công ty Cổ phần và một số cơ sở nhỏ lẻ. Đây được coi là ngành kinh tế có thế mạnh, góp phần tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của cả huyện và thu hút một phần không nhỏ số lao động (khoảng 2000 người) tham gia trực tiếp. Các sản phẩm gia công sản xuất được các cơ sở tự đứng ra tổ chức tiêu thụ, mức tiêu thụ trong nước là 60% còn 40% xuất khẩu ra nước ngoài với thị trường tiêu thụ chính là Đài Loan.
Nguồn nguyên liệu chính của các cơ sở được khai thác từ núi Ông Trịnh - một địa danh nằm trên địa bàn 2 xã: Tân Phước và Phước Hoà với tình trạng khai thác rất bừa bãi do một số cơ sở sản xuất không có giấy phép khai thác mỏ. Tình trạng khai thác chui, trái phép đã dẫn đến nguồn tài nguyên bị khai thác một cách ồ ạt, triệt để, không tuân thủ theo một quy tắc nhất định làm vương vãi, lãng phí và gây mất an ninh trật tự. Tuy là nghề gắn liền với tiềm năng của huyện, mang lại lợi ích kinh tế và thu hút một phần không nhỏ số lao động tham gia trực tiếp nhưng với tình trạng khai thác và sản xuất hiện nay, các cơ sở đã và đang góp một phần không nhỏ ảnh hưởng đến môi trường, môi sinh. Vì nguyên nhân này, một số cơ sở nhỏ lẻ không đủ mạnh để phát triển thành DNTN hay Công ty TNHH đã tập trung và thành lập Hợp tác xã với khoảng 30 cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, để có tư cách pháp nhân đứng ra xin khai thác mỏ. Bước đầu HTX đã bầu ra Ban quản trị lâm thời do ông Vũ Văn Hoà đứng đầu. Ngày 31 tháng 7 năm 2007 UBND huyện Tân Thành đã đồng ý thành lập HTX khai thác đá xây dựng và xuất khẩu Quyết Thắng tại Công văn số 1734/UBND-KT. Tháng 9/2007 HTX sẽ tiến hành đại hội cổ đông lần thứ nhất.
Nhận thức được tiềm năng phát triển cũng như một số bất cập đang diễn ra hiện nay của các cơ sở, ngày 28 tháng 10 năm 2005, UBND huyện Tân Thành đã có Tờ trình số 109/TT-UBND về việc xin chủ trương thành lập làng nghề sản xuất đá tẩy-đá chẻ xuất khẩu tại xã Tân Phước huyện Tân Thành. Phúc đáp lại nguyện vọng của UBND huyện Tân Thành, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ra Công văn số 7180/UBND.VP ngày 30/11/2005 và Công văn số 2395/UBND.VP ngày 5/5/2006 về việc thành lập làng nghề sản xuất đá tẩy-đá chẻ xuất khẩu tại xã Tân Phước huyện Tân Thành. Đây là một chủ trương đúng đắn, hợp thời và hợp với nguyện vọng của nhân dân, vì trong bối cảnh phát triển kinh tế chung hiện nay của cả nước, hầu hết các tỉnh đều ra sức phát huy hết khả năng, sức mạnh nội lực của mình để phát triển kinh tế và thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là tập trung cho việc phát triển các ngành nghề truyền thống công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề gắn liền với du lịch. Thực tế cho thấy, đây là một trong những yếu tố cạnh tranh để thu hút nguồn vốn đầu tư và tạo lối đi cho sản phẩm của địa phương vượt qua ngoài biên giới. Đây sẽ là một mô hình điểm về làng nghề có quy mô, tổ chức, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, tăng mức sống cho người dân,…. và là bước đệm tiếp theo cho các làng nghề khác như: nghề nấu rượu ở Hoà Long, nghề đúc đồng ở Long Điền….. ra đời.
(Nguồn: baria-vungtau.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch