Điểm Du lịch
Nghề làm trống Bình An
Nghề làm trống tại xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ đã hình thành từ rất lâu. Sản phẩm trống Bình Lãng được nổi danh khắp nơi. Tháng 03 năm 2009 vừa qua Sở Công thương, sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Khuyến công kết hợp với các phòng ban của huyện, xã đã tổ chức hội thảo: Khôi phục và phát triển nghề “Làm trống Bình Lãng”.
Những nghệ nhân làng trống Bình An không chỉ giữ được nghề của cha ông mà còn phát triển lên trình độ cao
Những ngày cuối năm, làng trống Bình An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) thật nhộn nhịp. Tiếng thử trống liên hồi, tiếng cưa, đục, đẽo... vang đến tận khuya. Hàng trăm năm nay, cứ mỗi dịp Xuân về, làng Bình An lại rộn ràng vào mùa sản xuất trống.
Nghề của dòng họ
Chúng tôi đến cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Lương (Út Lương) ở ấp Bình An. Những mảnh gỗ sao, lồng mứt được phơi đầy sân cạnh những tấm da trâu được căng ra trên chiếc khung rộng. Các loại trống nhạc, trống chùa, trống lân... đủ kích cỡ chất đầy nhà. Ông Út Lương tay cầm búa gõ mạnh vào con đội được nêm chặt ở giàn trò.
Sau mỗi lần gõ, chiếc trống được cơi lên, những sợi dây buộc vào tấm da căng dần để miếng da bịt trên mặt trống căng hết cỡ. Dùng chiếc dùi gõ mạnh vào mặt trống, tiếng kêu tùng tùng vang lên. Lúc này, ông mới dừng tay và nói: “Chỉ còn đóng đinh để giữ độ căng của da, sơn lên bề mặt nữa là trống có thể xuất xưởng”.
Ông Út Lương đến với nghề làm trống đã hơn 40 năm. Ông cũng là nghệ nhân làm trống đời thứ tư của dòng họ Nguyễn. Ông kể: “Làng trống Bình An hình thành cách đây 200 năm. Người có công đưa nghề trống phát triển trong làng là ông Nguyễn Văn Ty, ông cố tôi. Ngày ấy, cũng vì mê cờ bạc mà ông cố tôi đã phải cầm cố đất đai. Khi đã trắng tay, ông mua một chiếc ghe tam bản, sống cuộc đời thương hồ rày đây mai đó.
Một lần, khi xuôi ghe trên sông Rạch Gầm, Xoài Mút, ông thấy trên bờ có một nông dân đang bịt trống. Thấy lạ, ông ghé vào xem. Không ngờ nghề bịt trống lại khiến ông say mê và quyết chí theo học. Sau khi học nghề, ông trở về làng, nhận sửa trống đình sau dịp Tết. Vì tay nghề yếu, sửa không được, ông mới khăn gói trở lại thầy cũ tiếp tục học nghề. Sau 3 lần lên xuống với thời gian hơn một năm, ông thành công với nghề làm trống”.
Nét độc đáo của trống Bình An
Trống Bình An không chỉ bền, đẹp, đa dạng mẫu mã mà âm thanh cũng vang vọng, trầm bổng hơn nhiều loại trống khác. Ông Nguyễn Văn Mến (Năm Mến) ở số 364, ấp Bình An, thuộc đời thứ tư của dòng họ Nguyễn cũng là một nghệ nhân bịt trống nổi tiếng của làng, dẫn tôi xem những chiếc trống mà ông vừa hoàn tất còn thơm nồng mùi sơn. Tôi đưa tay sờ vào thân trống, lên từng thớ gỗ.
Mặt gỗ phẳng lì, nhẵn bóng không hề lộ mép ghép giữa từng miếng ván. Mặt trống căng ra bởi miếng da trâu mà khi đưa tay vào gõ thử, âm thanh rung lên khi trầm khi bổng.
Ông Năm Mến giảng giải: “Làm trống phải qua hơn 20 công đoạn. Muốn trống bền phải chọn gỗ sao. Gỗ đem về phơi khô, đo cắt, uốn cong, xử lý mối mọt trước khi ghép lại. Phải khéo léo dùng tay ghép mạnh từng miếng ván lại sao cho mép ván không bị hở. Khó nhất là công đoạn bịt da.
Da phải là da trâu vừa làm xong, đem về căng ra phơi khô. Khi phơi phải lóc hết lớp bầy nhầy. Đặc biệt, muốn trống có tiếng kêu thanh, vang, trước khi bịt, da phải được bào thật kỹ”. Chính kỹ thuật ghép gỗ khéo léo, bí quyết bào da đã tạo nên sự khác biệt cho từng chiếc trống của làng nghề.
Hơn 40 năm theo nghề làm trống, ông Năm Mến không chỉ sản xuất những chiếc trống tốt nhất cung cấp cho thị trường mà còn có một khả năng đặc biệt: Cảm âm trên từng chiếc trống.
Đưa trống xuất ngoại
Chính sự tinh xảo, âm thanh độc đáo đã khiến cho trống Bình An không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Ba (379/B, ấp Bình An) hồ hởi: “Hằng năm, tôi đều được các đơn vị đặt hàng xuất trống sang Mỹ, Pháp, Úc. Nhất là trong những dịp Tết, nhiều Việt kiều ở Campuchia gọi điện sang đặt hàng nhiều, làm không xuể”.
Hiện nay, nghề làm trống ở Bình An đã được cơ giới hóa. Những công đoạn như cưa, bào, đục... đều có máy thay cho lao động tay chân trước đó. Thế nhưng, trống Bình An vẫn không đủ đáp ứng thị trường.
Nghề làm trống đã mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Giới thiệu căn nhà khang trang, ông Nguyễn Văn Ba khoe: “Tất cả do nghề làm trống mang lại. Bốn đứa con tôi ăn học thành tài cũng nhờ nghề làm trống”. Ông Út Lương tự hào: “Không chỉ tôi mà cả gia đình đều theo nghiệp làm trống. Con dâu tôi bây giờ cũng là thợ giỏi của làng, có thể phụ trách tất cả các công đoạn. Nhờ nghề mà chúng tôi có cuộc sống ấm no”.
(Báo: Người Lao Động)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch