Lễ hội
Cỗ hội làng
Nghệ thuật làm cỗ chay ra đời khi nền văn minh lúa nước phát triển, các nhà khảo cổ học nước ta phát hiện hạt gạo và chõ đồ xôi trong di chỉ Đồng Đậu cách đây khoảng 3000 năm. Cỗ chay gắn liền với sự tích bánh chưng, bánh dày. Chuyện rằng: Đời vua Hùng Vương thứ sáu, nhà vua mở cuộc thi độc đáo chọn người kế ngôi Vua Hùng đã chấm cho “tác phẩm” của Lang Liêu- vị Hoàng tử thứ mười tám thông minh, chăm chỉ, thạo nghề nông. Chiếc bánh tượng trưng cho Trời- Đất của Lang Liêu bánh chưng, bánh dầy, thành biểu tượng của ngày Tết cổ truyền Việt Nam, thiếu nó là thiếu hương vị Tết Việt Nam.
Mùa xuân về thăm các làng ven sông Hồng nơi trai gái đua nhau vào hội vật võ, thi cỗ. Lạ thay khi đứng trước mâm cỗ, người ta không muốn ăn mà lại muốn ngắm không chán mắt. Cỗ hội có hai loại: cỗ cái và cỗ nước. Mâm cỗ cái xếp năm món, tấm bánh chưng (nhân ngọt), mặt nếp xanh chín màu lá dong nổi lấm tấm hoa văn hạt vừng, quanh viền nhân lạc rang thấu. Cặp bánh dầy đầy đặn như chiếc cơi trầu, có nơi người làm bánh phải ăn chay, ngày tắm nước lá gừng ba lần, mặt bánh khéo léo trang trí hoa văn thuỷ ba có hình cò, cá cắt trên giấy hồng điều. Bánh chè lam nắm tròn cỡ lọt bát cơm và miếng đường cát vuông vức, đậm đà, thơm tho vị bột nếp rang, mật mía lùi nướng ép vào gạch ám lửa. Chè lam, đường cát làm khéo đến nỗi qua hội tháng giêng vẫn giữ hương vị.
Mâm cỗ nước thêm đĩa chè lam in. Mỗi phong bánh đặt vừa khuôn đĩa cổ, chạm nổi hình rồng, ẩn hiện hoa cúc, hoa sen. Mâm cỗ nước phong phú bởi các bát nấu giả vây, giả bóng, giả mực…Một con cá chép vàng béo ngậy đặt vượt ra ngoài đĩa sứ. Các đĩa giò nạc, giò mỡ, giò sỏ chế từ bánh dầy cũng phải gói, luộc ép như giò…thịt. Đĩa chả chim, chả quế thứ nào hương vị ấy. Lại còn nem, nộm, yến bao nhiêu tinh vi. Nếu trong danh mục các loại mứt nổi tiếng có mứt sen, mứt gừng, mứt bí, mứt thập cẩm, ngũ vị… Phải kể thêm món mứt cỗ chay: mứt mây.Từng hạt ánh vàng như hổ phách, không dính mà đơm có ngọn, khó ai tưởng rằng chế từ của nếp. Gạo chọn kỹ, đồ xôi, ủ men, giã như bánh dầy, cán mỏng, thái vuông tăm tắp. Lám mứt khó nhất khâu ủ men, rang cát sao cho hạt nở đều như hạt mây, nếu phạm quá lửa để cát lọt vào là hỏng. Đường canh kỹ, thả vào nước, đậu tròn xoe như trứng cá nhào mứt. Thưởng thức mứt mây phải ăn từng hạt mới thưởng thức được hương vị lạ lùng của món chay.
Tục xưa, hàng năm làng mở hội thi cỗ. Khi các Trạng nguyên, Tiến sĩ về làng, dân làng làm cỗ vinh quy. Bây giờ không còn ruộng hàng giáp dành làm cỗ thi, nhưng hàng năm như “pháp lệnh” không ai bảo ai nhà nhà lại góp vài đấu gạo làm cỗ. Xưa một mâm cỗ gồm ba trăm đồng bánh dầy, hăm bẩy tấm bánh chưng, có năm được mùa, cỗ thi xếp chật gian chùa, đâu cũng thấy cảnh xôi thịt. Vào năm hội mở, người ta cấy sớm, may sắm quần áo chờ ngày đi hội. Tan hội vào lễ hoàn làng, cỗ xóm nào mang về nơi đó, chia đều từ em bé ẵm ngửa đến người goá chồng, tục đẹp này còn giữ đến ngày nay. Mâm cỗ nào được giải có tên người làm vinh dự cho cả làng xã.
Dự cỗ hội làng, nhiều người tấm tắc khen tài khéo léo của người nông dân Việt Nam, thật là bàn tay vàng của nghệ nhân. Cỗ mặn chú ý cái ngon chênh lệch của thịt lợn, cái ngon hả hê của thịt bò, cái ngon hương vị của thịt chim hay trần tục của thịt chó. Nhưng trong nghệ thuật ăn uống cứ gì phải nhiều thịt cá mới ngon. Các nhà khoa học xác nhận món cỗ chay cũng đầy đủ giá trị dinh dưỡng cao từ các nguồn đạm thực vật. Tác giả đã có ý tưởng có quầy hàng cỗ chay, bán bánh chay để du khách nước ngoài, người Việt Nam ở xa quê hương khi trở về, sau khi thăm tháp Phổ Minh, kinh đô nhà Đinh, Lê hay các danh lam cổ tự… được thưởng thức thêm một lần hương vị tuyệt vời của món ăn vốn có từ thời dựng nước mà cách đây không lâu bà con vẫn thường dùng trong ngày lễ Tết thì ý nghĩa biết bao…
(Nguồn: dulichnamdinh.com.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch