Làng Đại Phú là tên gọi chung cho hai thôn: Đại Phú 1 và Đại Phú 2 thuộc xã Phi Mô, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Hàng năm, vào ngày 16 tháng giêng thì làng Đại Phú mở hội – hội này là hội chính trong năm. Trong ngày hội làng tổ chức rước kiệu vào nhà sắc ở giữa làng để nghênh sắc ra đình thờ mấy hôm hội. Sau đó lại tổ chức rước ở đền Giếng tế lễ và rước nước ở đền Giếng về đình.
Đình Đại Phú là nơi thờ vị thành hoàng Cao Sơn – Quý Minh và Minh Giang đô thống. Tương truyền trong khu vực làng xưa có các địa danh: Non Lẫm, Non Cầu, Non Hương là các địa danh gắn với nhân vật Cao Sơn – Quý Minh. Bởi thế cũng có những năm được mùa làng rước kiệu đi khắp địa vực để tưởng niệm, ghi nhớ chiến công đánh giặc của nhà thánh năm xưa. Theo các cụ thì Non Lẫm là kho lương thực của Cao Sơn – Quý Minh. Non Cẩu là trại chó của 2 ngài. Non Hương là đại bản doanh của các vị và cũng là nơi các ngài hoá về trời ngày 12 tháng 8 âm lịch. Còn ngày 12 tháng giêng là ngày sinh của 2 ngài. Sau khi các vị về trời, dân lập miếu thờ và được triều đình cho phép. Từ đó hai ngày ấy trở thành ngày sự lệ của làng. Dân làng Phú Xuyên xưa ( nay là Đại Phú ) cứ đến 12 tháng 8 và 12 tháng giêng thì mở cửu đình và đền Giếng. Tổ chức đại lễ hay lễ hội vào ngày 16 tháng Giêng. Rước kiệu thành hoàng ra đền Giếng, nhà sắc, hoặc cúng có năm rước lên tận Vôi, xuống tận Phố Giỏ rồi lại quay về đình, gọi là tuần du địa vực. Ngày nay trên chùa Trúc Sơn cũng mở cửa đón khách thập phương, thập hương lễ phật đầu xuân – Cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, con cháu thảo hiền, gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc.
Ngoài việc tế lễ, rước sách, còn các trò vui như vật chọi gà, kéo co, diễn tích nhà phật, hát tuồng, chèo và hát mừng nhà thánh.
Hội Đại Phú ngày nay không còn tổ chức rước sách nhưng các trò vui vẫn còn, lại bổ xung thêm một số trò mới. Đó là sự hài hoà về nếp sống văn hoá mới với yếu tố văn hoá cổ truyền khiến cho lễ hội Đại Phú càng thêm sức sống.
(Nguồn: lehoi.cinet.vn)