Lễ hội
Hội Tứ Kiệt Tiền Giang
Thời gian : Ngày 15 đến 16 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Tại :Xã Thanh Hoá, huyện Cai Lậy Tiền Giang.
Thờ 4 ông: Đuốc, Long, Rông, Thận chống thực dân Pháp
Đặc điểm :Nêu cao tinh thần bất khuất của tứ kiệt làm gương sáng soi chung.
Lễ được tổ chức hằng năm, vào 2 ngày 15, 16 tháng 8 âm lịch, dân địa phương tổ chức lễ viếng lăng rất trang nghiêm. Dân trong vùng kéo về dự lễ, dâng hương rất đông. Cuộc lễ tưởng niệm các anh hùng trở thành ngày hội.
Tương truyền, các vị rất linh ứng, thường âm phù trong mọi việc trừ gian cùng phù trợ các việc nghĩa giúp dân.
Lăng Tứ Kiệt là tên gọi mộ và đền thờ của bốn vị anh hùng chống Pháp ở Cai Lậy gồm: Nguyễn Thanh Long; Trần Công Thận (Trần Quang Thận); Trương Văn Rộng và Ngô Tấn Đước (Đức) đã lãnh đạo nhân dân và nghĩa quân Cai Lậy–Cái Bè đứng lên chống Pháp xâm lược trong những thập niên cuối của thế kỷ XIX. Sau khi Bốn ông hy sinh ngày 14 tháng 2 năm 1871, nhân dân lập mộ và đền thờ tại Thị trấn Cai Lậy và để tỏ lòng tôn kính nhân dân gọi là Lăng Tứ Kiệt.
Theo lời truyền của dân gian, bốn ông đều là những người can đảm và mưu lược hơn người, thân hình cao lớn, gương mặt cương nghị, da màu đồng đen, sức khỏe phi thường và võ nghệ cao cường.
Vốn có lòng yêu nước nồng nàn, khi giặc Pháp xâm lược tỉnh Định Tường (1861), bốn ông đã tham gia lực lượng nghĩa quân do Thiên Hộ Dương lãnh đạo. Cùng với những nghĩa quân khác, bốn ông đã tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở vùng Ba Giồng, Chợ Gạo, Mỹ Tho…trong quá trình chiến đấu, bốn ông đã lập được nhiều chiến công vang dội. Khi cuộc khởi nghĩa Thiên Hộ Dương bị thực dân Pháp đàn áp dã man và căn cứ Đồng Tháp Mười bị tan vỡ vào năm 1866, bốn ông trở về Cai Lậy chiêu tập nghĩa sĩ, tiếp tục đứng lên chống Pháp.
Vào ngày 01/01/1871 bốn ông đều sa vào tay giặc, bọn chúng dùng những thủ đoạn vô cùng thâm độc hòng buộc bốn ông phải đầu hàng như: vừa mua chuộc, dụ dỗ vừa tra tấn dã man. Đặc biệt, bọn chúng còn bắt những người thân của bốn ông ra đánh đập hết sức tàn bạo nhằm rúng ép bốn ông phải quy thuận. Thế nhưng, trước sau bốn ông đều khẳng khái tuyên bố “sinh vi tướng, tử vi thần” quyết không chịu khuất phục. Bất lực trước ý chí bất khuất của bốn ông, nên ngày 14/02/1871 (nhằm ngày 25 tháng chạp năm Canh Ngọ) thực dân Pháp đã xử chém bốn vị anh hừng dân tộc tại chợ Cai lậy. Dã man hơn chúng đã bêu thủ cấp của bốn ông trong suốt bảy ngày liền nhằm khủng bố, uy hiếp tinh thần của nhân dân, sau đó vùi đầu của bốn ông xuống mé ruộng ven đường.
Cảm kích 04 vị anh hùng, nhân dân Cai Lậy đã bí mật mang chôn thủ cấp của Bốn ông và đắp mộ, hương khói trang nghiêm. Ở làng Mỹ Trang, ông Nhiêu học Đặng Văn Ngưu dựng trước nhà một ngôi miếu thờ ngay khu đất giặc bêu đầu Bốn ông. Ngôi miếu lợp ngói âm dương và để che mắt chính quyền thực dân, người ta gọi đó là chùa Ông (vì phía trước lập bàn thờ Quan Công tượng trưng cho trung nghĩa), còn phía sau lập bài vị khắc 4 chữ Tứ vị thần hồn sơn son thiếp vàng rực rỡ
Trận bão năm Giáp Thìn (1904) làm ngôi miếu đổ sập. Ông Nhiêu dời ngôi miếu về làng Thanh Sơn (trước thuộc xã Thanh Hòa nay là thị trấn Cai Lậy). Hiện ngôi miếu tọa lạc tại khu phố 1 thị trấn Cai Lậy, cách lăng hơn trăm mét. Còn ngôi mộ nơi chôn 04 thủ cấp từ năm 1871 vẫn đắp bằng đất, xung quanh có hàng rào bằng cau sơn vôi trắng. Gần đó có cây Còng cổ thụ tỏa bóng mát tạo bầu không khí linh thiêng. Vào những năm 30 của thế kỷ trước, người ta đồn rằng: những đêm thanh vắng ở khu mộ Bốn ông có tiếng quân reo, ngựa hí. Huyền thoại về Bốn ông được lan truyền khắp vùng. Năm 1938, trong đội lính mã tà có ông Đội Lung vì cảm mộ tấm lòng trung nghĩa của Bốn ông nên thuê thợ làm tấm bia đá đặt tại đầu mộ. Bia khắc dòng chữ “Đại Nam Mỹ Tho tỉnh, Thanh Hòa thôn, tứ vị cựu quan chi mộ”. Mãi đến năm 1954, quận trưởng Lê Văn Thai đồng ý cho nhân dân xây dựng lại ngôi miếu và 04 ngôi mộ tượng trưng bằng xi măng song song và gần sát nhau, xung quanh có hàng rào sắt kiên cố ngay trên nấm đất cũ. Khu vực này gọi là lăng Tứ Kiệt. Năm 1967, nhân dân Cai Lậy tiến hành trùng tu ngôi miếu và khu mộ Bốn ông qui mô hơn trong có miếu thờ ngoài có nhà khách. Tại lăng có Ban Quí Tế lo việc trùng tu cúng bái. Hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp âm lịch, nhân dân Cai Lậy tụ tập đông đúc về đây tảo mộ và làm giỗ rất trang trọng, thành kính tưởng nhớ đến Bốn ông vì nước quên mình vì dân giết giặc, nêu tấm gương sáng ngời cho hậu thế.
Đến thăm lăng Tứ Kiệt, chắc chắn du khách sẽ hiểu thêm tấm lòng của người dân địa phương với Bốn ông những người đã góp phần điểm tô cho 04 chữ vàng Địa Linh Nhân Kiệt của Tiền Giang luôn ngời sáng.
(Nguồn:cadao.org)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch