Lễ hội
Hội xuân nơi thờ Thủy tổ Quan họ
Nơi đây, một năm có tới 4 tiết lệ: Hội Chùa diễn ra ngày Rằm tháng Giêng, Hội Đền thờ Vua Bà Thủy tổ Quan họ vào mồng 6 tháng Giêng âm lịch, Hội Tát giếng vào 3-3 và Hội Đình 6-8 nhưng sôi nổi và thu hút đông đảo khách thập phương nhất vẫn là ngày hội Đền.
Trong số 49 làng Quan họ gốc của vùng Kinh Bắc, duy nhất chỉ làng Diềm có đền thờ Thủy tổ Quan họ. Chính bởi điều đó, trước ngày khai mạc Hội Xuân hàng năm với Hội thi hát dân ca Quan họ, Hội thi Sinh vật cảnh và Hội Báo xuân, đoàn đại biểu của tỉnh đến dâng hương để tưởng nhớ vị vua Bà đã có công khai sinh và truyền dạy những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm. Làng Diềm ngày vào hội tấp nập khách thập phương. Dù là hoạt động truyền thống, nhiều người đến với hội Diềm để được hòa mình trong không khí đậm đặc chất Quan họ và cảm nhận sâu sắc tình người thuần hậu nơi đây.
Ngày chính hội mồng 6 tháng 2 âm lịch, lễ hội Đền Vua Bà gồm hai phần lễ và hội nhưng không tách bạch mà đan xen với nhau tạo nên bức tranh đa sắc tại khu vực trung tâm lễ hội - khoảng sân rộng phía trước Đền và Đình Diềm. Lễ hội Đền Vua Bà Thủy tổ Quan họ năm nay vinh dự nhận lẵng hoa chúc mừng của đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Trong ngày chính hội năm nay, cán bộ và nhân dân làng Diềm long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của Nhân loại (đây là bản sao của Bằng gốc do UNESCO trao cho UBND tỉnh). Ông Nguyễn Văn Trí, Trưởng BTC lễ hội làng Diềm cho biết: Những năm qua, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Quan họ Bắc Ninh, Viêm Xá đã có nhiều việc làm để xứng đáng với quê hương Vua Bà Thủy tổ Quan họ. Hội Diềm năm nay ngoài việc tổ chức ở quy mô lớn hơn còn kỷ niệm 40 năm kết nghĩa, gắn bó keo sơn giữa hai thôn Viêm Xá (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) và Cẩm Xuyên (Xuân Cẩm, Hiệp Hòa, Bắc Giang). Nếu như nghi thức rước được coi là "linh hồn" của ngày lễ thì các hoạt động sinh hoạt văn hóa Quan họ được xem là điểm nhấn tạo nên nét đặc sắc trong lễ hội Đền Vua Bà. Sân khấu trung tâm sân vận động diễn lại tích "Bà Chúa phát lệnh mở hội xuân" để tưởng nhớ vị Vua bà huyền thoại. Đây cũng được coi là việc làm giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn" tốt đẹp cho thế hệ sau.
Đến với hội Diềm nghe Quan họ hát ở mọi nơi: trên thuyền, trong Đình, trong Đền và tại các nhà chứa. Dòng người đi trảy hội làng Diềm khá đông nhưng không ồn ào, náo nhiệt. Họ đến để được nghe hát Quan họ, để được chiêm ngưỡng cá thiêng ở Giếng Ngọc hay có khi để lễ đền, lễ chùa ngày làng vào hội. Lần theo tiếng hát của các liền anh, liền chị, nhiều người tìm đến nhà nghệ nhân Ngô Thị Khu để được hòa mình vào không gian cổ xưa với đúng chất Quan họ truyền thống. Trong ngõ ngách của một làng Việt cổ, những tiếng hát còn nguyên vẹn lối xưa vang lên mang đến cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc.
(Nguồn: bacninh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch