Lễ hội
Lễ Chol Chnam Thmay
Là lễ mừng năm mới của người Khơme, được tổ chức vào giữa tháng ba âm lịch hàng năm. Đây cũng chính là lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa, thời điểm bắt đầu vụ sản xuất nông nghiệp theo nông lịch cổ truyền của người Khơme nên lễ Chol Chnam Thmay còn đồng nghĩa với việc mừng vụ mùa mới trong năm.
Lễ Chol Chnam Thmay là một trong những lễ quan trọng nhất trong năm, được tổ chức tại chùa và trong từng gia đình. Lễ kéo dài trong 3 ngày: ngày thứ nhất gọi là ngày “sangkran” tức là ngày “rước quyển Đại lịch” (Maha sangkran) với ý nghĩa đón mừng năm mới mà nghi thức lễ gắn với thần thoại Thomabal và Kabil Maha Prum; ngày thứ hai là ngày “wonbot”, mọi người sẽ đi chùa lễ Phật, mang thức ăn dâng cho các sư sãi; ngày thứ ba được gọi là ngày “Lơn sak” với các nghi thức chính là cầu siêu và tắm tượng Phật.
Trong ngày thứ ba của lễ, trước tượng đức Phật, chư tăng đọc kinh sám hối và sau đó dùng một cành hoa nhúng vào nước có hương thơm để tắm tượng Phật bằng cách vẩy nước thơm vào tượng. Sau đó, mọi người tuần tự đến trước tượng để làm lễ đức Phật. Đến đây thì Phật tử dùng nước thơm để vẩy lên người các vị sư để tỏ lòng tôn kính và cũng từ đó mọi người cùng té nước vào nhau để chúc mừng và cầu xin sự may mắn bởi đối với người Khơme nước là biểu tượng của sự sung túc và may mắn. Đây là nghi thức kết thúc hội lễ Chol Chnam Thmay nhưng cũng là sự tiếp nối cuộc vui trong những ngày đầu năm mới.
(Nguồn: vinhlong.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch