Lễ hội

Lễ Cúng Miếu

Lễ cúng miễu mang tính dân dã, cả nam nữ, già trẻ đều có thể đến cúng lạy. Ban tổ chức cúng kiến có thể là một bô lão, một trùm ấp, một nông dân, một phụ nữ. Lễ vật cúng kiến biểu hiện cho tấm lòng của bà con trong xóm.

Chương trình lễ cúng miếu là chương trình lễ kỳ yên thu gọn. Tùy theo đối tượng của miếu thờ phụng, có thể chia ra làm ba loại lễ cúng miễu: lễ cúng miễu Ông, lễ cúng miễu Cô Hồn, lễ cúng miễu Bà.

Lễ cúng miễu Ông: miếu Ông là miếu thờ các vị nam thần xuất phát từ văn hoá Hán - Việt, gồm có Quan Công, Thổ Địa, thần Nông. Nghi lễ cúng miễu Ông là nghi lễ Nho giáo, gồm có các lễ: Thỉnh Tro (thỉnh lư hương từ đền thờ chính về miếu, mang ý nghĩa thỉnh thần về dự lễ), cúng Tiền Yết, Chánh Cúng, cúng Tiên Sư, Tiền Vãng (tức là những bậc đàn anh có công với xóm ấp, những người đứng ra lập miếu). Những nơi có điều kiện có thể dùng nghi thức tế với nhạc lễ, lễ sanh, … thay vì dùng nghi thức cúng vái bình thường. Trừ những nơi thờ Quan Công phải có ba ngày vía (vía sanh ngày 13 tháng giêng âm lịch, vía tử ngày 13 tháng năm, vía hiển thánh ngày 23 tháng 6) còn các miếu thờ Thổ Địa hoặc Thần Nông chỉ có hai ngày lễ hội là lễ xuân tế hay lễ thu tế, lễ Hạ Điền và lễ Thượng Điền. Các ngày vía này thường không thống nhất mà do các địa phương quy định.

alt

Lễ cúng miễu Cô Hồn: chương trình cúng miễu Cô Hồn cũng giống như chương trình cúng miễu Ông. Ngoài ra khi cúng miễu Cô Hồn còn phải mời các nhà sư đến tụng kinh cầu siêu và khí thực cho Cô Hồn. Mỗi năm có ba lễ cúng Cô Hồn: rằm và 16 tháng giêng, rằm và 16 tháng mười và đặc biệt nhất là rằm và 16 tháng bảy âm lịch là ngày xá tội vong nhân, không thể nào thiếu được.

Lễ cúng miễu Bà: tại Vĩnh Long có nhiều miếu thờ Thất Thánh Nương Nương, Ngũ Hành Nương Nương, Thiên Hậu Thánh Mẫu, … nhưng đều áp dụng nghi lễ cúng miễu nữ thần Thiên Y Ana. Chương trình cúng miễu Bà gồm các nghi thức: lễ thỉnh Đất và Nước, lễ cúng Tiên Sư, Tiền Vãng, lễ Tiền Yết, lễ Chánh Cúng. Đặc biệt, vì nữ thần Thiên Y Ana thuộc tín ngưỡng Chăm nên trước kia có tục mời bà bóng đến rỗi mời, múa dâng lễ. Các nghi tiết này đều có dàn nhạc lễ diễn đầu. Nhiều nơi khi cúng miễu Bà còn mời sư đến tụng kinh cầu an.

Lễ hội làng xóm ở các đình, miếu vừa mang tính chất tín ngưỡng, vừa mang tính chất tri ân, cũng là dịp để bà con xóm làng vui chơi, thắt chặt tinh thần đoàn kết. ở khía cạnh nào đó, hình thức diễn xướng của lễ hội vừa có chức năng nghi lễ, lại vừa có chức năng nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu hội hè của bà con trong làng, trong xóm. Bên cạnh đó, do tính chất dân dã của đình miếu ở địa phương đã khiến các lễ hội này thu hút nhiều khách đến hành hương lễ bái.

(Nguồn: vinhlong.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *