Lễ hội
Lễ cưới của đồng bào dân tộc Lạng Sơn
Lễ cưới của đồng bào dân tộc nơi đây thường được tổ chức từ tháng 7-8 đến tháng 2 âm lịch năm sau. Lễ cưới được tổ chức linh đình ở cả hai bên nhà trai, nhà gái. Theo tục lệ trước ngày cưới một vài hôm nhà trai phải nộp đồ sính lễ như đã thoả thuận với nhà gái từ lễ ăn hỏi.
Ngoài ra nhà trai nhất thiết phải có một số vải tặng mẹ vợ, gọi là rằm khấu để trả công nuôi dưỡng của bà mẹ đối với con gái. Nhận vải rằm khấu người mẹ đem nhuộm và đợi khi nào con gái sinh con đầu lòng thì làm cho cháu cái địu và cái tã. ở hầu khắp các bản làng phía Đông trong tỉnh, lễ cưới được tiến hành trong hai ngày. Nhà gái tổ chức hôm trước, nhà trai tổ chức hôm sau. Song nhiều nơi người ta tổ chức cùng ngày như ở Thành phố, Thị trấn và các huyện phía Tây trong tỉnh. Đúng ngày, đúng giờ đã được định, đoàn chú rể bắt đầu ra cửa đón dâu. Lễ vật sang đón gồm: mâm xôi gà, rượu, chè, thuốc lá, tiền phong bao, vải rằm khấu, tiền mừng tuổi cho các em của cô dâu chưa thành gia thất…
Đoàn chú rể gồm 6 đến 8 người có ông quan lang dẫn đầu, một pả mẻ cùng với bốn đến sáu bạn trai phù rể. Ông quan lang phải là người đàn ông có gia đình, ăn nói thành thạo, giỏi thơ ca, tài ứng đáp. Pả mẻ cũng là người như vậy. Con trai, con gái thuộc nhiều bài lượn mừng đám cưới, có tài ứng khẩu thành thơ tại chỗ. Người ta tin rằng, những người đi đưa đón dâu có tốt thì sau này đôi vợ chồng này làm ăn mới được may mắn, khá giả.
(Nguồn: langson.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch