Lễ hội
Lễ đặt tên cho thành viên mới của người S’tieng
S’tiêng là một dân tộc thiểu số bản địa ở tỉnh Bình Phước có thời gian cư trú trên vùng đất này hàng nghìn năm, trong quá trình hình thành và phát triển, người S’tiêng đã tạo dựng cho mình một kho tàng văn hoá phong phú, mang những nét riêng đặc sắc. Trong đó lễ đặt tên cho thành viên mới là một nghi lễ quan trọng, trong hàng loạt nghi lễ vòng đời người
Khi một đứa bé chào đời, là một sự kiện, bên cạnh niềm vui là trách nhiệm của gia đình và cả cộng đồng, lễ đặt tên cho thành viên mới thường được tiến hành khi trẻ được 2 đến 3 tháng tuổi: Gia chủ chuẩn bị một con lợn, một con gà trống, một chén rượu cần, một kỷ vật cho bé, sau đó gia chủ mời già làng đến làm Chủ lễ.
Như kế hoạch đã định, khi công việc chuẩn bị đã tươm tất, gia chủ bày rượu cần và các con vật hiến tế ra giữa nhà, chủ lễ cắt tiết vật hiến tế lấy máu và rượu cần dâng lên thần linh. Chủ lễ mời thần linh về chứng giám, sau đó khấn với thần linh nhận mặt và tên đứa bé, phù hộ cho nó ăn nhiều nhanh lớn, có sức mạnh như nước, như lửa, sớm lên rừng bẻ măng, lên rẫy trỉa lúa. Sau nghi lễ trên, Chủ lễ chính thức tuyên bố tên đứa bé trước sự chứng kiến của các thành viên trong bon (làng). Từ đây mọi người trong gia đình và xã hội phải có trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ cho đến lúc bé trưởng thành. Sau đó Chủ lễ dùng trái bầu khô múc nước gội đầu, tắm cho bé. Đây là một việc làm có ý nghĩa chúc phước lành, theo quan niệm sau này bé sẽ có sức mạnh và trí tụê như Già làng (Chủ lễ). Cuối cùng gia đình mời mọi người ở lại ăn cơm lam, uống rượu cần. Khi màn đêm buông xuống gia chủ đốt đống lửa to ngoài sân, mọi người đi thành vòng tròn nhảy múa, ca hát trong tiếng đồng la ngân vang núi rừng, xua tan mọi điều xui xẻo, quên đi mọi phiền muộn, nỗi vất vả sau những ngày lao động mệt nhọc. Cầu mong mọi điều tốt lành đến với đứa bé cũng như cả cộng đồng trong cuộc mưu sinh của đời người./.
(Nguồn: vhttdlbinhphuoc.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch