Lễ hội

Lễ Donta của người Khơme

Lễ Đonta của người Khơme được tổ chức vào cuối tháng tám âm lịch, là một trong những hội lễ quan trọng được người Khơme xem là cái Tết thứ hai trong năm. Lễ hội Đonta bắt đầu từ ngày 16 tháng tám âm lịch và kéo dài đến cuối tháng tám âm lịch hàng năm. Trong suốt thời gian này, các gia đình người Khơme thường mang cơm nước, hoa quả, bánh trái, … đến chùa để sư sãi làm lễ cúng cho vong hồn những người đã khuất và làm lễ cầu siêu cho những vong hồn ấy.

Do tính chất cùng góp vật thực để cúng vong hồn cho người quá cố, cho các cô hồn, để sư sãi dùng cũng như cho bữa cơm cộng đồng, đặc biệt là có “baibanh” (nắm cơm hay xôi tròn) mà ngày lễ chính của lễ Đonta (ngày 30 tháng tám âm lịch) được người Khơme gọi là ngày “phchumbanh”, nghĩa là lễ “góp bánh”. Sau khi kết thúc những nghi thức lễ tại chùa vào buổi sáng ngày lễ phchum banh, mọi người trở về nhà để làm lễ cúng ông bà gọi là lễ “senchaktum”. Người ta làm cỗ, thắp nhang đèn để dâng cúng ông bà, tổ tiên, cầu xin vong hồn của họ được siêu thoát và van vái, cầu xin ông bà phù hộ.

Nhìn chung, qua nghi thức, thời gian và cách thức tổ chức lễ có thể thấy lễ hội Đonta là sự kết hợp giữa hình thức lễ nghi nông nghiệp với lễ cúng tổ tiên và lễ xá tội vong nhân của đạo Phật. Sự hợp nhất các ý nghĩa của lễ hội Đonta đã làm cho nó có tầm quan trọng trong hệ thống lễ hội cộng đồng của người Khơme ở Vĩnh Long.

Đối với đời sống tinh thần của con người, các lễ hội được xem như sợi dây cộng cảm, nơi người ta có thể cùng nhau sẻ chia lòng biết ơn với ông bà, tổ tiển, niềm tin tôn giáo, gửi gắm ước vọng về tương lai, … Cũng với ý nghĩa như vậy, các lễ hội ở Vĩnh Long đã thể hiện rõ nét đặc trưng của vùng đất nơi ba dân tộc Việt, Hoa, Khơme đang sinh sống trong tình đoàn kết, gắn bó. 

(Nguồn: vinhlong.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *