Lễ hội

Lễ giỗ tổ cổ nhạc Bạc Liêu

MỘT LỄ HỘI DÂN GIAN CẦN ĐƯỢC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY  

          Ở Bạc Liêu có nhiều lễ hội dân gian. Lễ giỗ tổ cổ nhạc được tổ chức hàng năm vào ngày 12 tháng 8 âm lịch là một trong những lễ hội được nhiều người biết đến. Tổ cổ nhạc được anh chị em trong các giới hát bộ, hát cải lương, đàn ca tài tử, dàn nhạc cổ thờ cúng khắp nơi không riêng gì ở Bạc Liêu, nhưng hình thức thờ cúng và sinh hoạt về lễ giỗ tổ ở đây có nhiều điểm khác xa các nơi khác. Tổ được thờ ở đây không phải một tổ mà bao gồm Tiền Tổ và Hậu Tổ. Tiền Tổ cũng không phải một người mà là một tập thể nhạc sĩ tiền bối - những người có công đóng góp vào việc xây dựng nền cổ nhạc Nam bộ nói chung và Bạc Liêu nói riêng, tên tuổi của họ hầu như không có tài liệu nào ghi lại, còn Hậu Tổ chính là ông Lê Tài Khí, thường gọi là Nhạc Khị – thầy dạy nhạc của Cao Văn Lầu - người mở đầu cho trường phái cổ nhạc Bạc Liêu, cũng là người góp nhiều công sức trong phong trào canh tân và xây dựng nền cổ nhạc Nam bộ.

altHàng năm cứ đến tháng 8 âm lịch, trong khi các trẻ em trên mọi miền đất nước đang hân hoan mừng đón tết Trung Thu thì các anh chị em trong làng ca nhạc cổ Bạc Liêu cũng nô nức tham gia ngày giỗ tổ . Địa điểm hành lễ lúc trước đặt tại nhà nhạc sĩ Lê Văn Túc (Ba Chột) (1) ở xóm Rạch Ông Bổn, năm 1950 dời về nhà nhạc sĩ Trần Tấn Hưng (Năm Nhỏ) (2) tọa lạc tại số 225 đường Minh Mạng - Bạc Liêu (nay là số 165 đường Nguyễn Thị Minh Khai,phường 5 thị xã Bạc Liêu), đến năm 1982 ông Trần Tấn Hưng từ trần, lễ giỗ tổ được dời đến một vài nơi khác và hiện nay được chính thức tổ chức tại nhà thờ nhạc sĩ Cao Văn Lầu tọa lạc tại số 7/34 đường Cao Văn Lầu, phường 5 thị xã Bạc Liêu .

          Trước ngày 12 tháng 8 vài hôm có một cuộc họp của những nhạc sĩ lão thành để thảo luận về việc tổ chức lễ giỗ tổ . Nội dung của cuộc họp là sự thống nhất về chương trình hành lễ , các bản nhạc tế lễ , hương đăng trà quả, đồ ăn thức uống; quy định về số tiền đóng góp của các thành viên; cử ra thư ký, thủ qũy và thành lập các ban : Tế lễ, Tiếp tân, Hậu cần .

          Chiều ngày mùng 10 tháng 8 người thủ qũy sau khi nhận niên phí của các thành viên, phải giao tiền lại cho Ban Hậu cần, sáng ngày 11 ban này cử người đi chợ để mua sắm các thứ cần dùng, đêm hôm đó họ bắt đầu nấu nướng và kể như phải thức cả đêm để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Ban Tế lễ cũng có mặt để chỉ đạo trang trí bàn thờ tổ, sắp xếp nơi hành lễ, chuẩn bị nơi tiếp khách … họ họp mặt nói chuyện với nhau như một lễ tiên thường của các đám giỗ khác .

Sáng ngày 12 tháng 8 Ban Tiếp tân đã có mặt thật sớm, họ chuẩn bị trà nước sắp đặt bàn ghế, họ phụ giúp Ban Tế lễ để dâng cúng hoa quả rượu trà do khách mang tới, sau đó họ còn phụ trách cả việc bưng mâm để tế lễ .

          Trên bàn thờ tổ không có ảnh tượng mà chỉ có một bài vị ghi bốn chữ Cổ Nhạc Tổ Sư bằng chữ Hán, phía trước là một bát hương to, hai bên có bày chân đèn với cặp nến thắp sáng, trên bàn thờ bày ngũ quả và hương hoa, hai bên bàn thờ treo các loại nhạc khí như : Đàn kìm, đàn sến, đàn gáo, đàn cò, đàn tranh, đàn độc huyền, đàn lục huyền… các loại kèn sáo và cạnh đó là một bộ trống cổ ; phía trước bàn thờ là một cái bàn thấp để dọn cúng thức ăn, giữa bàn thường là một con heo quay đỏ chói, phía trước là một khoảng trống lớn có trải đệm hoặc chiếu để tế lễ .

          Đến 10 giờ bắt đầu hành lễ, người dự lễ đa số là các nghệ nhân, nghệ sĩ  địa phương và một số ít những người hâm mộ . Mọi người đứng thành hình chữ U lớn trước bàn thờ, người chủ tế và các người bồi tế với trang phục áo dài khăn đóng màu xanh, tuần tự bước ra trong tiếng chuông trống liên hồi, họ bắt đầu thực hiện các nghi thức như : Dâng hương, dâng hoa, dâng ngũ quả, dâng bánh, dâng giấy tiền, dâng rượu… sau cùng là đọc văn tế – nội dung của bài văn tế thường là tuyên dương công đức tổ và cầu cho quốc thái dân an. Sau khi tế lễ, mọi người lui về vị trí của mình và cùng ngồi xuống. Tiếng nhị cầm (đàn cò) lại lảnh lót vang lên, các loại đàn sáo hòa theo mở đầu một bản nhạc lớn ; giữa khói hương nghi ngút một người (đã được chỉ định trước) bước ra qùy trước bàn thờ tổ lạy ba lạy, xong lại cất tiếng ca để hòa với điệu đàn; bản mở đầu nầy thường là Lưu thủy trường - bản thứ nhất của 20 bản Tổ; buổi lễ tiếp tục bằng sự hòa tấu một số bản (đã định trước) trong 19 bản Tổ còn lại là : Phú lục, Bình bán, Xuân tình,Tây thi, Cổ bản, Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc, Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam, Phụng cầu. Chấm dứt phần lễ hiến tổ bằng một hồi trống dài, mọi người đứng dậy nghiêm trang bái tổ .

          Sau khi cúng tế, các món ăn lại được dọn ra, cũng bày trí theo hình chữ U, những người tham dự vừa ăn vừa uống vừa hòa tấu tiếp tục . Giai đoạn này họ thực hiện các nhạc bản canh tân, thường mở đầu bằng các nhạc bản do Nhạc Khị sáng tác như : Ngự giá đăng lâu, Minh hoàng thưởng nguyệt, Phò mã giao duyên hoặc Ái tử kê. Sau đó họ tiếp tục hòa tấu một số trong các nhạc bản sau đây :

          - Nhạc bản do người Bạc Liêu sáng tác : Dạ cổ hoài lang, Thu phong (Bá điểu), Liêu giang, Ngũ quan, Ngự giá, Vạn thọ, Hòa duyên, Huỳnh ba, Mẫu đơn, Nhật nguyệt, Lưỡng long, Tam quan nguyệt, Vọng cổ, Hứng trung thinh, Minh hoàng thưởng nguyệt, Tùng lâm dạ lãm …

          - Nhạc bản cải tiến từ nhạc cổ Trung bộ : Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ Quảng, Liên huờn, Bình bản (Bình nguyên), Tây mai, Kim tiền Huế, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã …

          - Nhạc bản cải tiến từ nhạc cổ Trung Quốc : Uyên ương hội vũ, Khốc hoàng thiên, Tân  xái phỉ, Ngũ điểm , Bài tạ, Mạnh Lệ Quân, Xang từ liếu, Lạc âm thiều, Tô Vũ mục dương, Quý phi túy tửu …

          - Nhạc bản được cải tiến từ dân ca : Lý con sáo, Lý thập tình, Lý ngựa ô, Lý giao duyên, Ngựa ô nam …

          Khoảng 3 giờ chiều, buổi lễ chấm dứt, kèn trống nổi lên, mọi người hướng về linh vị tổ  bái ba bái, sau đó cùng nhau dọn dẹp và tuần tự ra về. Thường thì ban tế lễ và những nhạc sĩ lớn tuổi ở lại để để dự một cuộc họp thường niên. Cuộc họp này gồm hai phần : Phần thứ nhất là giải quyết những vấn đề trong nội bộ, nhất là tương trợ các gia đình nhạc sĩ, ca sĩ nghèo ; phần thứ hai là những đề nghị, những ý kiến chung cho ngành cổ nhạc Nam bộ. Thường là cuộc họp kết thúc trong sự thống nhất vui vẻ.

          Nói tóm lại Lễ giỗ tổ cổ nhạc ngày 12 tháng 8 âm lịch được tổ chức hàng năm tại Bạc Liêu  là một lễ hội nhỏ còn mang đậm tính địa phương nhưng có một ưu điểm lớn - đã cung cấp những tài liệu quý báu, những tài liệu khó tìm được trên sách báo về cổ nhạc cho những người làm công tác văn hóa và nhất là cho  những nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam. Những tài liệu cổ nhạc này rất phù hợp với truyền thống dân tộc, rất thích nghi trong việc phát triển văn hóa truyền thống, nó có thể đáp ứng phần nào đối với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát huy bản sắc dân tộc.          Vì vậy việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy lễ hội dân gian là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn này, nhất là những lễ hội mang đậm tính văn hóa truyền thống và chứa đựng những tài liệu rất phong phú về âm nhạc cổ như  Lễ giỗ tổ cổ nhạc Bạc Liêu

                                                                    (Nguồn: phatgiaobaclieu.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *