Lễ hội
Lễ hội bắt lợn Ông Cầu
Bắt lợn Ông Cầu - Lễ hội cổ truyền độc đáo của nhân dân Hà Thạch
Hà Thạch là một làng cổ thuộc vùng ngoại duyên của Kinh đô Văn Lang xưa, nơi đây còn lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thống từ thời các vua Hùng dựng nước với kho tàng đồ sộ về các truyền thuyết thời Hùng Vương và hệ thống lễ hội vô cùng phong phú, độc đáo. Đó chính là những pho sử sống tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt cổ thời kỳ đầu dựng nước. Lễ hội bắt lợn Ông Cầu là một trong những lễ hội cổ xưa tiêu biểu nhất của vùng đất này.
Trước đây, lợn hoang nhiều, phải mất công săn bắt có khi phải lên tận Lào Cai, Yên Bái, vào tận các nơi heo hút mới tìm được lợn như ý. Ngày nay, chủ yếu là lợn nuôi nhưng dù là lợn rừng hay lợn nhà, khi đã được tôn vinh làm “Ông” thì phải qua một khâu tuyển chọn hết sức công phu. Bản tục lệ xã Hà Thạch (khai năm 1933, hiện còn lưu trữ ở Viện Hán Nôm) cho hay lễ cầu mồng 5 tháng Giêng còn là gọi là lễ cầu nèm; có sửa hai mâm quả chay, hai đấu xôi cùng một mâm cỗ gà, trầu cau tùy dùng. Trong lễ cầu này, có nhiều trò chơi hấp dẫn khác như kéo co, cờ người, đánh đu, chọi gà… nhưng thiếu trò bắt lợn Ông Cầu thì coi như bất thành hội.
Dân làng Hà Thạch chọn lợn rất công Phu: Đó là những con lợn đực, choai choai, chạy khoẻ, đen tuyền. Đúng ngày 23 tháng Chạp, hai hộ dân có gia phong, gia cảnh đàng hoàng, khá giả được dân làng chọn ra để nuôi lợn. Trước lễ này, lợn chưa được gọi là “Ông”; sau khi thụ lễ nhập chuồng phải gọi là Ông Cầu. “Nhà” của Ông Cầu được làm mới tinh tươm, khung tre, lợp lá cọ, trên nóc phải dựng cờ lễ, cửa chuồng hướng về phía đền. Xung quanh “tư dinh” này phải dựng bày võ khí: Đao, kích, phủ việt… ngoài cùng là lớp rào che chắn cũng bằng lá cọ để Ông Cầu khỏi rét. Lợn Ông Cầu nuôi trong chuồng từ 25 tháng Chạp năm trước đến mồng 5 tháng Giêng năm sau. Riêng ngày mồng 5 thì mổ một con lợn sóng, tức lợn thường, lấy thủ cúng. Lợn Ông Cầu không được cho ăn cám, ăn rau mà phải cho ăn cháo hoa, ngày ba bữa: sáng, trưa, tối, cháo được đổ vào máng gỗ. Chuồng lúc nào cũng phải sạch sẽ, lợn Ông Cầu phải được giữ vệ sinh, tắm rửa thường xuyên. Trước khi cho lợn Ông Cầu ăn, chủ nuôi phải mặc một bộ quần áo lễ, trịnh trọng thắp một nén nhang xin ý chỉ của Thành hoàng làng. Tất cả những việc ấy chỉ được thực hiện qua tay đàn ông. Trước khi đưa lợn Ông Cầu ra nơi hành lễ, người ta dùng một cái xiếp đan thưa bằng 17 thanh tre (phải là số lẻ và một đòn tre khiêng lợn Ông Cầu đưa vào một cái lồng sắt sơn xanh, gọi sang là xe hoa).
Phần lễ chính được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng. Ngay từ sáng sớm, những vị phụ lão cao tuổi của làng đều tập chung ở đền Lục Giáp (gồm Đền Trung, Đền Thượng) và đền Nam. Đây là nơi sinh hoạt tâm linh của 8 giáp trong toàn thôn. Cụm di tích lịch sử Đền Lục giáp miếu Phe Nam được UBND tỉnh Phú Thọ xếp hạng di tích lịch sử Văn hoá cấp tỉnh năm 2009). Những người được cử trong ban tế lễ gồm có: 1 chủ tế (còn gọi là Chúa Kem) và 2 bồi tế cùng một đội tế sinh (bộ phận tham gia chuẩn bị những đồ lễ và đồ rước). Khi diễn ra lễ hội, lễ vật là những ván lễ chay gồm hoa quả, bỏng mật, xôi nếp, oản, những đồ rước được dùng trong lễ bắt Ông Cầu có cờ, đao, phủ việt…
Địa điểm tổ chức lễ hội bắt Ông Cầu thường là các bãi đất rộng, vào giờ hoàng đạo Ban chủ sự tổ chức tiến hành mở hội bắt Ông Cầu. Sau khi chủ tế dâng hương kính báo trời, đất, chủ tế của đền Trung và bồi tế của đền Nam vào làm lễ tháo văng mở cửa chuồng. Khi Ông Cầu ra khỏi chuồng sẽ có một đội tế sinh mặc áo lễ chấp kích hộ tống Ông Cầu ra địa điểm tổ chức. Những người được tham gia bắt ông Cầu là những nam đinh từ 18 tuổi trở lên và được làng lựa chọn từ trước. Đội nam đinh sẽ tham gia dồn bắt Ông Cầu trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người cho đến khi bắt được Ông Cầu cho vào cáng xếp, khi nào chủ tế của đền Trung và bồi tế của Đền Nam trói được Ông Cầu của đền mình lại thì thôi. Lễ hội của 2 đền phải diễn ra đồng thời cùng một lúc.
Về phần gia chủ, sau khi Ông Cầu đã ra khỏi nhà thì gia chủ sẽ huy động tất cả người thân, anh em, họ hàng phá tung hết chuồng của Ông Cầu thu được dây đan lá bát mà không bị đứt, gãy trước khi Ông Cầu bị bắt lại thì gia chủ sẽ gặp được nhiều may mắn trong suốt cả năm đó.
Rước Ông Cầu về đền, đi trước là một đội quan binh cầm giáo mác, chiêng, trống, cờ, quạt. Trên đường đi, nếu hai Ông Cầu gặp nhau thì phải đi vòng quanh 3 vòng để chào nhau. Trước lúc đưa vào đền dân làng phải đưa Ông Cầu xuống sông tắm. Sau đó đưa lên đền quay 3 vòng rồi mới đặt xuống chờ giờ làm lễ. Ông Chủ tế làm lễ nhập đền. Đúng 12h0’ ngày 6 tháng Giêng (chuyển canh ngày mới) làm lễ tra dao (chọc tiết lợn), “cầu nèm” phá lệ cho làng. Lúc này 8 quan viên, bồi tế, chủ tế vào làm lễ. Chúa Kem là người chọc tiết lợn. Các thanh niên bắt được lợn làm lông sạch, thủ, thân cắt riêng. Sau đó ban hành lễ đem toàn thân lợn tế sống gọi là Lễ hành tế. Hết 3 tuần Lễ hành tế, lợn được đem luộc xong đưa vào làm lễ tế thần (Lễ chính thức). Cuối cùng là cúng khai tảng (chia lộc), làm lễ cửa xô (những người giúp việc ăn uống) và đánh trống khai chiêng động thổ, đóng cửa đền. Theo lệ làng, người nào bắt được lợn thì được chia nhiều phần hơn, cầm đuôi lợn quay vòng quả mông, khoanh đến đâu lấy phần đến đó.
Lễ hội Bắt lợn Ông cầu là một nghi lễ truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc dân gian của người dân Hà Thạch. Qua Lễ hội người dân Hà Thạch càng thêm yêu thương, gắn bó với mảnh đất quê hương mình. Mỗi người dân nơi đây dù đi xa đến ngày hội làng vẫn nhớ về tham dự để cầu một năm mới may mắn, an lành.
(Nguồn: www.phutho.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch