Lễ hội
Lễ hội Cầu mùa Đình Tân Trào
Tại đây, hàng năm đều diễn ra lễ hội Cầu mùa hay còn gọi là lễ hội Đình Tân Trào, một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở xã Tân Trào.
Khi cảm giác náo nức của ngày tết qua đi, mùa xuân mới đã về trong lộc non xanh biếc và trong sự bâng khuâng xao xuyến của lòng người. Không lỡ hẹn với đất trời, các lễ hội trên vùng đất chiến khu cách mạng Tuyên Quang cũng rộn ràng đến, mang theo hương sắc tươi trẻ và mới mẻ trong từng hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đầu xuân. Con đường đến với các địa phương vùng chiến khu cách mạng những ngày đầu xuân luôn rộn ràng tiếng trống hội. Khó có thể nói hết tình cảm mà du khách thập phương dành cho vùng quê in đậm dấu ấn của lịch sử. Những dòng người từ khắp nơi đổ về trẩy hội vui xuân càng làm cho không khí lễ hội thêm náo nức. Lễ hội từ lâu đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc vùng chiến khu cách mạng mỗi khi tết đến xuân về.
Trong tiết trời ấm áp, giữa không khí rộn ràng của mùa xuân mới, hàng nghìn du khách thập phương nô nức về dự lễ hội Cầu mùa hay còn gọi là lễ hội Đình Tân Trào, lễ hội đầu tiên trong năm tại Tuyên Quang. Đây là lễ hội cầu mùa của làng Kim Long xưa, nay do 3 thôn gồm thôn Tân Lập, Lũng Búng và thôn Mỏ Ché thực hiện, mang đậm nghi thức truyền thống của đồng bào dân tộc Tày ở xã Tân Trào huyện Sơn Dương. Mỗi người mang một cảm xúc riêng, song hiện rõ trên mọi ánh mắt, nụ cười là niềm hân hoan, hạnh phúc. Đến với lễ hội Cầu mùa ngày mùng 4 tết, du khách thập phương không chỉ được biết đến Tân Trào với truyền thống cách mạng mà còn biết đến vùng đất với sự phong phú trong đời sống văn hoá truyền thống được bà con gìn giữ từ bao đời nay.
Lễ hội Cầu mùa Đình Tân Trào được tổ chức gồm 2 phần, phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm và thành kính tại Đình Tân Trào, ngôi đình đã gắn liền với dấu ấn lịch sử, với toàn thể dân tộc Việt Nam và gắn liền với đời sống của nhân dân các dân tộc xã Tân Trào. Tại Đình Tân Trào, ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1945, Quốc dân Đại hội đã họp thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội đã biểu quyết ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập dân tộc của nhân dân cả nước.
Phần lễ được thực hiện quy mô và trang trọng theo các bước rước mâm lễ vào đình và dâng hương. 8 mâm cỗ được 8 chàng trai khoẻ mạnh bưng vào đình để làm lễ. Sau khi các mâm lễ được rước đến đình, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên, du khách thập phương và nhân dân 3 thôn dâng hương để bày tỏ lòng biết ơn vị Thành Hoàng làng và tám vị Đại vương và cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, nhà nhà yên lành, hạnh phúc, người người khỏe mạnh.
Lễ hội Cầu mùa gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt nhằm gửi gắm mong ước của con người, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mang lại nhiều no ấm cho người dân và còn thể hiện một cách sinh động nền văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc của dân tộc Tày đã thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tham dự.
Trong hơi lạnh của những ngày đầu xuân, không cản được bước chân du khách đến với lễ hội và không khí của ngày lễ ấm dần lên theo bước chân của du khách xa gần. Có rất nhiều du khách thập phương nô nức về dự lễ hội Cầu mùa, lễ hội được tổ chức trên vùng đất chiến khu cách mạng. Sau tiếng trống khai hội là nghi thức rước lễ cúng Thành Hoàng làng và các vị thần tới Quảng trường Tân Trào để tham gia phần hội. Đoàn rước kiệu với cờ, trống và tiếng chiêng rộn ràng. Đoàn múa gồm những thanh nữ trong trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Tày vừa đi vừa múa theo đoàn rước. Hàng trăm du khách thập phương và nhân dân theo đoàn rước kiệu. Đến với lễ hội, du khách còn được tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hoá truyền thống được bà con nơi đây gìn giữ từ bao đời nay. Trong không khí náo nức của lễ hội, mỗi người đều mang một cảm xúc riêng, song hiện rõ trên mọi ánh mắt, nụ cười là niềm hân hoan, hạnh phúc.
Sau khi hành lễ tại Đình Tân Trào là lễ rước kiệu Thành Hoàng làng từ Đình Tân Trào tới Quảng trường Tân Trào để tổ chức tiếp phần hội. Các trò chơi dân gian trong phần hội luôn thu hút đông đảo du khách và nhân dân cùng hưởng ứng tham gia.
Phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày đã thu hút sự tham gia của du khách xa gần. Các trò chơi bắt trạch trong chum, thi cầy bừa, thi cấy, thi leo cầu vồng, đẩy gậy, tung còn, kéo co và các làn điệu hát then, hát cọi ca ngợi tình yêu lứa đôi, ca ngợi Đảng, Bác Hồ đã tạo sự sôi động cho lễ hội. Trò chơi bắt trạch trong chum do đôi trai gái thực hiện và dâng đôi trạch bắt được tại kiệu Thành Hoàng làng. Các trò chơi tái hiện lại cảnh sinh hoạt của người nông dân như cầy bừa, bắt tôm cá, bán thuốc nam, tắc kè gọi mưa.... đã thể hiện khát vọng của người dân và mang tính giáo dục nhân văn sâu sắc. Hấp dẫn du khách hơn cả đó là tài năng leo cầu vồng của các chàng trai, cô gái trong làng và trò chơi tung còn. Những quả còn rực rỡ sắc màu được ném trong ngày hội hòa với không khí hồ hởi, náo nức của người dân và du khách thập phương. Các hoạt động này đã thu hút đông đảo đồng bào dân tộc và du khách tham gia, cổ vũ. Lễ hội cầu mùa còn được duy trì từ nhiều năm nay, cho dù mỗi nơi, mỗi vùng đất tổ chức lễ hội lại mang những nét độc đáo riêng nhưng luôn mang đậm bản sắc và đa dạng, phong phú trong hình thức hoạt động. Kết thúc lễ hội, du khách ra về và những câu hát then, hát cọi đầy tình tứ vẫn cuốn theo bước chân du khách xa gần.
Việc tổ chức lễ hội cầu mùa được duy trì từ nhiều năm qua tại Đình Tân Trào có ý nghĩa cả về mặt tâm linh cũng như giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Lễ hội Cầu mùa không chỉ thực hiện nghi lễ truyền thống của lễ hội Cầu mùa thường niên mà còn mang ý nghĩa quan trọng là đóng góp cho sự quảng bá tiềm năng du lịch Tuyên Quang. Một tiềm năng đang được bà con trên địa bàn gìn giữ và phát huy đó là nền văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc. Tham gia lễ hội, du khách không chỉ được hoà mình vào các trò chơi dân gian truyền thống mà còn được tìm hiểu thêm về mảnh đất, con người nơi đây cũng như nét đẹp của văn hoá tâm linh. Lễ hội cầu mùa Đình Tân Trào không chỉ đơn thuần là một nghi lễ đầu năm mà còn thu hút những người con xa quê nhớ về với cội nguồn cách mạng. Lễ hội cầu mùa được tổ chức theo đúng nghi lễ truyền thống là cách để các thế hệ người dân ở vùng đất chiến khu cách mạng Tân Trào nhắc nhở con cháu biết trân trọng, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Về với lễ hội cầu mùa Đình Tân Trào, du khách được trở về với cội nguồn thiêng liêng, trở về với môi trường ngôn ngữ và sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm nét truyền thống trong mỗi trang phục, những làn điệu dân ca và trong mỗi trò chơi dân gian, được cùng nhau tập hợp, giao lưu và cùng được hòa vào không khí giao hòa của đất trời. Những trò chơi dân gian trong lễ hội thể hiện nét đẹp tâm hồn phong phú, gắn với thiên nhiên, gắn với những tập tục văn hóa lâu đời của các dân tộc. Lễ hội đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân và trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc được thể hiện sinh động qua từng lễ hội đã góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Mỗi mùa xuân mới đến, mang cho con người thêm bao điều thú vị và chắc chắn những mùa xuân sắp tới, các lễ hội đầu năm ở Tuyên Quang và với riêng lễ hội Cầu mùa Đình Tân Trào sẽ lắng đọng nhiều cảm xúc tươi mới và khác biệt trong lòng nhân dân và du khách thập phương.
Lễ hội cầu mùa Đình Tân Trào đã trở thành hoạt động văn hoá không thể thiếu trong đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân vùng đất chiến khu cách mạng Tân Trào mỗi dịp tết đến xuân về. Đến với lễ hội cầu mùa, trong lòng du khách chắc chắn sẽ lắng đọng nhiều cảm xúc tươi mới cùng với bao điều thú vị./.
(Nguồn: tuyenquangtv.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch