Lễ hội

Lễ hội chùa Hàm Long

Chùa Hàm Long là một công trình tôn giáo đạo Phật do nhân dân xã Thuỷ Đường, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng xây dựng từ thế kỷ 17, thời hậu Lê. Có thể nói đây là một trong những sơn môn lớn của phái  Thiền Tông chịu sự ảnh hưởng của tông phái Thiền Trúc Lâm thời Trần.

Chùa được xây dựng trên sườn núi  Vân Ô, phong cảnh tĩnh mịch rất phù hợp với những người tu hành theo thiền tông. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, chùa Hàm Long không chỉ nổi tiếng là chốn có cảnh đẹp vào hạng nhất của chốn Hải Dương, mà còn nổi tiếng bởi lễ hội hằng năm đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các cư dân trong và ngoài đạo phật ở khắp vùng lân cận thuộc địa bàn huyện Thuỷ Nguyên. Tại lễ hội này, con người như được thoát khỏi thế giới trần tục để hoà nhập vào cõi phật linh thiêng. Đây là ý kiến của rất nhiều những người đã từng tham gia lễ hội chùa Hàm Long.
Lễ hội chùa Hàm Long diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25 tháng Giêng, đây là lễ hội chùa của tôn giáo đạo Phật nên công việc chuẩn bị cũng như việc rước tế hầu như không có. Trước khi vào hội chính khoảng một đến hai ngày nhà chùa đã làm một số công việc như quét dọn, vệ sinh cảnh chùa. Việc quan trọng nhất là lễ tắm các pho tượng thờ. Tham gia việc làm này là những người trong sạch, có phẩm chất tốt, không có tang gia. Vào những năm được mùa, nhân dân công đức nhiều thì nhà chùa còn tổ chức tô tượng, đồ thờ và các trang trí trong kiến trúc của chùa.

Vào ngày lễ hội, trước phật điện chùa Hàm Long sư trụ trì tụng kinh gõ mõ, dưới sân chùa các đệ tử làm lễ theo kinh Nam Hoa. Ngược lên phía trên theo độ dốc của núi Vân Ô, có một ngôi chùa nhỏ, đó là chùa Cao, phật điện của chùa Cao chỉ duy nhất có một pho tượng Quan âm Nam Hải tạc theo phong cách " Thiên thủ thiên nhỡn ". Nơi đây thu hút rất nhiều người dân làm nghề sông nước thuộc các xã như Tam Hưng, Phục Lễ, Phả Lễ, An Lư, Minh Đức... đến làm lễ cầu mong sóng yên biển lặng và sự bình an cho người thân trong gia đình  khi lênh đênh trên các cửa sông, cửa biển. Vào buổi tối của những ngày lễ hội, các hoạt động văn hoá diễn ra sôi nổi như hát chèo, kể hạnh mà nội dung chủ yếu vẫn là kể lại các công đức của nhà Phật, khuyên răn dạy dỗ các Phật tử tu nhân tích đức, chăm lo việc thiền. Đặc biệt là sự tích ông tổ Non Đông được chuyển thể thành thơ lục bát  với kiểu lối kể truyền miệng nên được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ngoài các nghi lễ chủ yếu đã diễn ra trtước các Phật điện, toà thờ tổ của khu di tích chùa Hàm Long, ở đây hầu như không thấy một trò chơi mang tính dân gian nào. Lớp trẻ đến với lễ hội cũng chủ yếu cầu mong cho cuộc sống phồn thịnh, ước vọng của bản thân thành hiện thực.

Lễ hội chùa Hàm Long không ồn ào náo nhiệt như các lễ hội khác  nhưng nó chứa đựng những tinh thần lớn lao nên đã có sức cuốn hút mọi
người tham gia rất đông đảo không chỉ trong giới tăng ni phật tử mà còn cả những tầng lớp dân cư khác. Bởi nơi đây không chỉ là nơi có lễ hội tháng Giêng nổi tiếng mà còn là một chốn tổ của đạo Phật Việt Nam đang dành được sự quan tâm, nghiên cứu tìm hiểu của các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo Hải Phòng nói riêng.


Khu vực: Huyện Thuỷ Nguyên Địa chỉ liên hệ: Xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên.

(Nguồn: haiphong.gov.vn)

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *