Lễ hội

Lễ hội Chùa Từ Quang

Lễ hội Chùa Từ Quang là dịp để các tăng ni, phật tử và bà con nhân dân gần xa trong cả nước tưởng nhớ công lao của các vị hòa thượng đã có công lao khai lập, trị vì và những vị anh hùng của dân tộc từng tham gia đấu tranh giữ nước.
Trong 2 ngày 16 và 17/2 (tức mồng 10 và 11 tháng Giêng – Mậu Tý), Bảo tàng Phú Yên và huyện Tuy An, xã An Dân đã phối hợp tổ chức Lễ hội Chùa Từ Quang (chùa Đá Trắng) ở thôn Cần Lương, xã An Dân (huyện Tuy An).
Chùa Từ Quang có diện tích rộng trên 5000 m2, nổi tiếng với khu mộ tháp đồ sộ ở phía tây của chùa, mỗi ngôi tháp có kích cỡ khác nhau, nhưng ở phía trước đều được ghi khắc công lao của các vị hòa thượng khai sáng và trị vì tại ngôi chùa này. Có mộ tháp được xây theo kiểu mẫu mộ tháp của phái Đại Thừa, được trang trí hoa văn theo đặc trưng mà rất ít ngôi chùa ở nước ta có được. Chùa Từ Quang còn nổi tiếng với với món xoài đá trắng tiến cung, với hương vị rất đặc biệt vừa thơm, vừa ngọt dịu.
Chùa Từ Quang được thành lập năm Đinh Tỵ (1797), do Thiền sư Pháp Chuyên, đời thứ 36 phái Lâm Tế khai sơn. Ngôi chùa này gắn liền với cuộc đấu tranh chống Thực dân Pháp của 02 vị anh hùng dân tộc Trần Cao Vân và Võ Trứ. Năm 1885, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương, chính nơi đây là căn cứ mật khu của Trần Cao Vân và Võ Trứ chiêu tập nghĩa quân và là pháo đài vững chắc để chống lại Thực dân Pháp đổ bộ từ cửa biển Tiên Châu (An Ninh Tây). Đến năm 1887, cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương kết thúc, nhưng Chùa Đá Trắng tiếp tục được Trần Cao Vân và Võ Trứ cùng với các bậc sỹ phu yêu nước, tăng ni phật tử làm nơi tụ họp bàn việc chống lại Thực dân Pháp.
Lễ hội Chùa Từ Quang là dịp để cho các tăng ni, phật tử và bà con nhân dân gần xa trong cả nước về đây để tưởng nhớ công lao của các vị hòa thượng đã có công lao khai lập, trị vì và những vị anh hùng của dân tộc từng tham gia đấu tranh giữ nước tại ngôi chùa này và cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa và là còn dịp để tham quan thưởng lãm cảnh đẹp của ngôi chùa.
Chùa Từ Quang đã được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc Gia vào tháng 06 năm 1997.

(Nguồn:Báo Phú Yên)

 


Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *