Lễ hội

Lễ hội của người Khmer

1. Bonh Chôl Chnam Thmây:
Lễ vào năm mới, mang ý nghĩa là mừng thêm một tuổi, tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt, với hy vọng năm mới đến sẽ đem lại những điều may mắn. Được diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch), không cố định ngày, hàng năm đều do các nhà thiên văn bói toán ấn định, tính theo vòng quay trái đất quanh mặt trời trong một năm sẽ định ra được ngày, giờ cụ thể trong năm đó. Đến khi có được ngày, giờ cụ thể và tới thời gian đó, bà con ăn mặc đẹp, đem nhang đèn đến chùa làm lễ đón Giao thừa, sau giờ phúc đó sẽ bước vào năm mới và được tổ chức đón tết trong 03 ngày cụ thể như sau:

alt - Ngày thứ nhất gọi là Thngay Chôl Chnam Thmây (ngày vào năm mới), bà con làm cơm đi chùa vào buổi sáng và buổi trưa để dâng đến các vị Sư, được nghe các vị chúc tụng năm mới. Đêm lại, nghe các vị Sư tụng kinh Cầu an năm mới, cầu cho “Quốc thái dân an” và hưởng được 4 pháp của đức Phật (sống lâu, sắc đẹp, an vui và sức mạnh), rồi được nghe các vị thuyết pháp về ý nghĩa của lễ Chôl Chnam Thmây và sau đó thanh niên nam nữ cùng nhau múa hát trước sân chùa.

- Ngày thứ hai gọi là Thngay Von-boch cũng giống như ngày thứ nhất vẫn làm cơm đi chùa dâng đến các vị Sư và lắng nghe các vị chúc tụng, cầu an, thuyết pháp giảng đạo, rồi các thanh niên nam nữ vui chơi trước sân chùa.

- Ngày thứ ba gọi là Thngay Lơn-săk (ngày thêm tuổi), mới chính là ngày chánh cũng là ngày cuối tết, tương tự như hai ngày đầu, nhưng ngày này bà con đều đến đông đủ để làm lễ Cầu siêu cho người thân đã quá cố, để vong linh của họ sớm được siêu thoát. Chiều mọi người cùng nhau làm lễ tắm tượng Phật để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đức Phật, đồng thời cũng để rửa những điều không may của năm cũ để sang năm mới vạn sự như ý. Tết Chôl Chnam Thmây được kết thúc.

 2. Bonh Đôl-ta:

Lễ ông bà, được tổ chức hàng năm vào ngày 29-30 tháng 8 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công ơn cha mẹ, họ hàng và người thân đã quá vãng. Lễ được diễn ra trong 02 ngày:

- Ngày thứ nhất gọi là Sên Đôl-ta (cúng ông bà), vào ngày 29/8 âl, tại mọi gia đình làm một mâm cơm tươm tất, thấp nhang đèn, mời anh em họ hàng bạn bè lại cùng cúng, khấn vái, mời những linh hồn người thân đã vãng về ăn uống.

- Ngày thứ hai gọi là Bonh Phchum Banh (lễ hội linh) vào ngày 30/8 âl, ngày này là ngày hội của những linh hồn người thân đã quá cố đều hội tụ về chùa. Vì thế tất cả gia đình người Khmer đều làm cơm đi chùa, mời các vị sư tụng kinh cầu siêu và nhận hồng phúc mà chúng con dâng cúng hôm nay để sớm được siêu thoát. Lê Đôl-ta được kết thúc tại đây.

3. Bonh Oc-om-bok:

altLễ đút cốm dẹp, có nghĩa là người ta lấy cốm dẹp trộn với đường, dừa rồi vắt thành cục nhỏ kèm theo một trái chuối đút vào miệng các trẻ em từ 2 năm tuổi trở lên và để cho trẻ cầu nguyện những ước mơ của mình. Ngoài ra còn mang ý nghĩa mừng cơm mới vào những ngày trăng sáng mưa gió chấm dứt, nước từ từ rút xuống, mở đầu cho một mùa khô. Đồng thời cũng để tưởng nhớ đến công ơn Mặt trăng, được người dân Khmer coi như là một vị thần điều tiết mùa màng nên còn gọi là “lễ cúng trăng”, được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Trong đó có tổ chức các môn thể thao giải trí như đua ghe Ngo, thuyền bầu,…

Ngoài ra còn nhiều lễ hội khác như: Lễ Dâng y cà-sa, lễ Cầu an, lễ chúc thọ, lễ Phật định, Phật đản,…

(Nguồn: cantho.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *