Lễ hội
Lễ hội dân gian miền biển
Lễ hội dân gian là thuật ngữ dùng để chỉ loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian của nhiều loại hình tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật dân gian… diễn ra tại một địa điểm, tại một thời gian nhất định mang tính chu kỳ. Bà Rịa -Vũng Tàu (BR-VT) có vị trí địa lý và quá trình lịch sử tương đối đặc biệt ở miền Đông Nam bộ, là cửa ngõ trên đường mở đất xuống phương Nam của người Việt, là nơi hội tụ của những lễ hội dân gian. Lễ hội dân gian BR-VT vừa có nét chung của lễ hội dân gian Nam bộ, vừa có những nét riêng do sự ảnh hưởng trực tiếp của lễ hội dân gian Trung bộ, lại có thêm biểu hiện sắc thái của sự giao tiếp giữa các vùng miền ấy. Đó là đặc trưng của lễ hội dân gian BR-VT.
Từ xưa đến nay, trong suốt các quá trình lịch sử, BR-VT luôn giữ vai trò là vùng “giao thoa” chuyển tải và ngưng tụ của quá trình hình thành, giao lưu và tiếp bước văn hoá giữa Nam Trung bộ và Nam bộ. Đó là chưa kể những yếu tố văn hoá từ nhiều quốc gia, khu vực bên ngoài được thu nhập vào. Bước đầu các nhà nghiên cứu văn hoá tạm chia lễ hội dân gian của BR-VT thành các loại như: Lễ hội thờ cúng Thành Hoàng làng, Lễ hội Nghinh Ông, Lễ hội thờ Mẫu - Nữ. Cũng như lễ hội dân gian ở các địa phương khác, lễ hội dân gian BR-VT bao giờ cũng hướng tới những đối tượng thiêng liêng. Đó là những thiên thần và nhân thần mà thực chất chính là hình ảnh hội tụ và kết tinh những phẩm chất cao đẹp của những người đi tiên phong khai hoang mở làng mở nước, anh dũng chống giặc ngoại xâm, hay có công chống thiên tai, cải tạo thiên nhiên, xây dựng cuộc sống… Những đối tượng được suy tôn, ngưỡng mộ trong lễ hội dân gian ở BR-VT phản ánh phần nào đặc điểm riêng về quá trình hình thành, về nghề nghiệp và điều kiện lao động sản xuất và xã hội của vùng đất này. Ví thế, giá trị văn hoá, nét thẩm mỹ mà nó đưa lại, thái độ tôn kính hay ý thức tri ân và niềm tự hào về tổ tiên là thực tế, cụ thể, gắn với điều kiện nghề nghiệp và địa bàn sinh sống. Nó còn có giá trị giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, nghề nghiệp, củng cố tinh thần đoàn kết và khơi gợi sâu sắc lòng tự hào về vùng đất mà mình sinh sống.
Một đặc điểm nổi bật của lễ hội dân gian BR-VT là gắn liền với nghề nghiệp xưa của ngư dân nơi đây, trong đó có nghề đánh bắt hải sản. Trên cơ sở đó đã định hình loại hình lễ hội của một nhóm cộng đồng sinh sống trên cùng một địa bàn nhất định với nghề nghiệp nhất định, mang tính đặc trưng, được gọi chung là: Lễ hội dân gian của ngư dân ven biển BR-VT. Đối với cư dân sống bằng nghề biển, vốn rất nhiều và có mặt rất sớm ở BR-VT, họ lập ra các miếu: Thờ bà, thờ Cô, thờ ông Nam Hải, thờ Quán Thánh Đế Quân… là những nhân vật giàu lòng nhân ái, sẵn sàng cứu khổ, cứu nạn cho người đi biển gặp chuyện không may. Ngày nay, lễ tục ấy vẫn được gìn giữ và phát triển, được ngư dân tổ chức hàng năm tại các đình thần và hầu khắp các làng xã trong tỉnh, cầu cho xóm làng bình yên, mưa thuận, gió hoà, được mùa tôm cá… phản ánh phần nào nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc, sôi động và có sức hấp dẫn đặc biệt của ngư dân BR-VT.
(Nguồn: dulichvungtau.com.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch