Lễ hội

Lễ hội đền Chế Thắng Phu Nhân

Lễ hội đền Chế Thắng Phu Nhân: Đền Chế Thắng phu nhân nằm trên địa phận xã Hải Khẩu, huyện Kỳ Hoa nay là xã Kỳ Ninh, huyện Kỳ Anh nên gọi là đền Hải Khẩu. Đền thờ bà Nguyễn Thị Bích Châu cung phi của Trần Duệ Tông (1373-1377), bà được vua sùng ái ban cho hiệu là Phù Dung. Bà đã có "Kê minh thập sách” nổi tiếng (10 điều khuyên của người vợ hiền) được nhà vua khen ngợi. Năm Bính Thân (1736), vua Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, bà dâng sớ can ngăn nhưng nhà vua không nghe, bà xin đi theo đến cửa biển Kỳ Hoa (Cửa Khẩu), biển nổi sóng, chiến thuyền không sao đi nổi. Đêm hôm đó nhà vua mộng thấy Giao thần đến xin nhà vua một mỹ nữ trong đám cung tần làm vợ. Bà Nguyễn Thị Bích Châu xin được hiến thân và sóng yên biển lặng, đoàn chiến thuyền lại tiếp tục, nhưng khi vào cửa động Ỷ Mang thì trúng kế quỉ của viên quan Chiêm Thành là Thu Bà Ma, đoàn quân bị vây hãm nhà vua cùng nhiều quận thần, quân lính đều bị chết trận. Sử ghi đó là ngày 23 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1377).
Vào năm Hồng Đức (1470), vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đến cửa biển Kỳ Hoa mộng thấy người đàn bà xưng là cung nhân Triều Trần đến xin cứu giúp và kể hết sự tình, nhà vua liền sai viết thư bắn ra ngoài biển trách cứ Quang Lợi Vương (Thuỷ Tề), lập tức Giao thần bị chém chết xác nổi lên mặt nước. Đồng thời thi thể của nàng Bích Châu nổi lên còn nguyên vẹn đẹp y nguyên như lúc bình sinh, nhà vua cho làm lễ mai táng. Sau khi thắng trận trở về vua hạ chiếu lập đền, cấp ruộng tế và người trông coi đền, sắc phong cho bà là "Chế Thắng "nên đền được gọi là đền Chế Thắng Phu Nhân. Hàng năm, vào ngày 12/2 âm lịch là ngày giỗ. Tại đây đã diễn ra lễ tế trọng thể và mở hội linh đình .
Điều đặc biệt trước đó 1 tháng có tục "Dâng bánh chưng thờ ngày tết", một nghi thức rất độc đáo của lễ hội tại đền Hải Khẩu. Bánh chưng thờ có 3 chiếc to, mỗi chiếc có 5kg gạo nếp, 1,5 kg đỗ làm nhân. Bánh nhỏ gói 12 cặp, mỗi chiếc 2kg và 0,5kg đỗ làm nhân. Sáng ngày 30 tết người ta bắt đầu nấu bánh đến nửa đêm vớt ra để sáng ngày mồng 1 kịp làm lễ vào giờ Thìn .

Đây là một nghi lễ hiếm thấy trong các loại hình lễ hội ở Hà Tĩnh .

(Nguồn: saigontoserco.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *