Lễ hội

Lễ hội đền Lê Khôi

Lễ hội đền Lê Khôi : Đền Chiêu Trưng còn gọi là đền Võ Mục, thuộc xã Kim Đôi nay là xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Đền xây dựng trên núi Long Ngâm ngọn núi cuối cùng của dãy Nam Giới, từ đất liền uốn lượn ra biển làm bức bình phong án ngữ phía đông cửa Sót. Ngọn Long Ngâm hình núi như trán con rồng chúi xuống biển sâu:

"Ai biết núi Nam Giới.
Đá cũng hoá ra rồng"

(thơ Bùi Dương Lịch).
Lê Khôi, thuỵ là Võ Mục con ông Lê Trừ anh thứ hai của Lê Lợi, cha mẹ mất sớm ở với chú Lê Lợi tham gia nghĩa quân Lam Sơn từ ngày đầu cho đến lúc giải phóng hoàn toàn đất nước, có tên trong Hội Thề Lũng Nhai và danh sách 35 công thần khởi nghĩa. Lê Khôi làm quan trải 3 triều (Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông) lên tới chức: Khâm sai tiết chế thủy lục như dinh, Hộ vệ thượng tướng quân.
Năm 1443 ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu thời gian này ông chú trọng phát triển nông nghiệp đắp đập khai hoang lập làng. Năm 1446 phụng mệnh vua Nhân Tông, cầm quân đi đánh Chiêm Thành, trên đường trở về ông bị bệnh nặng, đoàn chiến thuyền đến Cửa Sót dưới chân núi Nam Giới thì ông mất. Triều đình làm quốc tang thi hài ông an táng tại chóp núi Long Ngâm và cho lập đền thờ tại đó hàng năm quốc tế truy phong. Năm 1487 được vua Lê Thánh Tông tặng phong “ Chiêu Trưng đại vương”.
Đền Chiêu Trưng gồm 3 toà được xây dựng năm Đinh Mão (1477) một năm sau khi ông mất, đến nay sau nhiều lần trùng tu song vẫn giữ được dáng vẻ ban đầu.
Từ chân núi leo lên các bậc đá hai bên cây cối cổ thụ um tùm sừng sững hai cột nanh của đền. Qua cổng và vọng lâu vào đền Hạ là nơi đón tiếp quan khách về tế lễ, đền Hạ thoáng rỗng, đền Trung có treo bức hoành đề bốn chữ “ Vạn khoảnh ân ba” (sóng ân muôn dặm). Một số nhà nghiên cứu cho rằng các đường nét khắc chạm ở trung điện đền Chiêu Trưng in đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc đầu thế kỷ XVII đến nay vẫn còn bảo tồn được.

Hai bên trung điện là hai cửa nách thấp hẹp phải cúi đầu mới được đi lên Thượng điện, giữa Thượng điện trên hương án sơn son thiếp vàng là bức tượng Chiêu Trưng Lê Khôi bằng gỗ sơn son, nét chạm đẹp trang nghiêm phúc hậu.

Hàng năm vào ngày 1, 2, 3 tháng 5 âm lịch là ngày giỗ và hội đền Chiêu Trưng, trước ngày chính giỗ thường có trận mưa rào chiều hoặc tối mồng 1. Nhân dân trong vùng nói rằng đó là trận mưa “ tắm tượng” “ rửa đền” đón khách thập phương về tế lễ. Sau tế lễ có rước kiệu đua thuyền trên sông từ Mai Phụ đến Cửa Sót

(Nguồn: saigontoserco.com)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *