Lễ hội
Lễ hội đền Voi Phục
Thời gian: 09 -10/2 âm lịch.
Địa điểm: Đền Voi Phục, làng Thủ Lệ, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội.
Đặc điểm: Lễ rước kiệu, lễ tế, múa rồng, múa lân, dâng hương, đấu cờ, đập niêu, chọi gà, biểu diễn văn nghệ...
Đền Voi Phục thuộc “Thăng Long Tứ Trấn”, thờ Hoàng tử Linh Lang. Linh Lang là hoàng tử thứ 4, con Vua Lý Thánh Tông và cung phi thứ 9 là bà Nạo Nương. Thủa ấy, quân xâm lược nhà Tống kết hợp với quân Chiêm thành xâm chiếm nước ta. Hoàng tử đã xin vua cha được ra trận để dẹp giặc. Vua đồng ý và cấp quân lệnh cho hoàng tử tùy nghi hành động. Với tài thao lược của mình, Hoàng tử Linh Lang đã đánh tan quân giặc, giữ yên được bờ cõi.
Nhà vua mở yến tiệc khao thưởng các tướng sĩ và có ý muốn nhường ngôi cho hoàng tử Linh Lang nhưng ngài không nhận. Ít lâu sau, hoàng tử lâm bệnh và mất vào ngày mùng 10 tháng Hai âm lịch. Vua cha thương xót người con có tài, nên sắc phong là “Linh Lang Đại Vương” và cho lập đền thờ để dân chúng hương khói đời đời.
Lễ hội truyền thống đền Voi Phục được tổ chức hàng năm với sự tham gia của 4 đình gồm: đình Ngọc Khánh, đình Yên Hòa, đình Xa La và đình Hào Nam trong 2 ngày, từ ngày 09 đến 10 tháng Hai âm lịch, để kỷ niệm ngày mất của Hoàng tử Linh Lang.
Chương trình lễ hội được diễn ra như sau:
Ngày 09/02:
Từ sáng sớm, lễ cáo thỉnh Đức thánh được thực hiện bởi cụ Từ (người trông đền), sau đó là khóa tụng kinh và đội tế nam quan đền Voi Phục tế Thánh. Tiếp đến, các đội dâng hương nữ của 4 đình vào dâng hương lễ Thánh. Buổi chiều, các trò hội và biểu diễn văn nghệ truyền thống được tổ chức, nhân dân cùng du khách vào lễ Thánh.
Ngày 10/02 (Chính hội)
Từ 7h sáng, 4 kiệu từ 4 đình được rước đến đền Voi Phục để tế và bái yết Thánh với đội hình gồm: đội múa rồng; đội đánh trống, đánh chiêng; đội cầm vũ khí: gươm hầu, bát bửu, chấp kích; đội nhạc lễ, bát âm, đồng văn (trống); đội cấm vệ quân hầu Thánh; đội rước kiệu. Trong lễ rước, các đoàn đều trình diễn các hoạt cảnh mang đậm tính dân gian truyền thống như: con đĩ đánh bồng, múa sênh tiền, múa quạt, múa sư tử, múa lân... Tiếp theo, tại đền Voi Phục, bài diễn văn khai mạc lễ hội và thần phả của Đức Thánh. Sau đó, đội nữ dâng hương đền Voi Phục vào lễ Thánh. Buổi chiều, lễ hội được tiếp tục với màn tế lễ của đội tế nam và đội dâng hương nữ của các đình cùng khách thập phương vào lễ Thánh. Kết thúc là lễ tế hạ hội lúc xế chiều.
Trong hai ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều hoạt động được tổ chức như: thi đấu cờ tướng, biểu diễn võ thuật, thi chọi gà, đập nồi niêu có thưởng và biểu diễn văn nghệ...
(Nguồn: TTTTDL)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch