Lễ hội
Lễ hội Đình làng Nhân Mục - một lễ hội mang sắc màu của Giỗ Tổ Hùng Vương
Hội Đình làng cũng mang màu sắc lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương của dân tộc với những phong tục tập quán mang đậm bản sắc của một làng quê nông nghiệp cổ truyền. Trải qua nhiều thế kỷ, lễ hội Đình Nhân Mục vẫn lưu giữ được nhiều dấu tích văn hoá của nhiều thời đại lịch sử.
Ngày trước, lễ hội Đình Nhân Mục xưa thường kéo dài 12 chầu (hay còn gọi là 12 ngày), từ mùng 10 đến 22/3 âm lịch, nhưng có năm chỉ tổ chức 6 ngày, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế và thời tiết. Ngày nay, theo qui định của Nhà nước, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày (từ mùng 9 đến hết 11/3 âm lịch).
Ngày từ chiều mùng 9, phần Lễ được tổ chức trang trọng với nghi thức tế cáo yết: tuần tự tế 3 tuần rượu và hương đăng. Chiều mùng 10: nghi thức rước đại lễ bắt đầu từ Đình làng đến Đền. Sau lễ rước về Đền, phần tế chính bắt đầu. Đội tế nam quan gồm 23 người; trong đó có 1 Đại bái làm chủ tế do làng cử ra. Trình tự nghi thức tế gồm: dâng 3 tuần rượu, hương đăng và độc chúc văn.
Những ngày tiếp theo, phần Hội diễn ra với nhiều trò chơi phong phú như: tổ tôm, tam cúc, hát chèo, tuồng, chầu văn (ban đêm), đi cầu thùm, đu sòng, bịt mắt bắt dê, đập niêu, chọi gà, cờ tướng, chạy hoá trang, lặn bắt vịt (ban ngày).
Một trong những nét đặc sắc không thể không nhắc đến ở lễ hội Đình làng Nhân Mục đó là hội thi làm con giống và mâm ngũ quả do các nghệ nhân và nhân dân trong làng sáng tạo và tổ chức. Cuộc thi đòi hỏi khả năng sáng tạo và độ khéo léo cao qua việc tận dụng các chất liệu có sẵn như rơm rạ, gốc cây, hoa quả, xơ mướp, xơ dừa... tạo thành những tác phẩm nghệ thuật sống động có giá trị thẩm mỹ cao. Những sản phẩm tiêu biểu như: mái tamữn quan cổ kính làm bằng khúc mía, những con giống như rùa, rồng, phượng làm bằng xơ mướp, bẹ dừa...
Từ năm 1993, Lễ hội Đình làng Nhân Mục có thêm tiết mục múa rồng. Đội múa rồng của làng đã chiếm được cảm tình của đông đảo du khách và được mời biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài huyện.
Bên cạnh đó, múa rối nước cũng là một loại hình văn hoá dân tộc độc đáo, hấp dẫn riêng có tại đây. Nghệ thuật tạo hình những con rối bằng gỗ ngộ nghĩnh và chứa đựng nét văn hoá dân gian đặc sắc không dễ nơi nào có được. Trong dịp đón Xuân Tân Mão 2011, màn múa rối nước tại Đình Nhân Mục đã trở thành một trong những điểm cầu truyền hình trực tiếp giới thiệu và quảng bá loại hình văn hoá truyền thống đặc sắc này với công chúng trong và ngoài thành phố.
Về với hội làng Nhân Mục để hoà nhập với không khí sôi động, với dòng chảy của truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của một vùng quê văn hoá với nhiều dấu tích xưa vẫn được nhân dân nơi đây luôn trân trọng, bảo tồn và phát huy giá trị ./.
(Theo Cổng TTĐT huyện Vĩnh Bảo)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch