Lễ hội
Lễ hội đua thuyền
Ở Quảng Ngãi, lễ hội đua thuyền cổ truyền được tổ chức ở ba nơi: Bình Châu (Sa Kỳ), Tịnh Long (Sơn Tịnh) và ở đảo Lý Sơn. Nhưng lễ hội đua thuyền ở Bình Châu trên thuỷ trường là của Sa Kỳ được tổ chức với qui mô nhỏ, không có thuyền đua chuyên và không được tổ chức định kỳ nên nói đến lễ hội đua thuyền truyền thống ở Quảng Ngãi là người ta nói đến Tịnh Long và Lý Sơn - một ở sông và một ở biển.
Lễ Hội Đua Thuyền ở Tịnh Long
Là một xã ở đông nam huyện Sơn Tịnh, Tịnh Long nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, gần sát cửa Đại Cổ Luỹ xưa vốn là một thương cảng chính, khá sầm uất của tỉnh Quảng Ngãi. Bởi vậy, bên cạnh nghề nông với ruộng vườn xanh tốt, cư dân Tịnh Long còn làm nghề trên sông, biển. Chắc hẳn đó là lý do sinh ra hội đua thuyền có từ nhiều thế kỷ trước. Xét về thuỷ trường thì đoạn sông Trà Khúc ở Tịnh Long nước êm, có độ sâu trung bình 2-3 mét, lòng sông phẳng. Phía bắc Tịnh Long có các đồi núi thấp, phía nam, nơi hữu ngạn, là Cổ Luỹ cô thôn, với các đồn Thạc Sơn, Bàn Cờ... cùng tạo nên một phong cảnh sơn thuỷ hữu tình, một khung cảnh thiên nhiên lý tưởng cho một lễ hội tưng bừng rộng thoáng như lễ hội đua thuyền.
Hàng năm, cứ vào mồng bốn, mồng năm tháng Giêng Âm lịch, người dân địa phương cũng như dân ở nhiều xã khác kéo về Tịnh Long, đứng chật trên bờ sông mát rượi bóng cây cổ vũ náo nhiệt cho hội đua thuyền. Thế nhưng việc chuẩn bị cho cuộc đua đã được tiến hành từ vài mươi ngày trước. Từ khoảng giữa tháng Chạp, trong khi đang bận rộn chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán, người Tịnh Long đồng thời cũng sửa soạn quyên góp tiền bạc, chọn vận động viên và tập dượt để chuẩn bị cho lễ hội đua thuyền đầu Xuân. Tịnh Long có 4 thôn (An Lộc, An Đạo, Gia Hoà, Tăng Long), mỗi thôn hình thành một đội đua gồm trai tráng ở cỡ tuổi 18-35, mỗi đội đua có 22 đà công, thuỷ thủ, được nuôi ăn tập và phải chấp hành đúng nội quy cũng như những điều cấm kỵ khác.
Thuyền đua là loại thuyền đặc biệt, không giống thuyền thường, với dáng thon và dài để hạn chế tối đa lực cản của nước. Khi đóng thuyền, người ta phải chọn ngày lành tháng tốt. Thuyền đóng xong, được trang trí đẹp, từ đầu đến đuôi trang trí theo hình con vật trong tứ linh. Bốn thôn trong xã mỗi thôn có một thuyền đua, được trang trí theo hình Long (rồng), Ly (lân), Qui (rùa), Phụng (phượng). Hiển nhiên, thuyền đua gắn với tín ngưỡng của nhân dân và được thờ ở am miếu của thôn, hàng năm, đến kỳ đua mới được làm lễ hạ thủy, có cờ, trống rộn ràng và khi đua xong lại đưa về am miếu cùng với thủ tục như vậy. Trường đua có tổng diện tích khoảng 60.000m2 với chiều dài 500 mét, rộng 120 mét (chia làm 4 ô, mỗi ô rộng 30mét) cho 4 thuyền đua. Sau khi bốc thăm, đội trưởng đội đua thuyền về cọc tiêu qui định để chuẩn bị sẵn sàng khi có lệnh xuất phát. Trong mỗi thuyền đua có 15 đà công, thuỷ thủ, mặc đồng phục và ở tất cả các thuyền đều chít khăn đỏ. Khi có lệnh xuất phát, các thuyền lập tức lao lên. Tiếng trống giục liên hồi, tiếng reo hò vang dậy ở hai bên bờ sông, những chiếc nón huơ lên cao cổ vũ, tạo nên một không khí tưng bừng náo nức. Mỗi lần đua gồm 8 vòng với 4 km, chia thành hai đợt đua, khoảng giữa 2 đợt đua là thời gian nghỉ giải lao để đà công, thuỷ thủ lấy lại sức. Cách tính điểm là thuyền về nhất được 10 điểm, thuyền về thứ nhì được 8 điểm, thuyền về ba 6 điểm, thuyền về cuối cùng 4 điểm. Tổng cộng cả 2 ngày đua tài, thuyền nào có số điểm cao nhất sẽ giành phần thắng và các thuyền khác cũng tuỳ theo số điểm đạt được mà xếp hạng nhì, ba, tư. Ngày hội đua thuyền ở Tịnh Long thật sự là một hội vui Xuân lành mạnh, tưng bừng náo nức của cư dân cả một vùng đất.
Lễ Hội Đua Thuyền Lý Sơn
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở đảo Lý Sơn có những nét tương đồng nhưng đồng thời cũng có những nét dị biệt so với lễ hội đua thuyền ở Tịnh Long. Theo các thư tịch cổ, thì người Việt ra khẩn hoang lập ấp ở Lý Sơn vào đầu thế kỷ XVII, muộn hơn ít nhất một thế kỷ so với ở đất liền. Trong gia phả của các dòng họ đầu tiên ra khai phá đảo, thì họ từ đất liền Quảng Ngãi ra khai phá, chứ không phải trực tiếp từ Bắc vào đảo. Gia phả của nhiều dòng họ này còn cho biết, nhiều người có gốc từ Huế, vào Quảng Ngãi định cư ở Rừng Lăng, sau chuyển xuống vùng Tịnh Long, Tịnh Châu, Tịnh Kỳ... bây giờ, trước khi ra định cư ở đảo. Như vậy, lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn có thể đã có mối quan hệ nào đó với lễ hội ở Tịnh Long, hoặc xa hơn nữa, là Huế. Theo văn tế cúng "bát tổ" (8 vị tổ) và "thất tộc" (7 vị tiền hiền), thì lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn bắt đầu từ năm 1826, nghĩa là trên 100 năm sau khi những người Việt đầu tiên ra định cư ở đảo. Điều này không có gì là khó hiểu. Phải có một thời gian lâu dài dành cho việc khai khẩn, ổn định chỗ ở, dân số phát triển đủ đông, người ta mới có thể tổ chức một lễ hội cộng đồng qui mô, đòi hỏi nhiều công của cũng như trình độ nghệ thuật cao như đua thuyền.
Lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn có thể xuất hiện sau lễ hội người Tịnh Long, cũng không thể thu hút nhiều người ở vùng khác đến như Tịnh Long, vì Lý Sơn là một đảo nhỏ, cách đất liền 25 km, nhưng chắc chắn việc đua thuyền ở đây có quy mô và qui củ hơn nhiều. Lý Sơn có 2 đơn vị hành chính ngang nhau là 2 xã trước kia là Bình Vĩnh và Bình Yến, sau lập huyện đổi lại là Lý Vĩnh và Lý Hải và mỗi xã đều hình thành 4 thuyền, đủ bộ "tứ linh" (Long, Lân, Quy, Phụng).
Các thuyền cũng đặt ở nơi am miếu để thờ cúng: ở xã Lý Vĩnh, thuyền long thờ tại miếu Hoà Lân, thuyền phụng tại Lăng Cồn, thuyền ly tại Dinh Chàm, thuyền qui ở lăng Nghĩa Tự. Ở xã Lý Hải, thuyền long thờ ở Lăng Cồn, thuyền ly đặt ở Trung Hoà, thuyền qui ở Trung Yên, thuyền phụng ở dinh Tam Toà. Cũng như ở Tịnh Long, thuyền đua ở Lý Sơn có dáng thon dài, ngang nơi rộng nhất 1,4 mét, dài 9,5 mét; trước kia thuyền được làm bằng khung gỗ, mê tre (tất nhiên có trát đầu rái); sau này mê tre được thay bằng mê nhôm hoặc đuya-ra, vừa bảo quản được lâu, vừa đỡ được sức cản của nước hơn. Trên thuyền các phần được trang trí công phu hơn ở sự chạm khắc (chứ không chỉ vẽ như ở Tịnh Long). Khi ghe được đưa đi hạ thuỷ, người ta cũng tổ chức cầu cúng vào đêm trước, sáng sớm trước khi đua và sau khi đua, để tạ ơn tổ tiên và các vị thần linh. Hàng năm vào rằm tháng Bảy, cúng tế các vị tiền hiền, người ta cũng tổ chức đua thuyền, nhưng chủ yếu vẫn là đua thuyền vào dịp đầu Xuân, kéo dài 4 ngày, từ mồng 4 đến mồng 8 tháng Giêng Âm lịch. Mỗi thuyền đua có từ 18 đến 20 người, trong đó có người Đập then (còn gọn là lái nhịp) và Tổng lái (đội trưởng). Cũng như ở Tịnh Long, mỗi thuyền đua ở Lý Sơn đều có một đồng phục riêng tùy thích, nhưng bao giờ các vận động viên cũng chít khăn đỏ trên đầu. Cách tính điểm đua cũng tương tự như ở Tịnh Long, tuy nhiên trường đua ở đây dài hơn (từ 800 đến 1000 mét) và kéo dài ngày gấp đôi ở Tịnh Long. Tất nhiên, sự thắng bại trong cuộc đua tùy thuộc ở toàn đội, ở sự khoẻ mạnh, dẻo dai của các thành viên trong đội; nhưng ở đây không thể không kể đến người lái nhịp và tổng lái. Người lái nhịp đứng ở giữa thuyền, giữ một trọng trách lớn, là phải dùng then (thanh tre) đánh nhịp rõ to để các thuyền viên bơi đúng theo nhịp. Nhiệm vụ của người đạp then nặng nề ở chỗ, phải đứng ở giữa thuyền, giữ được thăng bằng và phải bằng sức vóc mà liên tục đánh nhịp. Nhịp đánh thưa quá thì thuyền đi chậm, ngặt quá có thể làm các thuyền viên đuối sức, nhịp không đều thì dẫn đến chuệch choạc. Một khi nhịp đã vừa mà có thuyền viên không theo đúng nhịp, gây lực cản thì phải kịp thời phát hiện để thay bằng người khác. Tổng lái là người đứng ở cuối thuyền quan sát đều khắp, đồng thời đảm đương nhiệm vụ lái thuyền. Thuyền đua ở biển có đặc điểm là thủy truờng không êm như ở sông, bởi vậy, tổng lái vừa phải nhắm thẳng đến cột tiêu, đồng thời phải lượn tránh sóng. Đến giáp cọc tiêu rồi phải bẻ lái thế nào đó để không phải mất công vòng rộng, lại không quá gấp thuyền dễ bị chòng chành và nhọc công sức của thuyền viên. Cách quyên góp để tổ chức hội đua thuyền cũng tương tự như ở Tịnh Long, nhưng việc tập dượt để chuẩn bị đua lại hoàn toàn khác. Nếu như để bước vào cuộc đua chính thức, các thuyền viên ở Tịnh Long phải bỏ ra nhiều ngày tập dượt, thì ở đây chỉ cần vài ba ngày. Khi cả đội tập luyện, đội trưởng sẽ xem xét mực ghe để có thể thay thuyền viên cho vừa, mực ghe vừa rồi thì tập cho nhịp nhàng và quen tay. Sở dĩ chỉ cần ít ngày tập luyện bởi những người tham gia đua thuyền đều là những người hàng ngày đánh bắt cá trên biển, rất thông thạo với nghề đi biển.
Tuy không thu hút được dân nhiều địa phương khác đến, nhưng để đổi lại, những ngày đua thuyền thật sự là những ngày hội của người dân toàn đảo. Cùng với tiếng trống giục, cờ phất là tiếng reo hò vang dậy suốt dọc bờ biển trong những ngày đầu Xuân khiến không khí ắng lặng hàng ngày đã hoàn toàn được xua tan, thay vào đó là niềm vui tươi, phấn chấn. Người ta tin rằng những thuyền đua thắng cuộc thì việc làm ăn trong năm sẽ được khấm khá, phát đạt và gặp nhiều may mắn.
Lớp tín ngưỡng xa xưa của lễ hội đua thuyền có thể là tín ngưỡng thờ mặt trăng, nếu cần tìm ở một tầng sâu hơn sẽ là tín ngưỡng thờ thần biển, nhưng hiện tại, lớp tín ngưỡng ấy đã nhạt nhoà. Vì vậy, trên lát cắt đồng đại, lễ hội đua thuyền chỉ còn lắng đọng niềm tin tín ngưỡng của người dân.
Lễ hội đua thuyền hàng năm ở Tịnh Long và Lý Sơn, ngoài những ý nghĩa như đã nói, còn là nơi tập luyện và thử thách sự dẻo dai, rèn luyện ý chí, kích thích con người phấn đấu vươn lên làm ăn, xây dựng quê hương giàu đẹp.
(Nguồn: saigontoserco.com)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch