Lễ hội
Lễ hội “Đuổi Bệt”
Ở Làng Vọng Lỗ (xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) có một lễ hội thú vị và khá ly kỳ đó là lễ Đuổi Bệt (đánh hổ). Trải qua nhiều năm, nhưng người dân nơi đây vẫn còn duy trì và giữ nguyên được nét độc đáo của lễ hội này.
Ở Làng Vọng Lỗ (xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) có một lễ hội thú vị và khá ly kỳ đó là lễ Đuổi Bệt (đánh hổ). Trải qua nhiều năm, nhưng người dân nơi đây vẫn còn duy trì và giữ nguyên được nét độc đáo của lễ hội này.
Truyền thuyết đánh hổ
Theo nhiều người dân làng kể lại rằng; tương truyền ngày xưa có một ông quan giỏi (đến nay dân làng cũng chưa rõ danh tính) sau khi cùng nhà vua triều đình dẹp giặc Nguyên Mông xong, ông tự ái chuyện triều đình bê bối nên xin về quê ở ẩn. Trước khi về quê ở ẩn, nhà vua có hỏi ông cần gì nhà vua sẽ ban cho, ông chỉ xin cho mình một cái lốt hổ (áo da hổ).
Truyền thuyết kể lại, do bản tính ông quan này sống tốt khiến cho quân lính tôn sùng nên cũng xin nguyện đi theo cùng. Đi suốt nhiều ngày ròng rã, về đến làng Xổ, thuộc tổng Vọng Lỗ, phủ Long Hưng (nay là làng Vọng Lỗ, xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) do tiền bạc, lương thực mang đi đường đã hết, vì sợ để quân lính đói khát chết, không còn cách nào khác, ông quan đã dùng áo lốt hổ khoác vào người giả làm hổ thật để vào làng bắt gà, lợn của dân làng cho quân lính sinh hoạt qua ngày.
Bất bình trước cảnh hổ dữ vào làng hoành hành, có một gia đình ba anh em cùng một người em nuôi khác đã quyết tâm cùng nhau đánh đuổi hổ. Cả ba anh em ruột đều tranh đấu nhiều hiệp với “ông hổ” nhưng đều phải tử trận. Người em nuôi còn lại đêm về đang nghĩ cách đánh lại hổ thì được ba người anh về báo mộng: “Muốn đánh được hổ, thì phải giả làm hổ”. Vậy là ngày hôm sau người em nuôi kia đã vẽ trên mình giả làm hổ, rồi vào khóm tre của làng chặt lấy cây tre dài 7 thước (2,8m) cầm đi tìm hổ để trả thù. Không ngờ khi vừa gặp, “ông hổ” kia đã rùng mình hốt hoảng nên đánh 3 hiệp liền bị thương nặng vào chân phải lê chạy về khu rừng (dân làng thường gọi Đống Go) rồi nằm chết ở đó. Mấy ngày sau khi “ông hổ” chết, người dân trong làng ra xem thì mới phát hiện ra là xác của ông quan triều đình.
Từ đó dân làng đã lập đền thờ “ông hổ” tại khu rừng Đống Go (nay gọi là Miếu Go) và trong làng cũng lập các đình thờ 4 người anh em đánh hổ kia. Kể từ đó, hàng năm cứ đến ngày mồng 1 tháng 4 âm lịch, lễ chính hội “Đuổi Bệt” của người dân Vọng Lỗ lại được tổ chức.
Đặc sắc ngày hội
Trong lễ hội “Đuổi Bệt” có nhiều nghi thức hoạt động khác nhau, song chủ yếu nội dung chính của ngày hội là nhằm tái hiện lại các trận đánh (hay còn gọi là lễ hội “Tuôn tòng sự tích” ) của 4 anh em một dòng tộc trong làng với “ông hổ”. Để chuẩn bị cho sự tái diễn này, cũng có khá nhiều chi tiết đặc thù được các dòng họ trong làng chuẩn bị khá thú vị và ly kỳ. Thường cứ vào độ trung tuần tháng 3 âm lịch họ lại đi tìm tre đan lốt hổ, chọn gậy để đánh hổ. Riêng tre dùng để đan lốt hổ phải là tre lấy tại Miếu Go (nơi “ông hổ” thác) và từ trước đến nay cũng chỉ duy nhất có một dòng họ Nguyễn ở làng mới được đan lốt hổ ấy. Việc đan bao nhiêu que nan, dày, mỏng, to nhỏ, dài ngắn, cách thức đan như thế nào, ngoài người đan ra, mọi người trong làng đều không được rõ. Chỉ biết áo lốt hổ có diện tích chừng 60 x 80cm được phất giấy quét vẽ sơn son. Mỗi năm, sau khi làm lễ rước các thánh từ 3 đình bên về đình Công Đồng làng Tượng (đình thờ người anh cả) sau đó làm lễ xin âm dương, rồi rước thánh (gồm có hòm sắt cùng chân nhang) đi theo phía đông của đình vào lúc nửa đêm chỉ có rước vào nhà ở làng Tượng. Tiếp đó, chọn ra các hộ tiêu biểu của làng, rồi xin âm dương tiếp, nếu nhà nào được chọn làm nhà trọ cho đội thợ đến đan lốt hổ, thì nhà đó duy nhất chỉ có chủ nhà ở lại phục vụ cơm, nước cho đội thợ đan, còn các thành viên trong gia đình phải sơ tán đến khi nào đan xong đưa lốt hổ rước ra đình mới được trở về nhà. Những ngày diễn ra đan lốt hổ, người thợ đan phải ăn chay, đêm nghỉ tại đó không được về nhà và người trong làng cũng không được đến xem, nếu nhà nào có người qua đời đều không được đánh trống, thổi kèn linh đình, loa truyền thanh của làng cũng không được phát (trước đây ở làng còn không được giã gạo, xay lúa). Sau khi đan xong lốt hổ và làm lễ rước thánh ra đình xong (cũng vào lúc nủa đêm) các hoạt động trong làng mới được trở lại như bình thường. Việc rước áo lốt hổ ra ngoài đình cũng phải diễn ra vào lúc nửa đêm.
Còn người được chọn đóng “ông Bệt” (người em nuôi) nhất quyết không phải là người dân của làng Tượng, mà phải chọn ra các trai đinh của ba làng (đệ nhị, đệ tam, đệ tứ) và đặc biệt người được chọn đó nhà không được có tang, rồi vào ban đêm được đưa ra đình làm lễ xin âm dương. Khi người nào được công bố chọn đóng “ông Bệt”, thì từ hôm đó người đóng phải ăn chay, kiêng kỵ cho đến trưa ngày 1/4 phải có mặt tại địa điểm chuyên vẽ “ông Bệt”. Nhà chuyên là nơi để vẽ “ông Bệt” từ trước đến nay là nhà chỉ có con nuôi, chiếc gậy để đánh lại “ông hổ” cũng chỉ được lấy duy nhất tại một nhà ở trong làng (khóm tre nằm tại sau đình thờ ông đệ tứ, thuộc làng Gia). Từ xưa đến nay, khóm tre trên ngoài việc để chặt gậy phục vụ lễ hội ra, bất kỳ ai đều không lấy dùng làm việc gì khác. Chọn gậy đánh hổ cũng khá kỹ lưỡng công phu, phải là cây tre thẳng, không sâu, không trầy xước, đen rám... phần ngọn để lại cả cành, lá dùng làm cành con cao thờ cùng với áo lốt hổ.
Trong quá trình ở trong nhà vẽ “ông Bệt” thì ở ngoài đình tế lễ (gọi là Tế Giã), trước khi tế lễ các làng tổ chức kéo quân hò reo, đánh trống múa cờ, rồi tổ chức kéo chữ ở đình và tế 3 tuần. Sau khi thợ vẽ trong nhà điểm nhãn (vẽ mắt) xong thì cũng là lúc đội tế ngoài đình cũng kết thúc. Lúc đó “ông Bệt” vùng đứng dậy dũng mãnh, nếu có giấy, hồ, lọ sơn… “ông Bệt” dẫm đạp phá phách hết, rồi chạy ra đình. Lúc chạy ra đình người làng cầm cờ che mặt, khi ra đến đình người làng đưa gậy cho ông, rồi “ông Bệt” cầm gậy múa và dân làng đánh trống hò reo. Tiếp đó, “ông Bệt” vào đình 3 lần, mỗi lần vào khi ra sân đình “ông Bệt” lại nằm vật ra và có người túc trực phụ vụ khiêng dậy (tượng trưng cho 3 lần thua trận). Đến lần thứ 4 “ông Bệt” đánh thắng rồi quay trở về ao của nhà vẽ, lội xuống tắm. Trên đường "ông Bệt" chạy về ao, dân làng chạy theo hò reo. Còn lại, áo lốt hổ để bên trong hậu cung ở đình được một người con trai làng Tượng đội làm “ông hổ” và cầm cành con cao (ngọn tre để cành lá) chạy ra múa trước đình 3 lần, rồi chân tập tễnh chạy ra thẳng Miếu Go (tượng trưng cho trận đánh cuối cùng bị thua trận). Người đội áo lốt hổ, cầm cành con cao chạy đến đâu, người dân chạy đuổi theo đến đó nhằm rứt lá tre hoặc tranh nhau nhặt lá tre rơi rụng xuống đưa lên miệng ăn gọi là hưởng lộc thánh. Còn tấm vải phủ ngoài áo lốt hổ, khi ra khỏi đình được giữ lại dùng để phân phát cho những người trong làng có công đóng góp vào việc tổ chức lễ hội năm đó. Riêng chiếc áo lốt hổ để ở Miếu Go sau chừng nửa tháng thì đem hóa tại giếng thần nằm ngay sau khóm tre thiêng ở miếu. Đến tối ngày 1/4 âm lịch các đình tổ chức làm lễ rước thánh hồi cung là lễ hội kết thúc.
Lễ hội Đuổi Bệt ở làng Vọng Lỗ là một lễ hội độc đáo ở Thái Bình, hàng năm thu hút hàng chục ngàn du khách thập phương kéo về dự hội. Hội làng được bắt đầu mở từ ngày 20/3 đến hết ngày 1/4 âm lịch. Do mang đậm những nét riêng độc đáo, nên nhiều năm qua lễ hội Đuổi Bệt của làng đã được nhiều học giả, nghiên cứu sinh… về tìm hiểu và nghiên cứu.
(Nguồn: www.thaibinh.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch