Lễ hội
Lễ hội khao quân làng Tích Sơn
Hàng năm tổ chức lễ hội và các kỳ tiệc lệ đều đặn, trong đó lớn nhất là tiệc khao quân mồng 3 tháng giêng. Đây được coi là tiệc chính, trước đây cả phần lễ và phần hội đều tổ chức chính ở đình Cả thuộc làng Tiếc (hay Thiếc), còn tại các đình, đền, miếu khác thuộc các làng còn lại chỉ dâng lễ như thường kỳ. Từ năm 1947, khi đình Cả bị phá hủy đến nay, tiệc khao quân chuyển làm ở miếu Đậu, song vẫn mang tính chất hàng xã vì dân trong năm làng Tích Sơn vẫn cùng tham gia vào mọi nội dung công việc của lễ hội.
Theo dân gian thì lễ hội gắn với tích truyện về Thất vị Đại vương họ Lỗ. Chuyện rằng: Vào đời nhà Trần, giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh, vua quan nhà Trần vừa chặn đánh giặc vừa truyền hịch tìm người tài ra giúp nước. Lúc bấy giờ ở trang Bồ Lý (nay là xã Bồ Lý, huyện Lập Thạch) có 7 anh em (6 trai, 1 gái) con ông Lỗ Văn Trọng và bà Khổng Thị Liên, được nhân dân mến phục vì đức độ, tài giỏi. Theo lời hịch, 7 anh em lập trại tụ nghĩa ở núi An Sơn (khu đồi Cao, P.Ngô Quyền nay), núi Đinh (xã Kim Long) và núi Chống (P.Khai Quang), lại được vua ban chức tước và cử trông giữ đạo Sơn Tây. Tháng giêng năm Mậu Ngọ (1258) quân ta mở cuộc tiến công quyết liệt vào trại giặc ở Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng khoảng phía trên cầu Long Biên, Hà Nội ngày nay), quân Mông Cổ bị đánh bật ra khỏi kinh thành, tháo chạy theo đường sông Hồng về phía Bắc. Lúc ấy, 7 anh em họ Lỗ đã tuyển mộ được thêm một số nghĩa binh ở Bồ Lý và đang trên đường truy kích giặc. Để tăng sĩ khí, tiệc khao quân được mở. Tuy nhiên, nước đun chưa sôi, lợn chưa cạo đã thấy tiền đạo quân giặc tới, lệnh lên đường liền ban ra, dân làng vội chia thịt sống cho binh sĩ, riêng thủ lợn thì dành cho 7 tướng. Hôm sau, 7 tướng chia quân làm 3 đạo vây chặt quân giặc, đại chiến một trận, chém được tướng giặc và hơn nghìn quân… Về sau, khi cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ kết thúc thắng lợi, vua Trần đã làm lễ phong thưởng và ban đất đai. Khi 7 tướng hóa thân về trời, vua sắc phong cho 7 vị là Đại vương, cho lập đền thờ ở Bồ Lý, hàng năm quốc tế, đồng thời xuống chiếu cho các làng xã thuộc những nơi Thất vị Đại vương đã đóng đồn, tuyển quân đều được lập đền thờ họ (trong đó có 5 làng Tích sơn).
Nhân dân 5 làng Tích Sơn nhớ đến công lao của Thất vị Đại vương, hàng năm mở lễ hội lớn, có các cuộc trình diễn mô phỏng sự kiện và khung cảnh tiệc khao quân ngày trước, với các nội dung như: tế lợn, kéo cơm, sát kê chiêm túc, tế cờ, kéo co…. Tất cả diễn ra trong một không khí rất khẩn trương, náo nhiệt với cảm giác như rất gấp gáp, rất vội vàng của đoàn quân sắp sửa xung phong ra trận.
Để có một lễ hội đầy đủ nghi lễ và đúng chuẩn mực theo phong tục cổ truyền thì người ta phải chuẩn bị các việc cần thiết từ cuối năm trước, trước lễ hội từ 1 đến 2 tháng. Bao gồm có các công việc cụ thể như sau:
Trước tiên là chuẩn bị về nhân lực cho lễ hội: Chức sắc trong làng căn cứ vào lứa tuổi và điều kiện gia cảnh của trai đinh trong làng mà chọn người tham gia hay phục vụ trong lễ hội. Theo tập quán ở đây thì con trai từ 8 tuổi trở lên, tùy theo hoàn cảnh gia đình mà được phép sửa lễ ra lềnh (còn gọi là lễ nhập lạp). Sau khi lễ nhập lạp (nhập đinh) trong năm tổ chức xong, căn cứ vào tuổi đời người ta xếp trai đinh trong làng thành các bàn khác nhau, mỗi bàn 3 người. Các bàn 1, 2 là những người cao tuổi nhất, giảm dần ở các bàn 3, 4, 5… Thường thì đến bàn 5,6 là đến các thanh niên ngoài 20 tuổi, khỏe mạnh nhất, được chọn làm bàn sửa sang, chuẩn bị các công việc phục vụ khi có việc làng, khi lễ hội.
Trong việc chuẩn bị đồ lễ thì đáng chú ý nhất là việc chuẩn bị lợn tế. Vì đây là một nội dung rất quan trọng trong lễ hội. Từ tháng Một (tháng 11 âm lịch) năm trước, các chức sắc trong làng cùng các cụ thượng (những người cao tuổi nhất) họp bàn về việc tổ chức lễ hội mùng 3 tháng Giêng năm sau. Sau khi đã định ra được chương trình, quy mô lễ hội, thì tiến hành dẵm lễ (tức chuẩn bị lễ) và thực chất là chọn lợn lễ. 18 trai đinh bàn 5,6 của mỗi giáp Đông, Tây được cử đi dẵm lễ có nhiệm vụ rà soát chọn ra mỗi giáp 3 con lợn lễ, tổng cộng là 6 con. Phải chọn lợn đen tuyền, cân nặng khoảng 40-50 kg. Chủ nhà có lợn phải là nhà không có tang, con cháu đức độ. Chọn xong phải cắt cử người thường xuyên trông nom đôn đốc chủ nhà chăm sóc lợn lễ chu đáo. Đến tối đêm 30 tháng ấy thì quyết lễ, lấy lợn của nhà nào thì đốt đuốc đến khua ở cửa chuồng để báo cho gia đình đó là làng đã chọn lợn của nhà làm đồ lễ. Các trai đinh bàn 5,6 lại đi chọn các gia đình song toàn, không có tang, không có người mang thai để đặt chuồng nhốt lễ. Ngày rằm tháng Chạp thì làm chuồng nhốt lễ, mỗi giáp làm một chuồng bằng tre tươi, chia 3 ô để nhốt mỗi ô một con lợn lễ.
Tối 23 tháng Chạp, trai đinh bàn sửa sang lại được cử đi bắt lễ về chuồng. Trước khi đi cũng phải chuẩn bị mỗi giáp 1 cũi đựng lợn cũng đóng bằng tre tươi, kích thước khoảng dài 1m2, rộng 80cm, cao 75cm. Khoảng 8h tối thì đi bắt lễ, 2 đoàn, mỗi đoàn 6 người: Đi trước là một người lớn tuổi nhất bàn, 4 người đi sau khiêng cũi và một người nữa cầm lọng che. Đoàn người lặng lẽ đến thẳng những nhà có lợn lễ, mở cửa chuồng xua lợn vào cũi rồi mang về thả vào chuồng nhốt lễ, lần lượt như vậy cho đến hết 6 con lợn lễ. Trong khi bắt lợn, gia chủ phải im hơi lặng tiếng coi như không biết, có chó cũng phải nhốt lại… Nhốt lợn lễ cũng phải theo thứ tự: ô giữa lễ nhất, ô bên phải nhốt lễ nhị, ô bên trái nhốt lễ tam.
Sau đó mỗi giáp cử ra 2 trai đinh cũng đủ tiêu chuẩn (gia đình phong quang, vợ không mang thai) làm nhiệm vụ chăn nuôi lợn lễ của giáp mình. Các thức cho lợn ăn phải sạch sẽ, rau củ trồng ở ruộng không có mồ mả, nước giếng sạch được gánh bằng chĩnh sành và cám gạo. Sau đó một tuần, đến ngày 30 tháng Chạp thì cho lợn ăn cháo gạo.
Phần lễ được bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng Giêng với các nghi thức “khai chuông, khai khánh, trả tiền, cướp lễ”. Sáng ngày hôm đó, trai đinh 2 giáp tập trung ở chùa Ngũ Phúc (làng Tiếc) làm lễ khai chuông, khai khánh. Khi trai làng đang thụ lộc, người chủ trì đến ban thờ Đức Ông lấy một số tiền cúng ở đó đưa cho 2 người đi đầu đoàn bắt lễ hôm trước, gọi là 2 ông vác tiền. Khi có hiệu pháo nổ thì 2 ông vác tiền đi đầu, theo sau là trai đinh bỏ dở tiệc chạy về một địa điểm đã chuẩn bị sẵn gọi là nơi trú quân và phải tập trung ở lại nơi này không được đi đâu, đói thì có người nhà mang cơm tới. Đến chập tối, khoảng giờ Dậu, 2 ông vác tiền lại dẫn đầu đoàn người 2 giáp chạy về các gia đình đã có lợn được chọn làm lễ để thực hành nghi thức trả tiền: đưa một vài đồng xu cho gia chủ mang tính chất tượng trưng (còn đến mùa lúa làng mới trả toàn bộ số tiền). Sau đó các đoàn về lại nơi “trú quân” đợi đến giờ Hợi (khoảng 9-10h tối) lại theo 2 người dẫn đầu lặng lẽ vào các gia đình có chuồng nhốt lễ để chuẩn bị cướp lễ. Đến giờ cướp lễ, theo hiệu lệnh của người dẫn đầu, trai làng xông vào phá chuồng cướp (bắt) lợn lễ. Tuy nhiên, chỉ được cướp lễ nhị và lễ tam, còn lễ nhất thì dành riêng cho người chăn lễ. Người ta cho rằng ai bắt được lợn lễ thì năm đó được lộc, gặp nhiều may mắn. Thế nên cuộc cướp lễ diễn ra hết sức náo nhiệt với sự tham gia quyết liệt của các trai đinh trong tiếng hò reo cổ vũ của dân làng. Người nào bắt được lợn lễ liền trói chân lợn lại rồi nhờ 1 người nữa khiêng ra đình. Thường đến khoảng gần 12h đêm là xong cuộc cướp lễ, cả 6 con lợn lễ của cả 2 giáp đã được đưa về đặt ở 2 bên trước cửa đình.
Lễ gieo chân keo: tức là lễ gieo đài (đồng tiền âm dương) được thực hiện sau khi đã sang ngày mới, tức là qua 12h đêm. Cụ mệnh bái đại diện cho làng vào đình làm lễ, lễ xong thì gieo chân keo để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân khang vật thịnh, … Sau mỗi một lời khấn cầu là một lần gieo, dù xấp hay ngửa cũng chỉ gieo một lần. Cầu xong lại gieo chân keo để xin chọn người thủ dịch (người hầu hạ thánh) trong năm. Người đầu tiên được xin thánh chọn là người chăn nuôi lợn lễ của 2 giáp, gieo một lần, được thì thôi, không được thì đến lần lượt những người đã thắng trong cuộc bắt lễ, không được nữa lại đến những người đi khiêng lễ theo thứ tự nhất, nhị, tam rồi đến 2 “ông vác tiền”….
Khai đao giết lợn: là phần mở đầu cho cuộc đại tiệc. Cụ mệnh lệnh cho 2 người thủ dịch mới được chọn cần một thanh tre to bản (7-8cm), dài 50cm đến đánh vào mông lợn một cái, rồi trai đinh của 2 giáp, lúc này đã được chuẩn bị từ trước: đầu đội khăn xếp, cởi trần, tay cầm dao phay sắc, liền xông vào giết lợn: cắt sỏ, khoét mông, xả thịt làm cỗ. Chú ý, lợn phải để nguyên lông, không cạo, không chọc tiết. Mỗi giáp sắp lễ nhất của mình gồm có sỏ, đuôi mông, tim gan và 3 bát tiết bày trên mâm bồng lớn dâng tại đình. Thịt vai lấy ở lễ nhất đem dâng ở miếu Tướng (thờ nữ tướng Lỗ Thị Bảy – người em út, nay thuộc phường Tích Sơn). Số thịt còn lại nhúng qua nước sôi rồi sắp thành 3 mâm lễ (gọi là cỗ chín), mỗi mâm gồm: 1 đĩa 9 miếng thịt và 1 đĩa 4 miếng thịt thái mỏng to bằng bàn tay, 3 mâm lễ này dâng lên đình 2 mâm, dâng miếu Tướng 1 mâm.
Kéo cơm: được hiểu là kiểm tra cơm, thực chất là một cuộc nấu cơm thi. Theo quy đinh, trai đinh từ bàn 7 trở đi, mỗi người phải nấu một nồi cơm ở nhà, đến trước giờ Thìn (7 giờ) sớm mùng 3 tháng Giêng phải đem cơm ra đình, xếp 3 nồi một bàn, các bàn xếp thành 2 dãy (tương ứng cho mỗi giáp). Yêu cầu cơm dự thi là: nấu bằng nồi đất mới, mỗi nồi nấu chừng 1 đến 1,5kg, tức là bằng một đấu gạo. Cơm đạt tiêu chuẩn là phải vừa chín tới, dẻo nhưng không nát, đầy lùm ở miệng nồi, mặt nồi cơm phải mịn như cơm nắm, nồi cơm không được để có vết nhọ… Để nấu được một nồi cơm đạt yêu cầu theo như các cụ già kể lại là phải chuẩn bị hết sức cẩn thận và kỹ càng: gạo tám xoan hoặc dẻ hương… phải đều hạt, được phơi đủ nắng, thơm, giòn; củi nấu phải nỏ (cháy đều và nhiều nhiệt) được chẻ mỏng, hoặc phải nấu hầm than để nồi không có vết nhọ; muốn cho mặt cơm được mịn như cơm nắm thì phải có nồi nước sôi bên cạnh để khi vừa chín cơm lấy lá mít nhúng nước sôi vuốt lên mặt cơm là được.
Nồi cơm nào đạt đầy đủ các tiêu chuẩn, lại thơm dẻo và trông đẹp mắt nhất được chọn lựa lấy mỗi bàn 2 nồi dâng lễ thánh. Các nồi cơm lễ sau được chia cho các chức sắc và những người ngồi từ bàn 1 đến bàn 6, nồi cơm còn lại trong bàn được chia đều cho người của bàn ấy. Lưu ý khi chia cơm phải dùng cật tre nhẵn xắn từng miếng mỏng lấy ra khỏi nồi. Trường hợp cá biệt, nồi cơm nào mắc quá nhiều lỗi: cơm sống, nồi bẩn… sẽ bị làng phạt vạ.
Sát kê, tế cờ, kéo co: Cuối giờ Thìn, thực hành lễ “sát kê chiêm túc” (giết gà xem chân) cụ mệnh bắt một con gà trong số 7 con gà được chọn từ đám gà lệ của các trai đinh nộp lên khi chuyển bàn (từ bàn 4 lên bàn 3), sau đó ôm gà vào đình lễ bái, xong lễ trai làng đứng hai bên cửa đình chạy vào cướp gà từ tay cụ mệnh và phá lồng lấy 6 con gà còn lại cắt tiết, nhúng nước sôi và vặt lông, không cần sạch, để lại lông đuôi, mổ bỏ lòng, để lên mâm bồng lễ sống. Tuy nhiên phải thật nhanh, giáp nào xong trước dâng lễ lên thánh trước thì năm đó sẽ được nhiều phúc lộc. Sau khi 7 con gà đã được làm xong, cụ mệnh làm lễ kính thánh lễ gà cùng với lễ cơm, sau đó đến lượt các trai đinh vào làm lễ. Lễ xong vác cờ thần ra trước cửa đình, nổi chiêng dóng trống, theo 2 người thủ dịch bưng lễ trầu cau đến một địa điểm đã chọn cách đình chừng 100m, ở đó đắp sẵn một mô đất gọi là mô cờ, làm lễ tế cờ. Khi tập trung đông đủ, không khí lúc này trở nên trang nghiêm, tất cả mọi người đều hướng về phía Tây Bắc (hướng Tam Đảo – Bồ Lý – Quê hương của Thất vị Đại vương) và theo thủ dịch làm lễ tế cờ. Xong lễ cả đoàn người về đình tham gia kéo co dưới sự điều khiển của trai đinh “bàn sửa sang” – bàn 6, trai đinh 2 giáp mình trần đội khăn xếp với số người ngang nhau, mỗi giáp một đầu dây song, kéo co trong tiếng hò reo của dân làng và tiếng trống chiêng náo nức. Kéo co diễn ra trong 3 hiệp, sau mỗi hiệp các trai đinh phải vào đình làm lễ. Về thực chất việc kéo co cũng mang tính “làm phép” nên thường thì giáp này thắng 2 trận, còn để giáp kia thắng 1 trận. Kéo co xong thì vừa xong việc chuẩn bị sắp xếp bày biện cỗ bàn, quan viên và trai đinh vào đình theo thứ tự thụ lộc lấy phần.
Phần lễ (hội) đến đây là kết thúc. Tuy nhiên, tùy theo từng năm mà phần hội vui khỏe có thể có thêm các trò chơi khác như vật, đánh đu… hay các tiết mục văn nghệ dân gian như: hát, múa….
Lễ hội “khao quân” của 5 làng Tích Sơn thực ra chính là một lễ hội gắn với tín ngưỡng cầu mùa, cầu mưa của các cư dân nông nghiệp trồng lúa. Được bao phủ và mang ý nghĩa lịch sử gắn với một sự kiện hào hùng của dân tộc.Chẳng hạn việc thực hiện liên tục các nghi lễ, nghi thức một cách nhanh nhẹn, khẩn trương, gấp gáp như trực chiến vậy, các lễ vật cũng trong trạng thái dường như là được làm vội vàng, dang dở... Một không khí của ngày hội khao quân bất ngờ có lệnh lên đường được tái hiện thật rõ nét, thật sinh động. Tuy nhiên,các hình ảnh như: lợn tế chưa cạo lông, gà lễ để cả lông đuôi…thường là các biểu tượng cầu được mùa, cầu mưa, cầu sự sinh sôi nảy nở trong các lễ hội nông nghiệp. Với hàng loạt các nội dung phong phú ấy, có thể coi lễ hội này là một trong những giá trị văn hóa phi vật thế tiêu biểu, rất đáng được chúng ta quan tâm, tìm hiểu, đi sâu nghiên cứu để phục dựng bảo tồn và phát huy với ý nghĩa là một nét văn hóa đặc sắc của cả vùng Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc.
(Nguồn: vinhphuc.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch