Lễ hội
Lễ hội nghinh Ông Bạc Liêu
Nghinh Ông là lễ hội đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt, thưởng thụ văn hóa, tín ngưỡng của bà con vùng biển. Lễ hội năm nay, ngoài giỗ tổ truyền thống của ngư dân còn là dịp để Bạc Liêu quảng bá hình ảnh, giới thiệu phong tục, tập quán của ngư dân miền biển đến người dân trong và ngoài nước, khách du lịch phương xa.
Ngoài các hoạt động truyền thống như ôn lại truyền thuyết "Cá ông" và việc hình thành lễ hội, cúng bái các vị thần, lễ hội còn diễn ra các hoạt động mới, lạ như trưng bày sách, tranh, ảnh, hiện vật có liên quan đến nghề cá thu hút nhiều người tham quan.
Vùng ven biển Cà Mau nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có 3 mặt giáp biển: Đông giáp biển Đông, Nam giáp vùng biển Malaixia, Tây-Nam giáp vịnh Thái Lan. Từ năm 1991, vùng này có tên gọi Đặc khu kinh tế bán đảo Cà Mau, còn gọi là vùng Nam sông Hậu. Đây là vùng đất vừa có nét chung của đồng bằng sông Cửu Long lại vừa mang những nét riêng của một vùng bán đảo.
Vị trí địa lý ấy khiến vùng ven biển Cà Mau mang đậm tính chất biển đảo, có đặc điểm tự nhiên không đồng nhất với những vùng đất cùng khu vực. Biển, rừng, hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tạo ra những thử thách cho các thế hệ cư dân nơi đây, buộc họ luôn phải tìm chỗ dựa tinh thần để vượt qua những khắc nghiệt của cuộc sống. Đó chính là cơ sở để các lễ hội, các tín ngưỡng về ngư nghiệp hội tụ và phát triển vừa phong phú, vừa phức tạp.
Đặc điểm xã hội nhân văn của vùng đất này cũng có sự tương đồng và dị biệt. Đây là vùng đất có lưu dân từ các vùng miền khác hội tụ về, mang theo và tạo nên sự đa dạng văn hóa, thể hiện qua hệ thống tri thức dân gian, phong tục tập quán, các hình thức tín ngưỡng, văn nghệ dân gian, trong đó có kho tàng lễ hội, đặc biệt là lễ hội Nghinh (1) Ông.
Lễ hội Nghinh Ông vùng ven biển Cà Mau là điểm dừng trong dòng chảy liên tục của văn hóa dân gian ven biển từ Bắc xuống Nam, vừa kế thừa những di sản văn hóa lâu đời của dân tộc Việt, vừa sáng tạo bổ sung thêm những nét đặc trưng phong phú, sinh động của văn hóa bản địa. Đó là nền văn hóa nông nghiệp và vùng văn hóa ven biển, đánh dấu mốc khởi đầu của kinh tế biển, nền kinh tế mũi nhọn vốn được xem là đòn bẩy để vực dậy nội lực phát triển của vùng ven biển Cà Mau.
Bước đầu, qua đối chiếu, so sánh với lễ hội Nghinh Ông tại một số địa điểm ven biển miền Trung và Tây Nam Bộ, ngoài những nội dung mang tính đồng nhất có thể khái quát một vài điểm được xem là khác biệt.
Về thời gian: Hàng năm, lễ hội Nghinh Ông vùng ven biển Cà Mau tổ chức bắt đầu từ 14-2 đến 16-2 âm lịch trong khi hầu hết các lễ Nghinh Ông ở miền Trung và các tỉnh giáp biển của miền Tây Nam Bộ đều tổ chức từ tháng 6 âm lịch trở đi. Chẳng hạn lễ hội Nghinh Ông ở xã Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, TP.HCM, tại Thắng Tam, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức vào rằm tháng 8; tại Vàm Láng, Gò Công Đông; tại Vĩnh Luông, tỉnh Vĩnh Long tổ chức vào ngày 16-6. Qua đối chiếu, việc tổ chức vào ngày rằm thì tỉnh nào cũng giống nhau, vì ngư dân chỉ ra khơi đánh bắt thủy sản vào những đêm trời không có trăng. Ngày rằm hàng tháng, đánh bắt sản lượng không cao, ngư dân thường vào bờ, đó là thời điểm hợp lý để tổ chức lễ hội. Nguyên nhân tạo điểm khác biệt về thời điểm trên là do đặc điểm vùng ven biển Cà Mau từ tháng 5 trở đi, thời tiết khó khăn, biển động thường xuyên, đi biển rất nguy hiểm. Còn vào tháng 2-3 thì trời yên, biển lặng, lại vào mùa xuân tiết trời êm dịu, đặc biệt là thời điểm thu hoạch được mùa hải sản lớn nhất trong năm. Chính từ sự thuận lợi về điều kiện không gian, thời gian, tự nhiên, xã hội nên các ngư dân đã chọn cúng Ông vào ngày 14 đến 16-2 âm lịch hàng năm.
Về địa điểm: Thường Lăng Ông phải ở cửa biển, bờ biển, vàm sông (2). Ngư dân có tâm lý trước khi ra khơi phải cúng tế xin phép và cầu Ông phù hộ may mắn nên lăng, miếu luôn ở gần con đường lưu thông của tàu bè. Tuy nhiên, do tính chất bồi lắng mạnh của vùng ven biển Cà Mau, hàng năm trung bình từ 80-150m đất, khiến biển đã lùi xa hàng vài chục cây số nên một số Lăng Ông bị bỏ hoang phế, cùng với nó là các tri thức dân gian, kỹ thuật về ngư nghiệp vùng ven biển và các làng nghề ngư nghiệp một thời trù phú cũng mất đi. Hệ tín ngưỡng cũng chuyển dần từ tín ngưỡng thờ cá Ông sang tín ngưỡng thờ Mẫu
Vật hiến sinh: Gồm heo quay và heo sống, giết thịt, để cả con cùng hương hoa, trà, rượu. Có nơi cúng gà vịt và những vật phẩm mà dân tự sản xuất ra. Do quan niệm cá Ông ăn cá nên khi cúng Ông không cúng chay mà cúng mặn (3). Một nghi thức đặc biệt quan trọng là khi cúng phải làm thủ tục chia phần hiến tế. Ông chủ tế lật bụng vật hiến sinh lên, dùng dao huơ dọc, ngang trên thân con vật, biểu thị là đang phân chia vật phẩm hiến tế cho các thần linh, thực hiện 3 lần để chia cho đủ, nếu không thì linh thần quở trách suốt năm, làm ăn không khấm khá. Thủ tục này được thực hiện rất cẩn trọng với tâm tưởng “ăn đồng, chia đủ”, thật công bằng.
Lễ diễu hành Nghinh Ông: Ngư dân cho rằng hướng Tây - Nam là hướng Thần Nam Hải đang ngự trị - hướng Phúc. Theo những nghiên cứu về khí tượng thủy văn thì hướng Tây của biển Đông là lục địa, tại vùng biển Cà Mau hướng Đông thuộc hướng của những cơn bão hình thành và đổ bộ vào bờ - hướng Họa. Dân gian cho rằng hướng Tây - Nam là hướng trời yên biển lặng. Với quan niệm cầu mong hạnh phúc, bình yên nên các đoàn diễu hành lễ Nghinh Ông vùng bán đảo Cà Mau thường đi về hướng Tây - Nam. Đây là điểm khác biệt quan trọng về quan niệm hướng Phúc và hướng Họa, từ đó nó làm chuyển hướng hành trình diễu hành so với các đoàn Nghinh Ông vùng ven biển miền Trung.
Các điều kiêng cữ: Trong ngôn ngữ, kiêng không được gọi cá Voi là con cá mà phải gọi là Ân ngư, là Ông cá. Cá Ông chết gọi là Ông lụy, xương cá Ông gọi là Ngọc cốt, khi hành lễ phải xưng Ông là Đại Càn Nam Hải Đại Tướng Quân, khi cúng tế phải gọi Cung nghinh, thỉnh Ông...
Trong hành vi, chánh tế phải là đàn ông lớn tuổi, kiêng đàn bà con gái ngồi trên mòi tàu đánh cá, mỏ neo tàu, hoặc bước ngang chân qua ụ tàu; kiêng phụ nữ đang “dơ mình” bước vào chánh điện thờ Ông; kiêng việc nam nữ giao phối trên tàu lúc neo đậu cũng như ra khơi, không được tự ý xê dịch bàn thờ trên tàu; kiêng cho súc vật như kỳ đà, mèo, rùa xuống tàu sợ chậm, sợ xúi quẩy, không may mắn....
Các điều húy kỵ, kiêng cữ trong tục thờ cá Ông vùng ven biển Cà Mau đã tạo ra một ranh giới giữa tục và thiêng, giữa thực và ảo, giữa thiện và ác. Nó trở thành nếp sống cộng đồng của ngư dân, là phương thức điều chỉnh hành vi, lối sống, thái độ ứng xử với môi sinh tự nhiên, với biển và vạn vật một cách hài hòa, tốt đẹp nhất. Phải thấy rằng, trong quá trình tha hương vào khẩn hoang vùng đất mới Cà Mau, lưu dân đã mang theo những giá trị truyền thống của dân tộc về vùng đất cực Nam này. Ngư dân vùng biển Cà Mau sớm có ý thức về bản thân, về cộng đồng và góp phần xây dựng đạo đức, lối sống trong làng xã theo những chuẩn mực tiến bộ, mang tính nhân bản, xã hội được điều khiển bởi ý thức cộng đồng chứ không phải là “luật rừng”, mạnh được yếu thua.
Trong lễ hội Nghinh Ông, việc lưu giữ những “qui điều, qui vạn” và bổ sung, cải cách qui điều, qui vạn rất được quan tâm. Tồn tại gần một thế kỷ, các qui điều vốn là những định chế rất đơn giản như: Sùng kính cá Ông như thế nào? “Tạ lễ, tạ thâm ân của cá Ông”... ngày nay đã trở thành một bản “hương ước”, vừa có tính định chế vừa có tính giáo dục. Qui điều đặt ra thái độ ứng xử của vạn viên với nhau “khi thấy tín hiệu của ngư phủ bị nạn, hoặc ngư thuyền, ngư cụ bạn gặp sự cố trên biển, các tàu bạn phải cứu giúp kéo vào bờ. Nếu không thực hiện thì bị khai trừ vĩnh viễn ra khỏi vạn”(4).
Thông qua lễ hội Nghinh Ông, ý thức trân trọng và tôn tạo di tích văn hóa, lịch sử được người dân tự giác thực hiện. Từ trước đến nay việc bảo tồn và trùng tu di tích lăng cá Ông đều do nhân dân tự nguyện đóng góp, xây dựng, mở mang kiến trúc di tích như một biểu tượng tiêu biểu của vùng ven biển Cà Mau. Ngoài tính tự nguyện tự giác thì trách nhiệm này cũng được ghi cụ thể trong “qui điều, qui vạn” thông qua hiến tế và quyên góp tự nguyện, bình đẳng và công khai.
Việc thờ cúng cá Ông vùng ven biển Cà Mau cũng đồng nghĩa là việc thờ cúng Thành hoàng, tổ nghiệp, thể hiện thái độ cư xử với quá khứ của cộng đồng ngư phủ. Song song đó là việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Người ngư phủ đặc biệt nghiêm túc trước ông bà tổ tiên, trước “tiền hiền khai khẩn”, “hậu hiền khai cơ” và “hậu công lao”, những người có cống hiến to lớn cho sự tồn tại và phát triển của ngành kinh tế biển nói chung và từng vạn viên nói riêng.
Tổ chức gia đình: Gia đình ngư dân biển rất bình quyền, bền vững và giữ được các giá trị gia đình truyền thống. Người đàn ông là lao động chính, là trụ cột gia đình, gánh vác những công việc nặng nhọc như ra khơi đánh bắt, sơ chế hải sản, bảo quản tài sản ngư lưới cụ. Người phụ nữ giữ vai trò nội trợ, giáo dục con cái, ổn định tổ chức gia đình, chịu trách nhiệm chính trong việc phụng dưỡng cha mẹ, thờ cúng tổ tiên, đồng thời sắp xếp tổ chức việc chế biến hậu kỳ các sản phẩm hải sản như: Phơi, ướp, tẩm vị, chế biến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm thu được.
Lăng Ông có vai trò rất quan trọng trong các sinh hoạt cộng đồng của vạn dân. Đi biển là một nghề khó khăn, nguy hiểm, rất cần sự đoàn kết, sức mạnh tập thể một cách đồng bộ và hợp lý. Do tính chất nghề nghiệp đã tạo nên một tâm lý cộng đồng là tôn trọng tình làng nghĩa xóm, hào hiệp, nhân ái, vị tha, độ lượng. Chính các cuộc lễ hội cũng đã tác động vào quần chúng một trạng thái tâm lý đặc biệt. Mỗi sự kiện của làng vạn, cả vạn đều biết. Chuyện may, cả hội cùng mừng vui chúc tụng, chuyện buồn cả vạn đều chia sẻ động viên. Chính lễ hội Nghinh Ông là biểu tượng tối cao của tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong làng vạn.
Lễ hội Nghinh Ông là ngày hội lớn của cư dân vùng biển. Những nội dung chính của hoạt động giao lưu là thăm hỏi, trao đổi, bàn bạc, phổ biến kinh nghiệm nghề nghiệp, kinh nghiệm đối nhân xử thế, kinh nghiệm về ngư nghiệp, về thời tiết, về y thuật, cứu nạn trên biển, kinh nghiệm về nghề lái tàu, nghề đóng tàu, nghề đi lưới...; các kỹ thuật sản xuất ngư lưới cụ phục vụ từng loại hình khai thác đánh bắt; kinh nghiệm, phương pháp chế biến, bảo quản sản phẩm từ biển; biểu dương những thành tích, những gương mặt tiêu biểu của vạn trong một năm như: Đánh bắt giỏi, bội thu, giới thiệu cách làm mới trong kinh doanh nghề biển, giới thiệu việc cải cách các phương tiện cơ sở vật chất để đánh bắt xa bờ. Ngoài ra lễ hội còn là nơi tiếp thị, maketing cho những dịch vụ biển một cách hợp lý và có tổ chức. Diện mạo của lễ hội Nghinh Ông phản ánh trạng thái tâm lý cộng đồng. Nếu bội thu, thắng lợi thì lễ cúng Ông, việc vui chơi, tiệc tùng, không khí hội rất hồ hởi, thoải mái, khách mời đông đảo. Nếu mất mùa, rủi ro, gặp thiên tai thì phần hội thu nhỏ, phần lễ lớn.
Lễ hội Nghinh Ông vùng bán đảo Cà Mau là kết tinh của văn minh sông nước, biển đảo nơi đây, nó hiện diện với tư cách nhằm thỏa mãn toàn diện cả về vật chất lẫn tinh thần cho cộng đồng ngư dân. Với một vùng đất mới khai phá thì đây là một món quà của thiên nhiên ban tặng, ghi một dấu ấn văn hóa quan trọng. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, đánh giá nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa từ lễ hội Nghinh Ông đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, giữ gìn các làng nghề truyền thống, các tri thức dân gian về ngư nghiệp, góp phần tạo động lực phát triển ngành thủy sản và xây dựng các đặc khu kinh tế biển đảo của vùng bán đảo Cà Mau trong hiện tại và tương lai.
(Nguồn: tourbalo.com)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch