Lễ hội

Lễ hội Nghinh Ông: Tết của ngư dân miền biển Bà Rịa Vũng Tàu

Từ năm 2000, lễ hội Nghinh Ông được Tổng Cục Du lịch chọn là một trong 15 lễ hội lớn của cả nước và được xem là nét đẹp văn hoá tiêu biểu của ngư dân miền biển. Ở TP. Vũng Tàu, lễ hội Nghinh Ông – Đình thần Thắng Tam diễn ra rộn ràng trong ba ngày, từ ngày 16 đến 18/8 âm lịch hàng năm, thu hút hàng ngàn lượt khách thập phương.

Ông Phạm Chí Thân, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Đặc trưng lễ hội của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu là vừa có nét chung của lễ hội dân gian Nam bộ, vừa có nét riêng của ngư dân Bà Rịa – Vũng Tàu. Bởi trong suốt các quá trình lịch sử, Bà Rịa - Vũng Tàu luôn là vùng giao thoa, chuyển tải và ngưng tụ của quá trình hình thành, giao lưu và tiếp biến văn hoá giữa Nam Trung bộ và Nam bộ”. Lễ hội Nghinh Ông và tục thờ cá Ông (cá Voi) cũng là một lễ hội đặc trưng của Bà Rịa – Vũng Tàu. Lễ hội này bắt nguồn từ dạng tín ngưỡng vật tổ của cư dân vùng ven biển nước ta. Theo quan niệm của những ngư dân vùng biển Vũng Tàu, cá Voi là một vị thần thiêng liêng, là chỗ dựa tinh thần của ngư dân mỗi khi đi biển nhất là lúc gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, bị hiểm nguy đe dọa.
Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người dân ở các làng cá ven biển như Bình Châu (huyện Xuyên Mộc); Phước Hải (huyện Đất Đỏ); Phước Tỉnh, Long Hải (huyện Long Điền); Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam (TP. Vũng Tàu)... đều tổ chức lễ hội Nghinh Ông. Nhưng tiêu biểu nhất là lễ hội Nghinh Ông ở Đình thần Thắng Tam. Lễ hội bắt đầu từ sáng sớm với một đoàn Nghinh Ông gồm các vị kỳ lão, kỳ hương, quan hầu… lên một chiếc ghe lớn (có trang trí hoa, cờ, bàn thờ và đoàn nhạc ngũ âm, chiêng, trống, đội múa lân) từ khu vực Bãi Trước đến Miễu Bà (khu vực mũi Nghinh Phong) để dâng hương, rượu và cúng tế. Sau đó, đoàn thỉnh long vị ông Nam Hải về lại đình thần Thắng Tam. Lễ hội Nghinh Ông tiếp tục diễn ra với các nghi lễ: Lễ cúng tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ; thỉnh sắc thần vào lăng ông Nam Hải, lễ xây chầu đại bội, lễ cầu quốc thái dân an… Ngoài ra, lễ hội Nghinh Ông ở Đình thần Thắng Tam còn có các tiết mục múa lân, sư, rồng và diễn tuồng cổ phục vụ khách. Ông Trương Văn Khôi, Trưởng Ban tế tự, Trưởng Ban Quản lý khu di tích lịch sử Đình thần Thắng Tam cho biết: “Lễ hội Nghinh Ông là dịp để bà con ngư dân cầu mong bình yên khi đi biển, đánh bắt được nhiều tôm cá, có cuộc sống ấm no, thịnh vượng, hạnh phúc; đồng thời lễ hội cũng là dịp để mọi người báo nghĩa, đền ơn, uống nước nhớ nguồn…”.

Không chỉ rộn ràng bởi lễ hội của ngư dân miền biển, Đình thần Thắng Tam còn chứa đựng những nét đẹp văn hoá tiêu biểu của kiến trúc đình làng ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Theo truyền thuyết, Đình thần Thắng Tam thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng Thắng (Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam) ở Vũng Tàu là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền.

Kiến trúc Đình thần Thắng Tam có cổng tam quan, nhà tiền hiền, hội trường, đình trung, sân khấu võ ca được xây dựng nối tiếp. Trong đình bài trí nhiều đồ lễ, chạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Ngôi tiền hiền được lợp bằng ngói âm dương, trên mái có hình “Lưỡng long

chầu nguyệt” đắp nổi. Đầu các đòn tay, xà gồ, cột đều chạm khắc hình rồng. Nội thất nhà tiền hiền bày bốn bàn thờ: bàn thờ thổ công, tiền hiền và hậu hiền, tiền vãng và hậu vãng. Hội trường là nơi sinh hoạt của hội viên thuộc hội đình. Tiếp sau là ngôi đình trung, đặt 10 bàn thờ các vị thần. Sân khấu võ ca là nơi diễn tuồng, hát bội khi đình thần có lễ hội.

(Nguồn: Website Bà Rịa Vũng Tàu)

 

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *