Lễ hội

Lễ Hội Phủ Thượng Đoạn

Phủ Thượng Đoạn là nơi thờ Mẫu một trong “Tứ linh từ” theo tín ngưỡng của người Việt. Phủ Thượng Đoạn nằm trên đất phường Đông Hải, quận Hải An.

Lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn hàng năm mở vào tháng 3 âm lịch, được tổ chức theo lối cách nhật. Ngày mồng Một bắt đầu vào hội với tế lễ nhập tịch do dân làng Thượng Đoạn thực hiện. Trước một ngày nhập tịch, dùng lễ trầu, rượu, gà, xôi cáo yết rồi dùng nước thơm tắm thần vị, tắm xong lại lau phủ nước trầm hương một lượt nữa, gọi là lễ mộc dục. Tắm xong thì phong áo mũ đại trào, có thể bằng vải, có thể bằng giấy, xong tế một tuần, gọi là tế gia quan. Ngày mồng hai hợp tế 3 xã là Đoạn Xá, Vạn Mỹ, Thượng Đoạn. Tối mồng hai tổng Hạ Đoạn cử một đoàn chức sắc, chức dịch, lão hạng đến làm lễ yết. Ngày mồng ba tế hàng huyện. Sau đó đóng cửa Phủ từ ngày mồng bốn cho đến hết ngày mồng bảy.

Ngày mồng 8 mở cửa từ sáng sớm, hội lại tiếp diễn, nghi thức tế lễ giống như lần trước. Đặc biệt sáng ngày 11 hội tổ chức đám rước thần tượng chúa Liễu từ Phủ Thượng Đoạn ra chùa Tân (nay là chùa Vẽ) để làm lễ chư Phật, xin nghênh rước kinh sách về Phủ để phối thờ hưởng hội lễ. Đến ngày 14 tháng ba thì tổ chức rước trả lại chùa. Tương truyền trong một kiếp hóa thân, chúa Liễu đã quy Tam Bảo nên lễ hội của Phủ có việc rước kinh phật này nhằm nhắc lại sự tích của Thánh Mẫu.


Hôm tổ chức đám nghênh rước, tất thảy mọi người cùng tham dự, ai được phân công mang vác cái gì đều phải trai khiết, ăn mặc đồ mới, đồ tốt. Người thủ hiệu phải đánh trống từ đêm, để ai nấy vào việc gì sắp sẵn mà đi rước. Rước long kiệu ra đến cửa tam quan thì phải dừng lại chờ các xã trong tổng giao hiếu đến đủ, xếp hàng đâu đấy mới rước đi. Trong khi rước, các xã giao hiếu, xã nào đàn anh thì đi đầu tiên, kế đến là các xã theo thứ tự lần lượt mà đi cuối cùng mới chính là dân Thượng Đoạn. Trong những ngày này, du khách bốn phương từ khắp nẻo đường đổ về tấp nập, áo quần đua sắc ai nấy đều hồ hởi, vui tươi. Trong Phủ khói hương nghi ngút, ngoài sân cờ tán bay phấp phới, người vào Phủ kẻ đến chùa, kẻ ra đền chen chúc ngược xuôi. Ngoài hoạt động tế lễ trang nghiêm, rước sách kính cẩn và vui nhộn, ngày h ội Phủ Thượng Đoạn còn tổ chức một số trò chơi dân gian như : tổ tôm điếm, đánh cờ, hát ca trù, hát chèo, múa rối nước ...để du khách cùng tham dự, đông nhất vẫn là đám hát chầu Thánh Mẫu. Đến ngày 15 tháng ba thì tổ chức lễ tạ cuốn cờ kết thúc hội.

(Nguồn: haiphong.gov.vn)

 

Ý kiến của bạn

Tiêu đề *
Email *
Nội dung
Mã bảo vệ *