Lễ hội
Lễ Hội Phước An Miếu
Lễ hội Phước An miếu diễn ra trong các ngày từ 11 đến rạng sáng ngày 14 tháng 8 âm lịch. Đó là lịch lễ của ba năm tổ chức lễ lớn một lần, có đoàn hát. Những năm còn lại chỉ làm lễ cúng không mời đoàn hát và lễ cúng cũng chỉ diễn ra trong một ngày. Chính lễ là ngày 12 tháng 8 âl.
Như trên đã trình bày, Thất Phủ Đại Nhân là đối tượng thở cúng của Phước An miếu, nhưng trong những ngày diễn ra lễ cúng, theo tục lệ, Quan Thế Âm Bồ Tát cùng Hồng Hài Nhi; Bảo Sanh Đại Đế; Quan Công cùng Châu Xương và Quan Bình vốn được thờ trong chùa Quan Thế Âm cách đó không xa cũng được thỉnh (mời) về miếu Phước An chung vui, dự lễ.
Sáng sớm ngày 10 tháng 8 âl, Ban trị sự cử bảy người đàn ông đến chùa Quan Thế Âm làm lễ rước tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Hồng Hài Nhi, Quan Công, Chu Xương, Quan Bình và Bảo Sanh Đại Đế về miếu Phước An dự lễ. Sau khi Ban Trị sự thắp hương, khấn vái, tượng thờ của những vị này được thỉnh về miếu. Một người thỉnh lư hương, những người còn lại một tay ôm tượng, một tay cầm ba cây hương đi bộ thành hàng dọc về miếu. Sau khi lễ hội Phước An miếu kết thúc, rạng sáng ngày 14 tháng 8, Ban trị sự sẽ làm lễ tiễn Quan Thế Âm Bồ Tát (cùng Hồng Hài Nhi), Quan Công (cùng Chu Xương và Quan Bình) và Bảo Sanh Đại Đế về lại chùa. Cũng xin nói thêm, khi chùa Quan Thế Âm tổ chức cúng lễ, như lễ vía Quan Công vào ngày 13 tháng Giêng âl, lễ vía bà Quan Âm vào ngày 19 tháng Hai âl, Ban trị sự cũng tổ chức thỉnh (tượng) ông họ Tiêu (một trong Thất Phủ Đại Nhân, được cho là có vai trò lớn nhất) tới chùa Quan Thế Âm cùng dự lễ…
Quan sát vị trí các bức tượng được bài trí trong những ngày tổ chức lễ hội chúng ta thấy: Tượng Thất Phủ Vương Gia Công (Thất Phủ Đại Nhân) ở hàng trên, phía sau. Phía trước, chính giữa là tượng thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, sát bên phải là Hồng Hài Nhi. Ngoài cùng bên phải là tượng Bảo Sanh Đại Đế. Bên trái là tượng Quan Công và các con của ông: bên phải là Chu Xương, bên trái là Quan Bình. Theo quan niệm của người Hoa, Bảo Sanh Đại Đế là thần y, bảo vệ sức khỏe cho mọi người…
Vị trí tượng thờ chính điện miếu Phước An trong dịp lễ hội
Phía trước, ngay sát bên phải bàn thờ chính điện, người ta đặt một chiếc trống đại; bên trái là chiếc chiêng. Hai bên phía trước bàn thờ này còn đặt bảy chậu nước sạch và bảy chiếc khăn mặt, để Thất Phủ Đại Nhân rửa ráy.
Sau khi đã tắm rửa, thay áo cho các bức tượng, Ban trị sự thắp hương tất cả các bàn thờ trong miếu. Mỗi lư hương thắp ba cây nhang.
Lễ vật dâng cúng trong lễ an vị tượng chủ yếu là đồ chay, khô, như nấm đông cô khô, hồng khô, măng khô, mì tóc (sống, để thành cuộn dài), bánh trung thu và các loại bánh ngọt khác…
Tiếp theo đó, người ta mở hộp gỗ, trong chứa 8 cây sắt dài, sắc nhọn như kim (ba cây lớn mỗi cây dài chừng 2,5m và năm cây nhỏ dài chừng 1,5m). Người Hoa gọi nó là “xiên lìn”. 8 cây sắt này được cắm lên lư hương lớn nhất giữa bàn thờ chánh điện miếu Phước An.
Bên ngoài và ngay hai bên tả hữu cửa miếu, hai chiếc kiệu cũng được gắn những cây gươm sắc như dao cạo. Phía dựa lưng là ba cây gươm dựng đứng, cây giữa dài, hai cây hai bên ngắn hơn, lưỡi quay về phía trước, hai tay vịn cũng gắn hai cây gươm quay lưỡi lên trên. Mặt ghế và nơi đặt chân đều để bàn chông sắt sắc nhọn. Đây là chiếc kiệu (ghế) không phải để cho người bình thường có thế ngồi vào.
Khi vừa bước qua những giây đầu tiên của ngày mới 11 tháng 8, lễ hội Phước An miếu khởi sự với nghi thức khai trống (tương tự lễ khai tràng trước lễ cúng miễu của người Việt). Lễ bắt đầu khi thầy pháp (thầy cúng) đội mũ đen, mặc áo dài đỏ, đánh một hồi trống (loại trống nhỏ cầm trên tay) hòa cùng tiếng chiêng. Thầy pháp dùng ba cây hương vẽ bùa lên mặt trống, sau đó kẹp ba cây hương chung với dùi trống đánh một hồi dài. Sau đó thấy pháp lắc chuông hòa nhịp cùng tiếng chiêng. Thầy pháp vừa lắc chuông theo nhịp một vừa khấn niệm. Tất cả Ban trị sự cùng làm lễ cúng. Mỗi người cầm ba cây nhang lớn, khấn niệm, lạy ba lạy rồi thắp hương. Sau khi thắp hương, mỗi người quỳ lạy hai lần. Tiếp đó là đốt giấy vàng bạc. Sau mỗi lần cúng lễ người ta đốt rất nhiều giấy vàng bạc…
Thầy pháp đứng trước bàn thờ chánh điện, lấy sớ ra đọc, hết mỗi đoạn thì những người cúng lễ lạy một cái. Sau đó thấy pháp đến bàn thờ trước cửa, đọc sớ, sau khi đọc xong, sớ được đặt lên bàn thờ. Thầy pháp xin xăm. Xăm đạt mong đợi, thầy pháp tiếp tục lắc chuông, tray trái đặt lên ngực, khấn niệm.
9 giờ sáng ngày 11 tháng 8 là lễ xây chầu, hát bội. Khởi sự trống lớn được đặt trước sân miếu, sau lời cúng, bái thiên, bái địa, bái thánh thần (mỗi lần bái đánh một tiếng vào phía trước và hai bên tả hữu của thành trống) là ba hồi trống, chương trình hát tuồng bắt đầu. Trên sân khấu, sau màn biểu diễn thầy trò Đường Tăng sang Tây Trúc thỉnh kinh, một người trong đoàn hát nhảy múa rồi quỳ lạy ba lần. Một vị thần dùng gương chiếu mọi phía và nhảy múa theo nhịp điệu. Trong miếu, thầy pháp vẫn cúng lễ theo nghi thức thắp hương, quỳ lạy, khấn niệm trong tiếng chiêng trống. Lời khấn niệm của thầy pháp tha thiết mời các vị thánh nhân về dự lễ, bày tỏ lòng tri ân, ngưỡng vọng, cảm tạ đã ban phước cho cuộc sống bình an, làm ăn thạnh đạt, cầu mong mưa thuận gió hòa, lòng người đồng thuận… Trên sân khấu tiếng nhạc ngày một rộn ràng, dồn dập. Ba ông trong vai phúc, lộc, thọ xuất hiện mở màn cho chương trình diễn tuồng.
Trước khi đoàn hát biểu diễn, tám diễn viên hóa trang thành Bát Tiên, lần lượt vào miếu cúng lễ, khấn niệm, xin lệnh ông giúp sức và phù hộ cho họ. Đoàn hát khiêm nhường ngưỡng vọng mời Thất Phủ Đại Nhân cùng thưởng thức những vở tuồng mà họ sẽ diễn. Mỗi diễn viên vào vai một nhân vật và khấn nguyện xin một điều cụ thể nào đó.
Lễ cúng miếu Phước An trong ngày 11 tháng 8 có hình thức tương tự lễ giỗ. Diễn ra ba lần vào sáng, trưa và chiều. Ba buổi lễ này tiếp tục được lặp lại trong những ngày sau đó. Ban quản trị miếu dâng đồ chay, dân chúng dâng đủ thứ lễ vật, không phân biệt chay mặn.
Vào mỗi lễ, người cúng chính vẫn là thầy pháp. Ông mặc áo dài đỏ, đội mũ đen, miệng luôn khấn niệm, tay phải cầm chuông lắc theo nhịp trống “tùng tùng khương… tùng tùng khương”… tạo nên âm thanh dồn dập, vui vui mà chúng ta không nghe thấy trong nhạc lễ cúng đình miếu của người Việt.
Buổi tối (ngày 11-8), tức trước ngày diễn ra chánh lễ, thầy pháp cùng Ban trị sự ra bờ sông cúng lễ. Dẫn đầu đoàn là người đàn ông cầm cờ xéo đỏ, tiếp đến là những người bưng lư hương, lồng đèn, các lễ vật. Thầy pháp khấn niệm cầu xin những điều tốt lành bên mâm lễ đơn sơ dưới đất ở mếp nước… Lễ cúng kết thúc bằng việc đốt giấy vàng bạc. Sau đó đoàn người trở về miếu. Nhạc lễ hòa nhịp suốt đường đi. Khi gần đến miếu, thầy pháp thổi một hồi tù và dài, rồi tiếp tục cúng lễ tại miếu.
Người ta để giấy vàng bạc, quả chùy có nhiều đinh sắt sắc nhọn, những lá bùa lên trên một cái mẹt lớn ngay giữa miếu rồi dựng đứng chiếc chiếu cói quấn lại. Phía trên chiếu được buộc túm, che kín những vật bên trong. Lễ cúng bắt đầu. Đây có thể xem là lễ cúng có vị trí khởi đầu tương tự tiên thường trong lễ cúng của người Việt nhưng nghi thức, cách thể hiện và mục đích hoàn toàn khác. Lúc này thầy pháp mặc áo dài đen, vừa làm lễ vừa thổi tù và. Sau khi khấn niệm xong, tấm chiếu được mở ra. Những lá bùa trên mẹt được dán lên kiệu, quấn vào các xiên lìn, quấn vào gươm trên kiệu, dán lên các bàn chông trên kiệu, nơi đặt chân. Trống, chiêng cũng như tất cả các đồ tế tự khác có trong miếu đều được dán bùa. Các lá bùa được viết trên giấy màu vàng và màu đỏ, được dán thành từng cặp, theo hình dấu X. Hai cây xiên lìn dài nhất và hai cây xiên lìn ngắn đã cắm trên lư hương trước đó cũng được lấy xuống, quấn bùa và dựng bên thành kiệu. Tiếng chiêng trống rộn rã. Người dự lễ vào ra tấp nập. Tất cả hòa chung trong sự sôi động chuẩn bị chào đón một ngày cúng lễ quan trọng nhất của lễ hội.
Ngày 12 tháng 8 là ngày lễ chính. Tương truyền đây là ngày sinh của đại nhân họ Tiêu, thánh nhân “lớn nhất” trong “Thất Đại Nhân”.
Từ sáng sớm bá tánh, người đi bộ, kẻ đi xe, đưa lễ vật tới dâng lên các thánh nhân. Đoàn người hành hương, dâng lễ ngày càng dài và liên tục từ sáng sớm cho đến tận nửa đêm... Trong bốn ngày diễn ra lễ hội, ngày 12 là ngày có nhiều người đến dâng lễ nhất.
Lễ vật mọi người mang tới rất nhiều thứ, tùy khả năng mỗi gia đình, không câu nệ nhiều ít, nhưng cũng có những lễ vật mà mọi người không muốn để thiếu khi dâng lên Thất Phủ Đại Nhân. Lễ vật có thể là heo quay nguyên con hay chỉ là một khổ thịt quay chừng một, vài “ký”. Các loại thực phẩm chay, đồ khô như nấm đông cô, măng khô, bánh trung thu, bánh quy gia đình tự làm đổ thành cái lớn (từ bột nếp, đường, nhân dừa, đậu xanh, phẩm hồng), bánh bông lan (cũng tự hấp lấy, chất liệu chỉ là bột mì, hột gà, đường). Các loại bánh ngọt có bán trên thị trường, hoa trái đủ loại và rất nhiều giấy hàng mã vàng bạc... cũng là những lễ vật mà mọi người đưa tới dâng lên Thất Phủ Đại Nhân…
Nhưng có lẽ những món sau đây là không thể thiếu, hầu như gia đình nào cũng mang tới dâng cúng. Đó là bánh tổ. Bánh tổ được làm bằng bột nếp, đường, rắc mè lên bề mặt rồi hấp chín. Bánh tổ mang ý nghĩa tượng trưng cho lễ dâng cúng tổ tiên. Vì nó là vật phẩm phổ biến để dâng lên tiền nhân nên người ta đặt tên gọi tự nó đã hàm chứa lòng biết ơn. Một lễ vật thứ hai là mì sợi, dân địa phương gọi là mì tóc. Mì tóc để sống, nguyên sợi, càng dài càng tốt. Sở dĩ như vậy vì nó tượng trưng cho trường thọ. Sợi mì dài hàm ý chỉ râu tóc dài và chỉ có trường thọ mới có râu tóc dài… Bởi vậy, mì tóc cũng là lễ vật thường được dâng cúng trong lễ mừng sinh nhật, lễ thượng thọ của người Hoa. Một loại lễ vật thứ ba có rất nhiều trong vật phẩm dâng cúng mà người dân địa phương mang tới đó là trứng vịt sơn đỏ. Người Hoa quan niệm trứng vịt sống, được sơn đỏ ở ngoài tượng trưng cho điều tốt lành, may mắn nên nó là lễ vật tốt để dâng lên Thất Phủ Đại Nhân… Ban quản trị miếu cũng dâng hàng trăm trứng vịt sơn đỏ để mọi người đến dự lễ có thể thỉnh về nhà, dâng lên gia tiên như một món lộc, một sự may mắn cầu được ước thấy…
Những người đến cúng lễ và dâng vật phẩm lên Thất Đại Nhân quan niệm đó như một việc cúng tạ, trả lễ thánh nhân đã phò trợ, giúp cho gia đình họ may mắn, yên lành và làm ăn phát đạt trong thời gian qua; cầu xin thánh nhân tiếp tục phò trợ trong thời gian tới với lời hứa nguyện sẽ trở lại trả lễ trong kỳ đáo lệ.
Lễ miếu Phước An đậm chất trả nghĩa, độ trì, phù hộ. Điều này không chỉ thể hiện qua việc dâng lễ vật, lời khấn niệm cầu xin mà ngay cả trong các nghi thức thực hiện.
Thực phẩm dâng cúng sẽ được gia chủ mang về nhà sau khi thánh nhân đã “thưởng thức” để cùng ăn với gia đình và người trong dòng tộc tại nhà riêng. Những người trong Ban quản trị cũng về nhà ăn, không ăn uống tại miếu. Đây là nét riêng trong lễ miếu Phước An. Việc tổ chức một bữa tiệc biên hoan như một lời cảm ơn sẽ được Ban quản trị miếu tổ chức cuối lễ tại một nhà hàng trong thị xã. Tuyệt đối không có chuyện tổ chức ăn uống tại miếu.
Khi người dân đến dâng cúng lễ vật, người cúng khấn niệm trong tiếng trống đều đều nhịp một.
Khoảng giữa trưa, Ban quản trị tổ chức cúng Ngọ, còn gọi là lễ Thất Đại Nhân. Ngay sau lễ này tiếp tục lễ cúng Đại binh. Lễ kéo dài chừng hơn một tiếng đồng hồ. Đây là lễ lớn nhất trong suốt quá trình diễn ra lễ hội. Trong lễ này có các nghi thức dâng cúng Thất Đại Nhân, tri ân ông bà tổ tiên. Ngoài việc dâng lễ vật tại miếu Phước An, con cháu họ Lý còn dâng lễ vật lên ông bà tổ tiên ở từ đường với ý nghĩa chúc thọ cho tổ tiên ông bà. Mọi người gọi một cách chung chung đây là lễ cúng chúc thọ ông Bổn.
Lễ cung Đạo binh là lễ cúng binh sĩ của Thất Đại Nhân. Thầy pháp là người điều hành dâng lễ vật (gồm những vật phẩm như trên đã nói) và điều hành nghi lễ. Lễ cúng Đại binh bắt đầu khi thầy pháp lắc chuông và dẫn đầu đoàn binh. Tay phải thầy pháp lắc chuông, tay trái cầm tù và và một cái thẻ bài. Thầy pháp vừa đi vừa khấn niệm. Tiếp sau thầy pháp là một người đàn ông cầm ba cây nhang, một người đàn ông cầm trống nhỏ đánh theo nhịp, một người nữa đánh cồng. Sau bốn người đàn ông trên là một thiếu niên cầm ngọn tre, phía trên để vài lá như cây nêu nhỏ, trên vai mang một sợi xích lớn. Thiếu niên này được xem là vị sĩ quan của đoàn binh gồm bảy thiếu niên tuần tự đi theo sau đó. Bảy thiếu niên này đều đội mũ tre đan, có chóp cao, tay cầm thanh gỗ sơn đỏ.Các cây gỗ này được xem như “cây lệnh”. Thầy pháp và các vị trong Ban quản trị miếu cho biết bảy thiếu niên này có lẽ là tượng trưng cho bảy người lính của Thất Đại Nhân? Họ không khẳng định điều này vì chưa ai giải thích cho họ, chỉ làm theo truyền thống mà thôi.
Đoàn binh xếp theo đội hình trên, đi năm vòng từ miếu qua từ đường, rồi trở lại miếu... Khi đoàn binh đến trước bàn thờ chính điện của từ đường thiếu niên “đóng vai” viên sĩ quan chỉ huy xướng câu “pi hổ” thì bảy thiếu niên trong vai lính họa theo “pi hổ” (pi-ô). Tiếng chiêng, trống, chuông vang lên suốt quá trình đoàn binh di chuyển. Người ta dâng năm bàn lễ vật trong từ đường, vật phẩm dâng cúng là đồ mặn.
Khi hỏi tiếng xướng và đáp “pi hổ” có ý nghĩa gì thì mọi người hầu như không biết, chỉ phỏng đoán.
Lễ Đại binh kết thúc bằng việc hóa rất nhiều giấy vàng bạc.
Ngày 12 tháng 8 là chánh lễ của miếu Phước An và ngày này cũng là ngày giỗ tổ nghề sân khấu. Vì vậy, từ sáng sớm, đoàn hát về phục vụ lễ hội Phước An miếu cũng làm gà vịt, nấu nướng các mòn ngon chuẩn bị cúng tổ nghề. Khoảng 9 giờ lễ vật được dâng lên. Một bàn thờ được trang trí sặc sở đặt ngay chính giữa sân khấu với rất nhiều lễ vật thịnh soạn: heo quay (nguyên con), gà luộc, xôi chè, bánh trái, hoa trà… Chính diện bàn thờ đặt một mặt nạ hổ, phía trước là lư hương.
Theo các vị cao niên người Hoa phường Chánh Nghĩa thì Thất Đại Nhân là những người tài hoa, rất yêu thích nhạc, họa nên đây cũng là dịp để đoàn hát cúng tổ của họ và dâng lên Thất Đại Nhân không chỉ lễ vật mà còn là những vở diễn đặc sắc. Trong khi cúng tổ nghề sân khấu, các diễn viên đoàn hát cũng dâng cúng trước bàn thờ Thất Đại Nhân.
Khoảng 4 giờ chiều, khi đoàn hát đang diễn vở “Đào viên kết nghĩa” thì một người đàn ông chừng 55 tuổi nhập cốt. Cốt đứng trước miếu, hướng về sân khấu, vừa nhảy múa vừa vẽ vào không trung một vòng tròn.
Chiêng trống nổi lên dồn dập. Cốt đến trước sân khấu đứng xem đoàn tuồng biểu diễn. Cốt nhảy múa, người ta giúp cốt cỡi áo. Cốt rút cây xiên lìn dài, cầm nó trên tay và tiếp tục nhảy múa. Một thành viên trong ban tổ chức đeo cho cốt chiếc váy đỏ ngang hông, chiếc yếm trắng có túi trước bụng (sau này nhiều người đã nhét tiền vào cái túi ấy). Người ta tung rất nhiều gạo và muối về phía cốt. Sau khi cầm xiên lìn nhảy múa chừng 20 phút, cốt dùng cây xiên lìn đâm xuyên qua một bên má, hai tay dang rộng nắm chặt xiên lìn và tiếp tục nhảy múa. Chừng 15 phút sau, cốt tiến về phía kiệu rồi nhanh như cắt ngồi và giẫm lên bàn chông sắt sắc nhọn. Cốt ngồi trên kiệu và xem hát chừng 30 phút. Trên sân khấu vở Đào viên kết nghĩa vẫn được các diễn viên thể hiện, dù những người dự lễ chỉ quan tâm dõi theo ông cốt trong sự khâm phục và sơ hãi. Sau khi rời khỏi kiệu, cốt cầm lá cờ xéo màu đỏ phất lên như muốn thể hiện một ẩn ý. Ngay lúc đó cốt nhảy lên bàn thờ ngồi. Cốt ra hiệu, đề nghị thắp ba cây nhang, sau đó phán điều thánh thần gửi gắm, mọi người cúng lạy. Cốt lấy nhiều lễ vật trên bàn thờ chuyển cho mọi người. Xiên lìn xuyên qua má cốt được mọi người giúp rút ra và chuyển lên bàn thờ Thất Phủ Đại Nhân. Ngay khi xiên lìn được rút người ta đắp một mảnh lá khô lên vết thương, nhưng nhìn kỹ thoáng thấy có máu rĩ ra. Ban trị sự cúng lạy, khấn niệm về điều mà cốt được thánh thần nhập vào cho biết, trong khi đó cốt vẫn tiếp tục nhảy múa. Người ta tiếp tục đặt lên hai chiếc kiệu hai quả châu, gọi là quả chông chi chít đinh sắt nhọn hoắt.
Theo cốt nói thì lần này đã được Na Tra Thái Tử nhập vào. Na Tra là một trong bốn vị thần phổ biến, có nhiều quyền năng trong tín ngưỡng của người Hoa ở Bình Dương. Tục thờ bốn vị thần đó là Huyền Thiên Thượng Đế, Quan Âm Bồ Tát, Na Tra Thái Tử và Nam Triều Đại Đế và lễ hội của tín ngưỡng này ở Bình Dương có nhiều nét độc đáo thu hút sự chú ý của mọi người.
Người lên cốt là một người bất kỳ trong số những người đến dự lễ, không được chọn trước, cũng không có võ thuật, võ công gì. Họ là sự lựa chọn ngẫu nhiên của thần thánh nhập vào vì một lý do nào đó mà người ngoài không thể biết. Người ta nói thường những người “nhẹ vía” mới dễ lên cốt. Thường ba năm, có tổ chức đoàn hát mới có lên cốt, nhưng lâu lâu mới có cốt xuất hiện, không thường xuyên. Thánh thần sẽ truyền đạt những điều mang tính tiên đoán hay quở trách mà chỉ bản thân người được nhập cốt mới nghe thấy và “phán lại”.
Theo quan niệm của dân chúng, cốt lên nhiều không tốt, là báo hiệu điềm xấu. Tương truyền trước 1952 và những năm 1965-1975, mỗi lần Phước An miếu tổ chức lễ hội cốt lên rất nhiều. Thời kỳ ấy Chánh Nghĩa loạn lạc, làm ăn khó khăn. Lễ hội lần này (năm 2009) thần nhập cốt là Na Tra làm những người lớn tuổi lo lắng vì sợ điềm xấu. Muốn tránh tai họa, điều không hay thì phải trấn tà để dân làng được bình an. Người ta trừ tà, tránh họa bằng cách đổ một đống than củi dài chừng 6m, quạt cho cháy rực, sau đó thầy pháp cúng, khấn niệm, bày tỏ ước mong, xin keo. Thầy pháp nhảy qua lửa trước và tiếp theo là toàn bộ dân chúng trong làng nhảy qua để trấn tà, cầu mong tai qua nạn khỏi, an lành.
Ngày 13 tháng 8 lễ hội tiếp tục với ba lễ chính sáng, trưa, chiều. Ban quản trị dâng lễ vật. Thầy pháp cúng lễ với nghi thức tương tự lễ cúng hôm trước. Người dân tiếp tục đến dâng lễ tạ ơn và cầu xin những điều tốt đẹp…
Trong lễ hội người ta tổ chức xin keo, xin xăm cho những người đến dâng cúng. Có thể nói đây là hoạt động thu hút rất nhiều người muốn được thánh thần mách bảo vận hạn hay điều may mắn. Người đến cúng lễ, khi ra về không quên xin những lá bùa (bùa bình an giấy màu đỏ và bùa trấn tà giấy màu vàng) để dán hai bên cửa chính. Cũng có nhiều người xin rất nhiều lá bùa để dán đủ tất cả các cửa chính, phụ trong nhà, bao nhiêu cửa xin bấy nhiêu cặp bùa… Có khi bùa cũng được dán lên các vật dụng quan trọng.
Ngoài ra, Ban quản trị tổ chức làm ra rất nhiều lồng đèn to nhỏ khác nhau với giá cả khác nhau và hoàn toàn mang tính hỗ trợ cho lễ hội để bá tánh thỉnh về nhà vừa để cầu may nhưng cũng thông qua đó để dâng của lễ lên thần thánh. Lồng đèn có giá từ 1-5 triệu, gấp hơn nhiều so với giá trị thật. Trứng sơn hồng cũng được bán từ 5 đến 10.000 ngàn đồng một quả cho ai muốn mua về dâng lên bàn thờ tại gia cũng với ý nghĩa đó. Người ta tin thỉnh những thứ đó về nhà là thỉnh lộc, sẽ làm ăn thịnh đạt trong thời gian tới.
Trong lễ cúng ngọ ngày 13-8 năm nay (2009), Ban quản trị miếu đã xin keo Thất Đại Nhân đồng ý cho phép chuyển bàn thờ thiên sang bên phải miếu. Trước đây bàn thờ này luôn được đặt bên trái.
Cũng vào chiều 13-8, lệ thường, Ban trị sự tổ chức họp đánh giá ba năm hoạt động, bầu Ban trị sự điều hành nhiệm kỳ mới (nhiệm kỳ III) và mời quan khách liên hoan. Một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc văn hóa của người Hoa thật sự thu hút quan khách.
Nửa đêm ngày 13 tháng 8 khởi sự lễ Tôn vương. Thầy pháp dâng hương, cúng lễ trong tiếng chiêng trống rộn ràng.
Đoàn hát dâng lời cúng. Mỗi người dâng một lời cúng theo điệu hát. Sau đó từng diễn viên tuần tự mỗi người một cây hương đến trước bàn thờ chánh điện vái lạy. Mỗi diễn viên vái ba vái và quỳ lạy ba lần. Trưởng đoàn hát dâng lễ vật lên bàn thờ Thất Phủ Đại Nhân.
Đại diện đoàn hát dâng lời khấn:
Hôm nay ngày 13 tháng Tám năm Kỷ Sửu, Bổn bang ca xướng viên mãn, Thiết lễ Tôn vương, ngưỡng vọng thần linh, thành tâm kính chúc linh thần tại nơi này:
Thiên cổ hiển vang, định an cương thổ,
thánh thiên ngưỡng mộ, phò hộ lê dân.
Vạn thuở anh linh phò bá tánh
Thiên thu hiển hách trợ muôn dân
Chúc cho quí bổn hội nam nữ
Tứ thời hạnh phúc lâm môn hạ.
Bát tiết kim ngân tích xá trung.
Phước sanh phú quí gia đường thạnh,
lộc tấn vinh hoa tử tôn hưng.
Thiên thêm tuế nguyệt nhân thêm thọ,
xuân mãn càn khôn phúc mãn đường.
Chúc cho nhân dân địa phương
Sĩ đương chức, thăng quyền tiến chức
Nông nghiệp gia ruộng rẫy trúng mùa
Công việc làm đắc quả thành công
Thương mãi vụ mua may bán đắt…
Kết thúc lễ Tôn vương, thầy pháp đọc sớ, hóa vàng bạc. Thầy pháp cúng khấn bằng tiếng Hoa và xin xăm. Sau đó thầy pháp vừa khấn niệm theo kết quả xin xăm vừa quỳ lạy tám phương, mỗi phương một lạy. Thầy pháp thổi một hồi tù và dài kết thúc lễ Tôn vương.
Rạng sáng ngày 14 tháng 8, vào lúc 3 giờ, lễ hội Phước An miếu kết thúc bằng lễ Tiễn khách. Sau nghi thức cúng lễ, thầy pháp cảm tạ thánh thần, là lễ tiễn những vị thần được mời về dự. Các tượng thờ được đưa về lại chùa Quan Thế Âm. Thầy pháp nguyện kinh cầu an. Lễ kết.
Lễ hội Phước An miếu ngoài việc mời đoàn hát không có các cuộc thi, trò diễn dân gian như lễ cúng đình, miếu của người Việt. Không phải dịp cúng lễ Thất Phủ Đại Nhân vào ngày 12 tháng 8 âl năm nào miếu Phước An cũng mời đoàn hát về biểu diễn mà phải ba năm một lần. Suốt lễ hội, hầu như chiều tối nào đoàn hát cũng biểu diễn và thu hút rất đông người dân địa phương hào hứng thưởng thức. Ban quản trị miếu Phước An thường mời đoàn tuồng Ngọc Khanh về biểu diễn mỗi dịp tổ chức lễ hội. Chương trình của đoàn hát thường là: 9 giờ sáng ngày 11-8 âl diễn vở “Thuyết đường”; 20 giờ diễn “Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu”. Hôm sau, ngày 12-8 âl, 14 giờ diễn vở “Đào viên kết nghĩa”; 20 giờ là “Giang sơn và mỹ nhân”. Ngày 13-8 âl, lúc 14 giờ diễn vở “Hạng Võ biệt Ngu Cơ”; 20 giờ diễn vở “Phụng Kiều Lý Đáng”, Tôn Vương Lý Đáng…
Nội dung các vở diễn chủ yếu đề cao trung nghĩa, nhân phẩm, ca ngợi tình yêu, lòng chung thủy, nghĩa khí người quân tử, ân oán phân minh, kết thúc có hậu, có giá trị giáo dục đạo lý truyền thống…
(Nguồn: vanchuongviet.org)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch