Lễ hội
Lễ hội Quan Lạn
Địa điểm: Diễn ra ở bến Đình thuộc xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn.
Thời gian: Được tổ chức vào ngày 18 tháng 6 (âm lịch) hàng năm nhưng lễ hội kéo dài từ ngày 10 đến hết ngày 20 tháng 6
Ý nghĩa:
Lễ hội Quan Lạn vừa kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 và chiến công của Trần Khánh Dư, một danh tướng của nhà Trần vừa là ngày hội cầu được mùa của cư dân vùng biển.
Lễ hội Quan Lạn (còn gọi là hội đua bơi Quan Lạn), là hội làng của người dân xã đảo Quan Lạn, một hòn đảo nằm ở khu trung tâm thương cảng cổ Vân Đồn.
Lễ hội được tổ chức trên bến Đình, nơi có đình Quan Lạn, một ngôi đình cổ trong số ít những ngôi đình còn giữ được cho đến ngày nay.
Ngày 10 tháng 6: khoá làng (một tục làm trong lễ hội của người Việt), dân trong làng không được đi bất cứ đâu nhưng những người làm ăn ở xa và khách thập phương lại có thể về làng dự hội.
Lễ hội Quan Lạn có tục đua thuyền khác với bơi trải. Dân làng chia làm hai phe Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ lập doanh trại riêng từ ngày 13 để luyện quân, chuẩn bị thuyền đua. Thuyền đua thường là thuyền đi biển trọng tải 5 đến 6 tấn, rộng và sâu lòng, được hạ buồm, trang trí đầu rồng ở mũi thuyền.
Ngày 16 làm lễ nghinh thần. Dâng lễ rước bài vị của Trần Khánh Dư từ nghè (cách đình 1,5 km) về đình. Dưới bến, đôi thuyền đua tập luyện tạo một không khí tưng bừng náo nhiệt.
Ngày 18 tháng 6 vào 3 giờ chiều (năm nào cũng vậy thường lúc này nước triều lên tới sát bến của đình) hai bên bắt đầu xuất phát. Lính bên văn áo trắng quần xanh, chân quấn xà cạp xanh, lính bên võ quần áo xám hoặc đen. Tiếng chiêng trống, tiếng hô vang, cờ bay phần phật đầy khí thế. Mỗi khi hai đàn giáp nhau ở sân đình, quân lính cùng dân chúng hét lớn vang dậy cả một vùng. Hai tướng múa những đường đao đẹp mắt, hai đoàn quân gặp nhau ba lần, tượng trưng cho ba lần đánh thắng quân Nguyên thời Trần. Tới lần thứ ba hai đoàn quân tập hợp trước miếu, hai vị tướng vào tế, khi quay trở ra thì cuộc đua thuyền mới chính thức bắt đầu.
Lễ hội Quan Lạn mang dấu ấn của một hội làng truyền thống nhưng rất hoành tráng thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước của những người dân vùng biển.
(Theo: http://www.halong.com)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch