Lễ hội
Lễ hội rước lợn Ông Bồ
Ngoài đặc điểm chung là "lễ hội của nông dân", lễ Rước lợn "ông Bồ" (tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch) còn mang sắc thái địa phương với nguyện ước mong sao cuộc sống thanh bình, mùa màng tốt tươi, cây trồng vật nuôi sinh sôi nảy nở. Tìm hiểu về lễ Rước lợn "ông Bồ" của Kỳ Sơn, nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa văn nghệ dân gian không muốn chỉ dừng lại ở các hình thức tế rước...
Theo cụ Phạm Văn Ban, người Kỳ Sơn thì: "ông Bồ" không phải là tên một cá nhân mà có nghĩa là "to". Người ta vẫn viết hoa chữ "Bồ", bởi đó là một thành tố tạo nên tên riêng của một lễ hội vốn có từ lâu đời ở Kỳ Sơn. Về dự lễ hội ai cũng thấy cách giải thích trên của cụ Ban là có lý, bởi con lợn trong lễ rước rất to, cho dù đã được mổ thịt và làm sạch sẽ.
Nhiều cụ cao tuổi của địa phương cho biết, ở Kỳ Sơn từ những năm xa xưa, các giáp trong làng rất khuyến khích việc nuôi lợn giỏi, nhất là chuẩn bị lợn cho lễ tế đám. Dịp ấy, làng quy định gia đình nào sinh con trai phải gánh tế đám thì người ấy có nhiệm vụ nuôi một con lợn to (do trong giáp đóng tiền ra mua giống và quy định về trọng lượng lợn mà người nuôi phải đạt tới). Lợn nuôi nhiều hay ít là do các giáp quyết và đều có treo giải (bằng cái thủ lợn) tùy theo trọng lượng lợn. Sau khi được nuôi trong chuồng sạch sẽ, đến mùng 9 tháng Giêng thì chủ lợn mở cửa chuồng để bà con biết. Lợn mổ thịt xong mới cân để ghi điểm, ai là người có lợn nuôi nặng cân nhất sẽ được thủ lợn mang về... Lợn đem vào tế đám tính theo trọng lượng móc hàm. Địa phương từng có gia đình bà Khóa Bồ nuôi lợn nặng tới 120 kg, trong 8-9 năm liền "ẵm trọn cái thủ lợn" bởi không ai phá được kỷ lục trên. Trong khi mổ lợn, các giáp cũng giã bánh dày.Vì thế, vào lễ rước, làng Kỳ Sơn có đủ lợn to, bánh dày, ai cũng hoan hỉ vì có công sức mình trong đó.
Cũng giống như lễ Vật cầu của Kim Sơn, các nghi lễ tế Rước lợn "ông Bồ" của Kỳ Sơn cũng được tiến hành tại đình làng. Lợn được làm sạch sẽ, đặt trên mâm cho xoãi cả bốn chân, có giấy hồng điều trang trí. Mâm bánh dày cũng được xếp đẹp mắt, lại thêm mâm ngũ quả nhiều màu sắc. Tất cả đặt lên kiệu rước trong tiếng trống hội làng và đội âm nhạc. Không có sự can thiệp của đạo diễn nào dàn dựng. Toàn bộ lễ rước diễn ra trong sự điều hành chung của các bậc cao niên và dân làng.
Lược ghi một vài "quy ước" như vậy để thấy từ rất lâu, 18 giáp trong làng Kỳ Sơn rất coi trọng việc nuôi lợn và lễ rước lợn. Đặc biệt, Kỳ Sơn không rước lợn đã được làm chín (quay vàng cả con) và mâm xôi đầy như ta thường thấy trong các mâm lễ vật ở các lễ hội. Lợn rước ở đây nặng cân đã mổ thịt và để nguyên tươi sống. Với dân làng Kỳ Sơn, đó là hình ảnh tượng trưng của một lễ hội mà ở đó cộng lại tất cả các nhu cầu tự nhiên của dân làng. Đó là nhu cầu cuộc sống, tâm linh, ước vọng, quyền lợi. Đây cũng là một trong những đặc điểm của lễ hội truyền thống của Hải Phòng. Chỉ cần nhìn con lợn to, mâm bánh dày trắng ngần thơm dẻo, đủ biết người Kỳ Sơn luôn ước mong sự phồn thịnh, năm này, tháng này được mùa cả trồng trọt lẫn chăn nuôi.
Từ năm 1997, Kỳ Sơn khôi phục lễ hội Rước lợn "ông Bồ". Năm ấy, bên cạnh việc tuyên truyền cổ vũ ý nghĩa lễ hội, Báo Hải Phòng ủng hộ bà con 600 nghìn đồng để mua lợn giống. So với trước đây, làng không còn nuôi lợn treo giải, nhưng vẫn cơ bản bảo đảm các quy trình như chọn gia đình nuôi lợn giống tốt để khi vào lễ đúng là lợn "ông Bồ" nặng cân, nhiều thịt, đẹp mắt. Và không thể thiếu bánh dày, ngũ quả. Phần tế trong hội được tiến hành dưới sự huớng dẫn của cụ Phạm Văn Mão và một số cụ đại diện trong làng. Đội tế của người lớn (bồi tế) chủ yếu là thành viên họ Vũ. Bên cạnh đó có 5 em nam thiếu niên học giỏi, khỏe mạnh tham gia.
Trong khói hương nơi cửa đình, các em nghe bài văn tế của các cụ, trang nghiêm trong nghi lễ dân gian để thấm sâu hơn ý nghĩa của một lễ hội quê nhà. Đó là tính kế thừa tinh thần yêu lao động, tạo sự no ấm trên mảnh đất quê hương mình. Sau lễ tế là đoàn khiêng kiệu rước lợn trên những đoạn đường mà làng quy định để trở về đình làng. Rước lợn xong, dân làng được "thụ lộc "thịt lợn, bánh dày và hoa quả. Các hộ chăn nuôi giỏi được biểu dương và khen thưởng, trong đó tiêu biểu như gia đình bác Nguyễn Văn Bối từng nuôi lợn rước nặng từ 210-240 kg. Dân làng ai cũng phấn khởi.
Từ vật nuôi bình thường, ở một thời khắc nhất định được gắn liền với các nghi thức của một lễ hội (mở ba năm một lần như hiện nay), con lợn ở Kỳ Sơn trở nên linh thiêng bởi thấm đẫm các yếu tố tâm linh.Và chính đó là nét đặc sắc của lễ hội Rước lợn ông Bồ ở Kỳ Sơn, Kiến Thụy hôm nay.
(Nguồn: haiphong.gov.vn)
Ý kiến của bạn
Non nước Việt Nam
Doanh nghiệp Du Lịch